Phát triển công nghiệp để “ly nông không ly hương”
Hậu Giang là tỉnh nằm ở trung tâm của Tiểu vùng Tây sông Hậu, cửa ngõ của Bắc bán đảo Cà Mau, có tiềm năng phong phú, đa dạng trên nhiều lĩnh vực. Bên cạnh lợi thế phát triển nông nghiệp, công nghiệp chế biến, Hậu Giang còn là trung tâm kết nối giao thông, vận tải thủy bộ, thương mại - dịch vụ, logistics của vùng Nam Sông Hậu. Đặc biệt, tới đây Hậu Giang sẽ có khoảng 100 km đường cao tốc đi qua, tạo ra không gian phát triển lớn cho tỉnh, đồng thời đưa Hậu Giang trở thành trung tâm kết nối giao thông theo trục dọc và trục ngang của các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tỉnh đã xác định, cùng với nông nghiệp, độ thị và du lịch, công nghiệp sẽ là một trong 4 trụ cột chính để phát triển kinh tế xã hội
Theo báo cáo của Sở Công thương tỉnh Hậu Giang, tại hội thảo “Tiềm năng và cơ hội đầu tư phát triển vào lĩnh vực công nghiệp” diễn ra ở Hậu Giang ngày 15.7, phương án phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2050 là xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng, phát huy tối đa hiệu quả hoạt động và hiệu quả sử dụng đất. Qua đó, nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp, góp phần đóng góp vào quy mô tăng trưởng toàn ngành công nghiệp của tỉnh.
Theo đề án phát triển khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, tỉnh đã quy hoạch phát triển 8 khu công nghiệp mới trong giai đoạn 2021-2030 với tổng diện tích khoảng 2.233 héc ta. Trong đó, giai đoạn 2021-2025, phát triển 4 khu công nghiệp, gồm Đông Phú, sông Hậu giai đoạn 2, Đông Phú giai đoạn 2; giai đoạn 2026-2030 phát triển 4 khu công nghiệp gồm Tân Bình, Nhơn Nghĩa A, Long Thạnh và sông Hậu giai đoạn 3.
Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh cho biết, quỹ đất công nghiệp để thu hút đầu tư của tỉnh còn rất nhiều. Hiện 2 khu công nghiệp lớn là Khu công nghiệp Sông Hậu (huyện Châu Thành) và Khu công nghiệp Tân Phú Thạnh (huyện Châu Thành A) đã lấp đầy 80% diện tích, hiện còn 3 nhà đầu tư đăng ký đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp với tổng diện tích khoảng 700 ha.
Các dự án phát triển khu công nghiệp này triển khai thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu mặt bằng cho các nhà đầu tư đến với Hậu Giang. Trong phát triển công nghiệp, đinh hướng của tỉnh là thu hút doanh nghiệp đầu tư tạo ra sản phẩm, giải quyết công ăn việc làm, thu hút lao động làm việc từ các tỉnh, thành phố khác trở về theo quan điểm “ly nông mà không ly hương”, doanh nghiệp sử dụng ít đất, có đóng góp lớn cho ngân sách địa phương và đảm bảo giữ gìn môi trường.
Để doanh nghiệp đến với Hậu Giang
Bên cạnh việc mở rộng quy mô các khu, cụm công nghiệp, tỉnh Hậu Giang đang dành cho các nhà đầu tư mức ưu đãi lớn nhất, cụ thể doanh nghiệp sẽ được hưởng mức thuế suất ưu đãi 10% trong 15 năm, được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo. Ngoài ra, khi đến đầu tư tại Hậu Giang, nhà đầu tư còn được miễn tiền thuê đất 11 hoặc 15 năm tuỳ vào ngành nghề đầu tư, được miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố dịnh
Bên cạnh các chính sách ưu đãi tốt nhất, Hậu Giang sẵn sàng chào đón và đồng hành, hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp hợp tác, đầu tư. Với quan điểm “Doanh nghiệp đến, Hậu Giang vui”, tỉnh nêu cao tinh thần coi “sự thành công của doanh nghiệp cũng là thành công của Hậu Giang”, đồng thời, tỉnh còn nêu cao khẩu hiệu “2 nhanh, 3 tốt”. Cụ thể là “Nhanh giải phóng mặt bằng và thủ tục đầu tư”, “Cơ hội tốt, chính sách tốt, hạ tầng tốt”.
Góp ý cho Hậu Giang tại hội thảo “Tiềm năng và cơ hội đầu tư phát triển vào lĩnh vực công nghiệp” tổ chức ngày 15.7, PGS-TS Quan Minh Nhật, Khoa kinh tế Trường Đại học Cần Thơ cho rằng thời gian qua, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng nhưng sự phát triển này còn khá chậm, hầu hết các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, thiết bị công nghệ còn lạc hậu, lao động kỹ thuật hỗ trợ phục vụ vận hành máy móc, thiết bị công nghệ tương đối thấp. Mức độ áp dụng sáng kiến, cải tiến kỹ thuật và năng lực bảo dưỡng, sửa chữa máy móc, thiết bị của nguồn nhân lực trong các doanh nghiệp còn nhiều hạn chế dẫn đến hiệu suất thấp. Để thuyết phục được các nhà đầu tư đến với tỉnh, Hậu Giang cần có đánh giá lại các vùng nguyên liệu của tỉnh cũng như các địa phương lân cận, bao gồm cả diện tích, chất lượng, cần có những khu công nghiệp chuyên về những sản phẩm địa phương.
Tiến sĩ Nguyễn Minh Tiến - Giám đốc Cơ sở Cần Thơ, Trường Cao đẳng Kinh tế Đối ngoại (Bộ Công Thương) cho rằng ngoài những thuận lợi nói trên, Hậu Giang cũng có một số điểm chưa thuận lợi cho phát triển công nghiệp như lực lượng và chất lượng lao động còn hạn chế, tính kết nối nội tỉnh và liên tỉnh trong phát triển công nghiệp chưa hiệu quả nên tỉnh cần phát triển công nghiệp gắn với thế mạnh và hạn chế những điểm yếu của địa phương. Cần tập trung phát triển những ngành, lĩnh vực có tính lan tỏa cao, để cộng hưởng cùng những lĩnh vực khác trong thúc đẩy phát triển công nghiệp”.
Cũng theo TS Tiến, Hậu Giang cần phát triển các ngành công nghiệp có năng lực tích tụ nguồn lực lớn để khi tới hạn sẽ tạo nền tảng bền vững chắc phát triển kinh tế nói chung của tỉnh. Đồng thời, phát triển theo hướng những ngành nghề có hiệu quả thu ngân sách lớn, giải quyết nhiều mục tiêu khác nhau trên tinh thần hài hòa và giao thoa, cộng hưởng với các địa phương ĐBSCL.