Phiên họp thứ 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Cụ thể hóa giải pháp đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Chiều 15.5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến với Báo cáo của Chính phủ về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023.

Cụ thể hóa giải pháp đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí -0
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Năm 2023, tiết kiệm chi ngân sách nhà nước đạt 83.087 tỷ đồng

Báo cáo thẩm tra kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023 do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh trình bày nêu rõ, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhận thấy, nhận thức, trách nhiệm về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của các Bộ, ngành, địa phương được nâng lên, công tác hoàn thiện thể chế, ban hành chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tích cực, chủ động, thể hiện tính kế thừa và phát triển.

Kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách được tăng cường. Nguyên tắc công khai, minh bạch và yêu cầu tiết kiệm triệt để, chống lãng phí được quán triệt và thực hiện từ khâu lập dự toán đến phân bổ, quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước. Kết quả đã tiết kiệm được 83.087 tỷ đồng, cao hơn so với năm 2022.

Cụ thể hóa giải pháp đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí -0
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh trình bày báo cáo thẩm tra kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023. Ảnh: Hồ Long

Công tác quản lý, sử dụng tài sản công cơ bản chặt chẽ, tiết kiệm từ khâu đầu tư, mua sắm đến khai thác, sử dụng; cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công tiếp tục cập nhật, vận hành có hiệu quả. Chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng tài nguyên được quan tâm, hoàn thiện. Công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản được tăng cường; chú trọng chuyển đổi xanh, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai…

Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế, vướng mắc, như: một số bộ, ngành chưa thực hiện đúng kế hoạch lập pháp, còn tình trạng chậm đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; có dự án luật khi trình chưa bảo đảm chất lượng, hồ sơ chưa đúng quy định; tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh tiếp tục diễn ra. Chậm phân bổ ngân sách (phân bổ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2022; phân bổ dự toán năm 2023), chậm phân bổ vốn đầu tư công... Việc triển khai thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia tiếp tục chậm, làm lãng phí, giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, ảnh hưởng lớn đến mục tiêu của các chương trình. Còn nhiều vi phạm trong quản lý, sử dụng tài nguyên đất đai, khoáng sản, tài nguyên rừng, tài nguyên nước…

Do đó, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị, Chính phủ tiếp tục tăng cường các biện pháp tổ chức thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW, Nghị quyết số 74/2022/QH15 và Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024. Rà soát, tổng kết, đề xuất sửa đổi, bổ sung nhiệm vụ lập pháp theo Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong đó có Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các quy định về tiêu chuẩn, chế độ, định mức. Có giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế trong triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia và đầu tư công; chỉ đạo quyết liệt, hoàn thành, đưa vào sử dụng nhằm phát huy giá trị của các dự án đầu tư theo Chương trình phục hồi kinh tế…

Sử dụng các nguồn lực của Nhân dân ngày càng tiết kiệm, hiệu quả

Đa số ý kiến Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đạt kết quả tích cực, ý thức tiết kiệm, chống lãng phí từng bước được nâng lên, bảo đảm sử dụng các nguồn lực của Nhà nước, của Nhân dân ngày càng tiết kiệm, hiệu quả.

Cụ thể hóa giải pháp đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí -0
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Tuy nhiên, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng, Chính phủ chưa nêu bật được kết quả thực hiện các nhiệm vụ mà Quốc hội yêu cầu phải hoàn thành trong năm 2023 tại Nghị quyết số 74/2022/QH15 của Quốc hội: Đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, cũng như lý do, các nguyên nhân khách quan, chủ quan và các đề xuất giải pháp xử lý. Chính phủ cũng đánh giá khá đầy đủ về những kết quả đạt được theo từng nội dung quy định tại Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Từ đó, chỉ ra những hạn chế, tồn tại, trong đó có những hạn chế, tồn tại nhiều năm nhưng chậm khắc phục.

Do đó, Chính phủ cần phân tích rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan của những hạn chế, tồn tại này trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Bởi, xác định đúng nguyên nhân của hạn chế thì mới có cơ sở để đề ra được những giải pháp mang tính đột phá, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Tổng Thư ký Quốc hội nêu rõ.

Cụ thể hóa giải pháp đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí -0
Các đại biểu dự phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Phát biểu kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với các nhiệm vụ, giải pháp năm 2024 của Chính phủ. Đồng thời, đề nghị cụ thể hóa hơn những giải pháp đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; lưu ý cụ thể hóa việc xây dựng, triển khai các kế hoạch, chương trình để thực hiện Nghị quyết 27-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Bám sát Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện chính sách, pháp luật sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách về định mức, tiêu chuẩn, chế độ còn thiếu hoặc bất cập…

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của cơ quan thẩm tra, ý kiến tham gia của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để bổ sung, hoàn thiện báo cáo; Ủy ban Tài chính - Ngân sách tiến hành thẩm tra chính thức trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Bảy tới.

Thời sự Quốc hội

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp - Ảnh Quang Khánh
Thời sự Quốc hội

Tạo cơ hội mới cho Hải Phòng phát triển mạnh mẽ và tự chủ hơn

Theo các đại biểu, việc thông qua Nghị quyết tổ chức chính quyền đô thị tại TP. Hải Phòng sẽ là bước đột phá lớn, tạo cơ hội mới để Hải Phòng sẽ phát triển mạnh mẽ và tự chủ hơn nữa. Đồng thời, phát huy được vị trí địa lý của thành phố, phù hợp với tính cách năng động của người dân Hải Phòng, thực hiện chủ trương "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm" như chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Chủ tịch Quốc hội Khuon Sudary
Thời sự Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Chủ tịch Quốc hội Khuon Sudary cắt băng khánh thành Tòa nhà hành chính Quốc hội Campuchia

Chiều 21.11, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Campuchia, tại Thủ đô Phnom Penh, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Chủ tịch Quốc hội Campuchia Samdech Khuon Sudary đã chủ trì lễ khánh thành và trao tặng công trình Tòa nhà hành chính Quốc hội Vương quốc Campuchia - món quà của Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam dành tặng Đảng, Nhà nước, nhân dân Campuchia.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Chủ tịch Quốc hội Khuon Sudary
Thời sự Quốc hội

Nhà nước Campuchia trao tặng Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn Huân chương Công trạng hạng Đại Thập tự

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Vương quốc Campuchia, chiều nay, 21.11, tại trụ sở Quốc hội Campuchia ở thủ đô Phnom Penh, thay mặt Nhà nước Campuchia, Chủ tịch Quốc hội Samdech Khuon Sudary đã trao Huân chương Công trạng hạng Đại Thập tự của Nhà nước Campuchia tặng Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.