Tham dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng; Trưởng ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thanh Hải; Phó Trưởng ban Thường trực Ban Công tác đại biểu Nguyễn Tuấn Anh; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn; lãnh đạo Viện Nghiên cứu lập pháp, Đài Truyền hình Việt Nam và Truyền hình Quốc hội Việt Nam...
Tại buổi lễ, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Công tác đại biểu Nguyễn Tuấn Anh đã công bố Nghị quyết số 63/2025/UBTVQH15 về kết thúc hoạt động của Viện Nghiên cứu lập pháp, chuyển chức năng nhiệm vụ về các cơ quan Quốc hội và Văn phòng Quốc hội.
Nghị quyết nêu rõ, kết thúc hoạt động của Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội từ ngày 15.1.2025; chuyển chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, quản lý khoa học, cung cấp thông tin khoa học và Tạp chí Nghiên cứu lập pháp về các Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và Văn phòng Quốc hội phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, phạm vi lĩnh vực phụ trách.
Nghị quyết giao Văn phòng Quốc hội tiếp nhận toàn bộ hồ sơ công chức, viên chức, tiếp nhận quản lý toàn bộ tài sản, hồ sơ tài liệu, con dấu, tài khoản của Viện Nghiên cứu lập pháp, trong đó bao gồm công tác tài chính, kế toán, thanh quyết toán được thực hiện theo quy định của pháp luật. Các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, đề tài nghiên cứu được bảo lưu cho đến khi có cơ quan tiếp nhận. Văn phòng Quốc hội có trách nhiệm tiếp tục giải quyết các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, các đề tài đang triển khai được bảo lưu cho đến khi có cơ quan tiếp nhận. Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 7.1.2025.
Tiếp đó, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn công bố Nghị quyết số 64/2025/UBTVQH15 về kết thúc hoạt động của Truyền hình Quốc hội Việt Nam để chuyển chức năng, nhiệm vụ từ Truyền hình Quốc hội Việt Nam về Đài Truyền hình Việt Nam.
Theo đó, kết thúc hoạt động của Truyền hình Quốc hội từ ngày 15.1.2025 để chuyển chức năng, nhiệm vụ từ Truyền hình Quốc hội Việt Nam về Đài Truyền hình Việt Nam. Văn phòng Quốc hội tiếp tục duy trì hoạt động của Cổng Thông tin điện tử Quốc hội.
Văn phòng Quốc hội và Đài Truyền hình Việt Nam rà soát, nghiên cứu, thống nhất và báo cáo cấp có thẩm quyền để bàn giao chức năng, nhiệm vụ, cơ sở vật chất và nhân sự từ Truyền hình Quốc hội về Đài Truyền hình Việt Nam.
Văn phòng Quốc hội chủ trì phối hợp với Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Trưởng ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục sắp xếp, giải quyết chế độ, chính sách đối với viên chức và lao động của Truyền hình Quốc hội Việt Nam (số không chuyển sang Đài Truyền hình Việt Nam) theo đúng quy định. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 7.1.2025.
Tại buổi lễ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển và Tổng Giám đốc Truyền hình Quốc hội Việt Nam Lê Quang Minh đã nêu bật kết quả hoạt động của hai đơn vị trong thời gian qua, bày tỏ kỳ vọng phương án sắp xếp mới sẽ kế thừa được những thành quả đã đạt được, phát huy hơn nữa vai trò, chức năng, nhiệm vụ của hai đơn vị. Đồng thời khẳng định, tuyệt đối chấp hành sự chỉ đạo, sắp xếp theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết Nghị quyết số 18 - NQ/TW về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả và chấp hành những nội dung được nêu trong Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Phát biểu tại Lễ công bố, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nêu rõ, vừa qua Bộ Chính trị đã có Kết luận số 111 KL/TW về việc sáp nhập, kết thúc hoạt động, chuyển chức năng, nhiệm vụ của một số cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, trong đó có đánh giá cao Đảng đoàn Quốc hội là cơ quan gương mẫu, đi đầu trong việc thực hiện chủ trương Nghị quyết của Trung ương về sắp xếp, tinh gọn bộ máy.
Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: "Chúng ta sắp xếp nhưng không được gián đoạn, không để điểm trũng và không để tình trạng thực hiện nhiệm vụ không tốt, thậm chí còn phải tốt hơn và phải thống nhất quan điểm để thông suốt trong tư tưởng”. Đồng thời nêu rõ, chúng ta không đứng yên tại chỗ mà phải luôn thay đổi, vận động cho phù hợp với tình hình mới, như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói. Đây chính là nội hàm và ý nghĩa của kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Trong hơn 15 năm hoạt động của Viện Nghiên cứu lập pháp và gần 10 năm hoạt động của Truyền hình Quốc hội Việt Nam đã góp phần vào sự thành công chung của Quốc hội, nâng tầm nghiên cứu về khoa học lập pháp và thông tin khoa học lập pháp, góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng hoạt động lập pháp, hoạt động giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước của Quốc hội. Truyền tải thông tin về Quốc hội, các hoạt động của Đảng và Nhà nước đến các cử tri trên khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước, kênh 7 Truyền hình Quốc hội Việt Nam đã trở nên quen thuộc với nhân dân cả nước. “Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận đóng góp của tập thể lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động của Viện Nghiên cứu lập pháp và Truyền hình Quốc hội Việt Nam trong thời gian qua”, Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng chia sẻ với sự thay đổi đối với tổ chức hay mỗi cá nhân đều khó khăn, tuy nhiên tin tưởng các đơn vị đều vì mục tiêu chung sẽ đóng góp cho Đảng, cho đất nước bằng sự nghiêm túc, tích cực, lạc quan trong thực hiện chủ trương, quyết định của cấp có thẩm quyền.
Qua gặp gỡ, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động của hai đơn vị, Phó Chủ tịch Quốc hội nói, "luôn quán triệt tinh thần sắp xếp bộ máy tinh gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả nhưng cũng chăm lo đời sống tinh thần, vật chất cho cán bộ công chức, viên chức, người lao động”.
Bước sang năm mới 2025, thời điểm rất có ý nghĩa cho sự phát triển của đất nước, Phó Chủ tịch Quốc hội mong rằng, chúng ta sẽ tiến về tương lai với một tâm thế mới và sự phát triển mới.