Người bệnh đái tháo đường cần cẩn trọng trước đại dịch

- Thứ Tư, 15/04/2020, 07:31 - Chia sẻ
Theo các chuyên gia y tế, trong thời điểm dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, người mắc bệnh đái tháo đường - một trong những đối tượng dễ tiến triển nặng nếu nhiễm SARS-CoV-2, cần chủ động chăm sóc sức khỏe, đồng thời tuân thủ điều trị, thường xuyên kiểm soát đường huyết, để phòng ngừa những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Dễ biến chứng nặng nếu mắc Covid-19

Theo thống kê của Liên đoàn Đái tháo đường thế giới (IDF), trên thế giới cứ 11 người trưởng thành có 1 người mắc đái tháo đường, trong đó, 46,5% người bệnh chưa được chẩn đoán. Dự tính đến năm 2040, cứ 10 người lớn có 1 người mắc bệnh; 3/4 người mắc đái tháo đường ở các quốc gia thu nhập thấp và trung bình. Chi phí y tế được sử dụng cho quản lý đái tháo đường chiếm 12% trên tổng chi phí y tế toàn cầu

Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, PGS.TS. Lương Ngọc Khuê cảnh báo, số người mắc bệnh đái tháo đường không được chẩn đoán đang ngày càng gia tăng, có những trường hợp khi được chẩn đoán thì đã xuất hiện các biến chứng. Kết quả điều tra mới nhất của Bộ Y tế về đái tháo đường cho thấy, 68,9% người tăng đường huyết chưa được phát hiện; chỉ có 28,9% người bệnh đái tháo đường được quản lý tại cơ sở y tế, cứ 10 bệnh nhân thì 6 người bị biến chứng do đái tháo đường.

Hiện nay, ước tính có khoảng 3,8 triệu người Việt Nam mắc đái tháo đường, chiếm tỷ lệ 6% dân số trưởng thành và dự báo con số này sẽ tăng lên 6,3 triệu người vào năm 2045. Bác sĩ, TS. Nguyễn Quang Bảy (Khoa Nội tiết Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, người bệnh đái tháo đường nếu mắc phải Covid-19 sẽ có triệu chứng nặng với nhiều biến chứng và dễ tử vong hơn so với người bình thường. Nguy cơ bị bệnh nặng sau khi mắc Covid-19 không khác biệt giữa đái tháo đường typ1 và typ2 nhưng có thể khác biệt tùy theo tuổi của bệnh nhân. Tuổi càng cao, việc kiểm soát đường huyết kém hoặc để đường huyết dao động nhiều, có các biến chứng mạn tính, nhất là biến chứng tim mạch, biến chứng thận… là những yếu tố dự báo bị bệnh nặng và có nguy cơ tử vong.


Bệnh nhân đái tháo đường dễ bị biến chứng nếu mắc Covid-19

TS. Nguyễn Quang Bảy dẫn chứng, theo một nghiên cứu trên 138 bệnh nhân mắc Covid-19 tại Bệnh viện Vũ Hán, Trung Quốc, bệnh nhân đái tháo đường chỉ chiếm 5,9% trong số bệnh nhân Covid-19 nhập viện nhưng lại chiếm tới 22,2% số bệnh nhân Covid-19 phải điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực.

Theo các chuyên gia y tế, ở Việt Nam, hiện nay, dịch bệnh Covid-19 đang được khống chế tương đối tốt, nhưng nếu dịch lan mạnh ra cộng đồng thì nguy cơ người bệnh đái tháo đường bị bệnh nặng là rất cao vì tỷ lệ bệnh nhân đái tháo đường ở Việt Nam kiểm soát đường huyết tốt khá thấp (gần 30% so với 50% ở các nước phát triển). Thực tế, một số bệnh nhân mắc Covid-19 có đái tháo đường đã bị bệnh nặng hơn, như trường hợp bệnh nhân người Anh tại Hà Nội bị suy hô hấp nặng, phải thở máy hay bệnh nhân người Trung Quốc tại TP Hồ Chí Minh thời gian nằm viện kéo dài hơn 3 tuần.

Cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ

Bác sĩ Nguyễn Quang Bảy cho biết, có nhiều nguyên nhân khiến cho việc kiểm soát đường huyết ở các bệnh nhân đái tháo đường mắc Covid-19 gặp khó khăn, đó là chế độ ăn và giờ ăn thay đổi, nhất là bệnh nhân đang phải cách ly; thiếu hoặc thay đổi các thuốc uống đái tháo đường tại vùng bị cách ly; bệnh nhân bị viêm, nhiễm khuẩn, khi đó cơ thể có phản ứng tăng tiết glucocorticoid và một số nội tiết tố khác để chống stress và viêm nhưng chính các nội tiết tố này lại làm tăng đường huyết. Bên cạnh đó, SARS-CoV-2 sẽ kích thích cơ thể tăng sản xuất nhiều cytokine viêm, gây stress nặng ở các bệnh nhân nặng và nguy kịch. Chính vì vậy, người bệnh mắc đái tháo đường cần kiểm soát tốt đường huyết, huyết áp theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, tăng cường miễn dịch, hạn chế tối đa nguy cơ bị nhiễm SARS-CoV-2.

TS. Trần Quang Nam, Trưởng khoa Nội tiết, Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh cho rằng, trong giai đoạn cả nước đang thực hiện giãn cách xã hội và hạn chế đi lại, người bệnh nên chuẩn bị đầy đủ thuốc men trong nhà theo toa của bác sĩ và chủ động tự kiểm tra đường huyết, huyết áp của mình thường xuyên. Nếu đường huyết, huyết áp ổn định thì có thể uống lại theo toa thuốc cũ trong khoảng 2 tuần đến 1 tháng.

Tuy nhiên, nếu đường huyết, huyết áp không ổn định thì người bệnh phải tái khám ngay tại cơ sở y tế gần nhất để được điều chỉnh thuốc cho phù hợp. Việc chủ quan không đi khám, bỏ uống thuốc hoặc tự mua thuốc uống tiếp theo toa cũ có thể khiến lượng đường trong máu không ổn định, dẫn tới biến chứng như đường trong máu tăng quá cao gây hôn mê; tiểu nhiều mất nước, mất điện giải; nguy cơ tai biến mạch máu não, đột quỵ. Ngoài ra, người bệnh đái tháo đường nên chủ động tìm hiểu và thực hiện các biện pháp tự chăm sóc bản thân tại nhà như cách tự kiểm tra đường huyết, huyết áp, xử lý các cơn hạ đường huyết, kiểm tra các tổn thương ở bàn chân, duy trì chế độ dinh dưỡng phù hợp… từ các nguồn tài liệu chính thống của các cơ sở y tế có uy tín.

Đỗ Quyên