Vi phạm muôn hình vạn trạng
Phát biểu tại hội thảo, Tổng Biên tập Báo Đại biểu nhân dân Phạm Thị Thanh Huyền khẳng định, cách mạng 4.0 đã thay đổi công nghệ làm báo và thay đổi hành vi của độc giả. Trong bối cảnh đó, báo chí buộc phải chuyển đổi số để tồn tại và phát triển. Nhờ chuyển đổi số, nhiều cơ quan báo chí ngày càng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại hơn; song việc bảo vệ bản quyền trên môi trường số cũng gặp rất nhiều thách thức.

Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Tổng biên tập báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh cho biết, tần suất, số lượng xâm hại bản quyền báo chí ngày càng tăng. “Cách đây hai thập kỷ, tác phẩm báo chí thường chỉ bị xâm hại bản quyền bởi một hoặc vài đối tượng - thường là các cơ quan báo chí khác; nhưng hiện nay có thể cùng lúc bị xâm hại, chia sẻ độc giả bởi hàng trăm, nghìn đối tượng, trên mọi phương tiện và nền tảng với phương cách đa dạng, khó đối phó, nhiều trường hợp là không thể đối phó”.
Ông Nguyễn Minh Đức, Tổng Biên tập báo Hà Nội mới dẫn thực tế: khi một sản phẩm báo chí có chất lượng được xuất bản thì ngay sau đó không khó để tìm kiếm các bài đăng y hệt về nội dung, hình ảnh trên nhiều trang tin điện tử. Trong “muôn hình vạn trạng” các hình thức vi phạm bản quyền, ông Đức cho rằng vi phạm nhiều nhất và khó xử lý nhất là những trang web, tài khoản mạng xã hội “ba không” - không rõ địa chỉ, không rõ người quản lý và cơ quan chủ quản, không có giấy phép - tự ý lấy lại sản phẩm báo chí, khai thác sử dụng, phục vụ các mục đích riêng.
Bên cạnh đó, vi phạm bản quyền xảy ra ngay trong các cơ quan báo chí, khi có thể dễ dàng bắt gặp các bài báo sử dụng một phần hay toàn bộ tin, bài, ảnh của các bài báo khác mà không trích dẫn hoặc trích dẫn không đầy đủ nguồn. Ngoài ra, nhiều website, fanpage còn giả thương hiệu các đơn vị báo chí chính thống để đưa những thông tin chưa được xác thực. Ông Nguyễn Thanh Vân, Phó trưởng Ban Kiểm tra, Đài Truyền hình Việt Nam cho biết, nhiều cá nhân làm clip chèn logo cũng như nội dung video của VTV để tạo niềm tin, quảng cáo thuốc đông y và ứng dụng cá cược…
Báo chí thiệt đơn thiệt kép
Ông Đỗ Chí Nghĩa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho rằng, vi phạm bản quyền khiến cơ quan báo chí “thiệt đơn thiệt kép”, phải chịu cả hậu quả tinh thần và vật chất.
Cụ thể, “tác phẩm báo chí bị sao chép theo nhiều cách thức khác nhau dẫn đến sai lệch thông tin, ảnh hưởng đến uy tín của tác giả, của đơn vị sở hữu quyền tác giả, gây thiệt hại về khía cạnh kinh tế của cơ quan báo chí. Rõ nhất có thể thấy doanh thu liên quan đến khai thác nội dung báo chí như quảng cáo đang chảy về các trang web, trang điện tử, các tài khoản mạng xã hội sao chép tác phẩm báo chí”, ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam nói.
Dẫn số liệu thống kê sơ bộ của các cơ quan chức năng, Tổng Biên tập báo Hà Nội mới Nguyễn Minh Đức cho biết, doanh thu bất hợp pháp từ hoạt động ăn cắp bản quyền có thể lên tới hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Tờ báo bị sao chép sẽ mất đi lượng độc giả trung thành khi không bảo vệ được tác quyền. Doanh thu của người làm báo sẽ bị ảnh hưởng khi doanh thu quảng cáo của tờ báo bị sao chép sụt giảm.
