ĐBQH Trần Thị Hồng Thanh (Ninh Bình):
Tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho quản lý, sử dụng đất di tích, di sản
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) không có định nghĩa về loại đất di tích, di sản, cũng không có quy định riêng về quy hoạch, kế hoạch sử dụng loại đất đặc thù này mà mới chỉ đặt ra yêu cầu bảo vệ, tôn tạo di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh. Dự thảo Luật có một điều là Điều 204 quy định về đất có di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản thiên nhiên nhưng nội dung Điều 204 về cơ bản kế thừa Điều 158 của Luật Đất đai hiện hành. Với quy định như vậy, dường như không có điểm đột phá về tư duy trong quản lý và sử dụng loại đất này, thiếu quy định chi tiết, cụ thể và đầy đủ về cơ chế quản lý mà chưa thấy được những điểm đặc thù trong quản lý và sử dụng đối với loại đất này. Do vậy, đề nghị bổ sung trong dự thảo Luật các quy định để làm rõ những điểm đặc thù về việc quản lý, sử dụng đất di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản thiên nhiên theo hướng:
Một là, bổ sung vào Điều 3 về giải thích từ ngữ khái niệm về đất có di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản thiên nhiên.
Hai là, có quy định riêng về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đối với loại đất này. Việc quy hoạch sử dụng đất cần xác định rõ vùng lõi, vùng phụ cận lõi và vùng bao quanh bên ngoài di tích, di sản để có quy định chế độ bảo vệ di tích, di sản tích hợp, lồng ghép trong việc quản lý và sử dụng loại đất này. Cụ thể, đối với vùng lõi của di tích, di sản và vùng phụ cận lõi di tích, di sản, nghiêm cấm mọi hành vi xâm phạm, sử dụng đất sai mục đích, vùng bao quanh bên ngoài di tích, di sản được sử dụng đất nhưng không được làm ảnh hưởng đến việc bảo vệ di tích, di sản.
Ba là, trong Luật Đất đai (sửa đổi) cần có quy định cụ thể hơn về việc sử dụng đất của các hộ gia đình, cá nhân trong khu vực di sản. Cho phép chuyển đổi một số diện tích nhất định đất vườn, ao sang đất ở trong khu dân cư tập trung của di sản. Cho phép đối với diện tích đất giao không đúng thẩm quyền từ trước ngày 1.7.2014 đang sử dụng ổn định, không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch nằm trong khu vực được quy hoạch là khu dân cư tập trung được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và các tài sản sản khác gắn liền với đất theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 20 Nghị định số 43 năm 2014 của Chính phủ để giải quyết những bất cập nêu trên, cũng như bổ sung quy định về thu hồi đất, hỗ trợ, tái định cư cho người dân trong trường hợp phải di dời ra khỏi khu vực di sản, cho phép chuyển đổi một số diện tích nhất định đất vườn, ao sang đất ở trong các khu dân cư tập trung. Cùng với đó, trong khu di sản có nhiều loại đất khác nhau như đất tôn giáo, đất dân cư, đất nông nghiệp, đất dịch vụ, du lịch, với đặc thù như vậy thì mỗi loại đất này cần phải có quy định riêng về cơ chế, chính sách phù hợp với đặc điểm riêng của một di sản hỗn hợp văn hóa thiên nhiên.
ĐBQH Nguyễn Tuấn Anh (Long An):
Bổ sung lại quy định về đất xây dựng công trình ngầm, công trình trên không
Dự thảo Luật lấy ý kiến Nhân dân có quy định nội dung liên quan đến không gian sử dụng đất, đất xây dựng công trình ngầm và đất xây dựng công trình trên không, tuy nhiên trong dự thảo Luật mới đã bỏ nội dung này, chỉ còn một số quy định liên quan như: tại khoản 5 Điều 9 quy định phát triển công trình trên không theo quy hoạch; khoản 3 Điều 75 quy định về thu hồi diện tích phần đất bề mặt phục vụ xây dựng công trình ngầm; khoản 4 Điều 120 quy định cho thuê đất xây dựng công trình ngầm có mục đích kinh doanh. Quy định như vậy là chưa đảm bảo tính toàn diện. Vì vậy, đề nghị xem xét, bổ sung lại quy định về không gian sử dụng đất, đất xây dựng công trình ngầm, công trình trên không, vì đây là yêu cầu thực tiễn phát triển đất nước và cũng là xu thế phổ biến trong quy hoạch và xây dựng trên thế giới hiện nay.
