Hiện còn có rất nhiều người mắc đái tháo đường mà không biết hoặc chưa được kiểm soát điều trị tốt. Đây là căn bệnh có diễn tiến âm thầm nhưng nguy hiểm nhiều người bệnh chủ quan.
Đái tháo đường diễn biến âm thầm: Nhận diện như thế nào?
Theo ThS.BS Nguyễn Thu Yên - Chuyên khoa Nội tiết, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, đái tháo đường là một căn bệnh dường như không có triệu chứng cơ năng trong giai đoạn đầu.
Tuy nhiên, khi tình trạng lượng đường trong máu tiếp tục tăng cao sẽ xuất hiện những dấu hiệu cảnh báo như:
- Khát nước, uống nhiều nước.
- Số lần đi tiểu tăng, lượng nước tiểu nhiều.
- Cân nặng sụt giảm.
- Dễ cảm thấy mệt mỏi.
- Mắt mờ, tầm nhìn bị giảm.
- Tê tay chân, chân đau khi đi bộ.
- Mất khả năng cương dương…
Khi có những dấu hiệu nghi ngờ, người bệnh cần đến cơ sở y tế chuyên khoa để được khám, làm xét nghiệm chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời. Nếu bạn không điều trị bệnh đái tháo đường hoặc không được điều trị thích hợp, các biến chứng nghiêm trọng có thể xuất hiện và làm chất lượng cuộc sống giảm.
“Bệnh đái tháo đường là nguyên nhân gây mù lòa, cắt chân, suy thận, bệnh tim, đột quỵ… Trong năm 2017, trên thế giới có 4 triệu người tử vong do bệnh đái tháo đường”, BS Yên nhấn mạnh.
Bệnh nhân đái tháo đường cần chủ động theo dõi đường máu tại nhà
BS Yên khuyến cáo, mẫu xét nghiệm sinh hóa hay đường máu mao mạch thông thường mà mỗi tháng bệnh nhân được bác sĩ chỉ định, chỉ cho chúng ta biết được lượng đường máu của chúng ta tại một thời điểm mà không phản ảnh được đường huyết hàng ngày ở nhà trong suốt 1 tháng.
Có nhiều yếu tố khiến cho kết quả đường máu ngày đi khám bệnh của bệnh nhân bị sai lệch như:
- Khi chúng ta nhịn đói quá lâu, đường máu có thể xuống thấp hoặc cũng có thể tăng lên do phản ứng của cơ thể.
- Khi chúng ta căng thẳng hoặc đêm hôm trước mất ngủ lượng đường có thể tăng cao…
“Việc thử đường huyết tại nhà cho chúng ta biết chính xác đường huyết của mình ở nhiều thời điểm trong ngày hoặc khi có các biểu hiện bất thường giúp xác định kịp thời các biến chứng tăng đường huyết cũng như hạ đường huyết”, BS Yên cho hay.
Tự theo dõi đường máu tại nhà sẽ giúp hướng dẫn chúng ta cách ăn uống, tập luyện, điều chỉnh lối sống, giúp chúng ta tuân thủ điều trị hơn.
Ngoài ra, việc ghi lại nhật ký đường huyết của mình và mang đến bác sĩ sẽ giúp bác sĩ có thêm thông tin để điều chỉnh liều thuốc cho chúng ta hiệu quả hơn.
Các thời điểm nên theo dõi đường huyết tại nhà: Trước các bữa ăn, sau ăn các bữa 1-2h, trước khi đi ngủ buổi tối và khi nghi ngờ có hạ đường huyết.
Tùy mức độ ổn định của đường huyết và giai đoạn bệnh mà bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên cho bạn về tần suất theo dõi đường huyết tại nhà.
Uống thuốc trị đái tháo đường thời gian dài có hại gan, thận?
Rất nhiều người bệnh đái tháo đường lo ngại rằng dùng thuốc tân dược lâu ngày sẽ ảnh hưởng xấu tới gan, thận.
Tuy nhiên, theo BS Yên, những thuốc điều trị đái tháo đường để có thể lưu hành trên thị trường đều cần trải qua nhiều nghiên cứu với nhiều pha lâm sàng (giai đoạn) và phải chứng minh được lợi ích cũng như tính an toàn cho người bệnh.
Những thuốc điều trị đái tháo đường hiện được Bộ Y tế cấp phép lưu hành tại Việt Nam đều là những thuốc được Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm FDA Hoa Kỳ cấp phép và sử dụng ngay tại quốc gia phát triển và rất "khó tính" này.
“Do vậy nếu bệnh nhân tuân thủ dùng thuốc theo đúng chỉ định thì có thể hoàn toàn yên tâm về tính an toàn của thuốc.
Ngược lại nếu bệnh đái tháo đường không được kiểm soát tốt sẽ có nguy cơ bị các biến chứng nguy hiểm như: hôn mê do tăng đường huyết, suy thận mạn, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch não, cắt cụt chi...”, BS Yên thông tin.
Bên cạnh tác dụng làm hạ đường huyết, một số thuốc điều trị đái tháo đường còn có thêm những lợi ích như: bảo vệ thận, làm chậm tiến triển bệnh thận ở người đái tháo đường đã có biến chứng thận, giảm biến cố tim mạch trên bệnh nhân suy tim phân suất tống máu giảm...