“Ba chân kiềng” bảo vệ bản quyền
Xuất phát từ thực tế nêu trên, các đại biểu khẳng định, bảo vệ bản quyền báo chí trên môi trường số là vấn đề cấp bách hiện nay. Ông Trần Trọng Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh: “Bảo vệ được quyền tác giả sẽ thúc đẩy sự sáng tạo và tạo động lực cho nhà báo, cơ quan báo chí đầu tư vào dự án phát triển nội dung, dự án đổi mới sáng tạo báo chí. Bảo vệ bản quyền báo chí là điều kiện tiên quyết để bảo vệ nguồn tài chính của cơ quan báo chí cũng như thực thi hiệu quả các mô hình kinh doanh nội dung số, góp phần giải bài toán về kinh tế báo chí truyền thông”.
Để bảo vệ bản quyền báo chí trên môi trường số hiệu quả, cần các giải pháp đồng bộ và tổng thể. Bà Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng Ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, các cơ quan báo chí cần tăng cường giáo dục đạo đức và văn hóa báo chí cho các nhà báo và người dùng số, từ đó tuân thủ và có ý thức đấu tranh bảo vệ bản quyền báo chí.
Còn theo ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Tổng biên tập Báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, các quy định về bảo vệ bản quyền đã có nhưng chưa theo kịp sự thay đổi của công nghệ và chỉ đủ sức bảo vệ bản quyền trước sự xâm hại của các đối tượng và nền tảng truyền thống. Do vậy, để giúp cơ quan báo chí tự bảo vệ và hỗ trợ cơ quan báo chí bảo vệ bản quyền, cần cả ba chân kiềng: sửa đổi các quy định pháp luật hiện hành; hoạt động mạnh mẽ và nghiêm khắc và hiệu quả của hệ thống các cơ quan có thẩm quyền, ý thức tự bảo vệ của chính cơ quan báo chí; và sự hỗ trợ của công nghệ.
Theo đó, cần quy định chi tiết hơn về bản quyền trong Luật Báo chí; khuyến khích giải quyết các tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ qua tố tụng tòa án và tăng mức xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả. Nếu các mức phạt được tăng lên gấp 3, gấp 5, thậm chí gấp 10 lần thay vì từ 3 - 30 triệu đồng như hiện nay thì chắc chắn sẽ răn đe mạnh hơn. Đồng thời, các cơ quan báo chí cần hợp tác thành lập Liên minh bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí để hỗ trợ lẫn nhau; các cơ quan quản lý nhà nước về báo chí đứng ra thành lập Trung tâm bảo vệ bản quyền báo chí. Đây cũng là đề xuất của Tổng biên tập báo Hà Nội mới, bởi “một cơ quan báo chí không thể đơn độc chống lại tình trạng vi phạm bản quyền”.
Các đại biểu cũng cho rằng, cần sử dụng công nghệ để bảo vệ bản quyền báo chí trên môi trường số. Ông Hoàng Đình Chung, Giám đốc Trung tâm Bản quyền số (DDC) cho biết, đã xây dựng và vận hành Trục bản quyền số - gồm 8 nhóm giải pháp hỗ trợ bảo vệ bản quyền báo chí. Ví dụ, với giải pháp quét tự động, mỗi cơ quan báo được cung cấp 1 tài khoản và đưa nội dung lên hệ thống. Dựa trên dữ liệu lớn của DDC, hệ thống sẽ phát hiện tỷ lệ trùng lặp nội dung của đơn vị cần bảo vệ và các đơn vị có nội dung vi phạm; sau đó gửi báo cáo kết quả để DDC phối hợp với đơn vị báo chí và cơ quan chức năng giải quyết.
Vi phạm bản quyền báo chí trên môi trường số là vấn đề cũ nhưng luôn “nóng”! Tinh thần toát lên từ hội thảo là đã đến lúc cả cơ quan báo chí và cơ quan quản lý báo chí phải cùng hành động để ngăn chặn hiệu quả tình trạng này.