Cùng với đó, đề nghị định nghĩa rõ về công trình trên không khác hay tương đương với công trình trên mặt đất có sử dụng phạm vi không gian theo chiều cao trên không và thống nhất cách hiểu với các luật hiện hành, vì Luật Xây dựng hiện nay không có quy định về công trình trên không. Bổ sung khái niệm và quy định cụ thể vào luật về công trình ngầm và quyền sử dụng không gian trên không, không gian ngầm. Làm rõ việc phát triển công trình ngầm, công trình trên không được quy định tại khoản 5 Điều 9 là theo quy hoạch nào.
Trường hợp Chính phủ tiếp tục trình phương án bỏ các quy định về nội dung trên trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) thì cần làm rõ các luật chuyên ngành về xây dựng, quy hoạch đô thị sẽ giải quyết các vấn đề bất cập trong thực tiễn liên quan đến công trình ngầm, công trình trên không như thế nào. Nếu không quy định ngay mà chờ việc sửa đổi, bổ sung các luật khác thì có sớm giải quyết, tháo gỡ được các vấn đề vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn liên quan đến các loại công trình này hay không?
Để bảo đảm tính lâu dài của luật thì các quy định cần phải được xem xét thấu đáo, dự báo các vấn đề có thể phát sinh trong tương lai, đặc biệt là vấn đề mang tính xu thế phát triển của thế giới, do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, bổ sung quy định cần thiết. Đơn cử như công trình trong lòng núi thuộc loại công trình nào và nên có quy định thế nào trong dự thảo Luật này?
ĐBQH Nguyễn Quang Huân (Bình Dương):
"Bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn" là hoàn toàn khả thi
Tôi đánh giá cao Ban soạn thảo và các cơ quan thẩm tra đã nỗ lực tiếp thu tới hơn 11,6 triệu ý kiến để đưa vào trong báo cáo lần này. Chất lượng dự thảo Luật rõ ràng đã được nâng lên hẳn. Tuy nhiên tôi thấy có một số những điểm ở phiên bản trước rất tốt nhưng lại không thấy đưa vào dự thảo lần này. Ví dụ trong Điều 86 về nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất (trước đây là Điều 89), có nêu nguyên tắc “người bị thu hồi phải có cuộc sống bằng hoặc tốt hơn trước khi di dời”. Việc này là rất nhân văn.
Trong dự thảo Luật cũ quy định "phải đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn", việc "đảm bảo thu nhập" thì rất khó có thể đảm bảo được, nhưng cuộc sống bằng hoặc tốt hơn thì hoàn toàn có thể, vì không nhất thiết cuộc sống tốt hơn là phải thu nhập tốt hơn. Chẳng hạn những người sống ở ven sông, kênh rạch thu nhập đang tốt nhưng khi di dời vào trong đất liền người ta làm vườn, nuôi trồng có thể thu nhập không bằng nhưng cuộc sống thì tốt hơn, ổn định hơn, con cái được tới trường. Như vậy, đánh giá cuộc sống tốt hơn không chỉ căn cứ vào thu nhập mà có nhiều chỉ tiêu, điều này trong mục 2.3 của Nghị quyết số 18 của Trung ương. Do đó, chúng ta cũng nên xem xét lại nội dung này.
Nguyên tắc đền bù theo giá thị trường, khi đưa ra tranh luận có rất nhiều ý kiến, vì chúng ta dùng từ "đền bù theo giá thị trường" là rất khó xác định. Nhưng trong Nghị quyết số 18 của Trung ương đã nêu là đền bù theo nguyên tắc thị trường. Nguyên tắc thị trường khác với “theo giá thị trường”. Quy định này cũng phù hợp với cách dùng của một số tổ chức quốc tế là "đền bù tiếp cận giá thị trường". Nguyên tắc giá thị trường được xác định như thế nào là do các cơ quan tư vấn tham khảo qua nhiều ý kiến trước thời điểm đền bù. Như vậy, thời điểm đền bù không nhất thiết phải theo giá thị trường tại thời điểm đó, nhưng nguyên tắc phải được đảm bảo.
Tôi cho 2 điểm trên đây là rất tốt và hoàn toàn khả thi. Việc này chúng ta làm rồi chứ không phải chưa làm. Mấy chục năm qua có đến hàng trăm, hàng nghìn dự án chúng ta đã làm như thế. Đó là cơ sở thực tiễn. Nghị quyết số 18 là khái quát hóa, lý luận hóa, nhiệm vụ của chúng ta là thể chế hóa lý luận này quay trở lại để phục vụ thực tiễn thì hoàn toàn có thể thực hiện rất khả thi, không nên vì nhiều ý kiến tranh luận vấn đề này mà chúng ta bỏ quy định này ra khỏi luật. Tôi thấy cần hết sức cân nhắc.