Sáng 17.8, tại TP. Hồ Chí Minh, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp với Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam, Trung tâm Thông tin năng lượng tổ chức Hội thảo “Triển khai Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) – Những thách thức và gợi ý chính sách”.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi cho biết, Quy hoạch điện VIII đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15.5.2023. Sau nhiều lần hiệu chỉnh và bổ sung các nội dung liên quan, đặc biệt là mục tiêu đạt trung hòa phát thải CO2 vào năm 2050 mà trong đó ngành điện sẽ có vai trò rất quan trọng.
Các mục tiêu về đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, về chuyển đổi năng lượng công bằng, định hướng phát triển các nguồn điện với cơ cấu hợp lý, phương án phát triển lưới điện đồng bộ và hiện đại, liên kết lưới điện trong khu vực, định hướng phát triển điện nông thôn, phát triển hệ sinh thái công nghiệp và dịch vụ năng lượng… đã được xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng với sự tham gia đóng góp ý kiến của nhiều cấp, ngành, các đơn vị, chuyên gia. Bên cạnh đó, các giải pháp, tổ chức và nguồn lực thực hiện quy hoạch cũng đã được đề ra rõ ràng, khoa học.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tạ Đình Thi nhấn mạnh, cần nhận diện ngay các thách thức và cụ thể hóa các nhiệm vụ chính sách, nhất là đối với việc đầu tư phát triển nguồn điện và lưới điện đã được định hướng. Tránh tình trạng quá nhiều chiến lược nhưng quá ít chính sách cụ thể như nhiều chuyên gia, học giả nhận định. Trong đó, các vấn đề về nguồn lực tài chính, công nghệ và nhân lực là những vấn đề cốt lõi.
Cũng theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, khối lượng đầu tư cho nguồn điện và lưới điện trong quy hoạch điện VIII là rất lớn, với nhu cầu cho giai đoạn 2021-2030 đến 12 tỷ USD/năm cho nguồn điện và 1,5 tỷ USD/năm cho lưới điện. Đây là chủ đề quan trọng được thảo luận tại hội thảo, trong đó đặt trọng tâm vào việc đa dạng hóa các nguồn vốn, hình thức huy động vốn và đầu tư, nhận định các khó khăn, vướng mắc và đề xuất các cơ chế, giải pháp thích hợp.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung trình bày, thảo luận các nội dung chính như: Kiến nghị sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện chính sách, pháp luật, nhất là các quy định về điện lực, đầu tư, quy hoạch, tín dụng, khoáng sản, đất đai; kiến nghị về các giải pháp tổ chức quản lý, điều hành thuộc trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong việc triển khai Quy hoạch điện VIII; kiến nghị về những giải pháp cấp bách, đột phá, đổi mới, sáng tạo…