Tiếp tục rà soát đất hoang hóa, không có nhu cầu sử dụng
ĐBQH Nguyễn Thị Hồng Hạnh (TP Hồ Chí Minh) nêu thực tế, trong quản lý, sử dụng tài sản công, đất công có tình trạng các kho bãi, các dự án của các bộ, ngành ở các địa phương bị bỏ trống, sử dụng không đúng mục đích, có trường hợp không triển khai dự án khiến đất đai bị bỏ hoang nhiều năm. Trong khi đó, quỹ đất ở địa phương hạn hẹp, khiến quỹ đất để xây dựng trường học, xây dựng các công trình công cộng để phục vụ cộng đồng gây bức xúc cho nhân dân và cử tri địa phương.
ĐB Nguyễn Thị Hồng Hạnh đặt câu hỏi: Chính phủ đánh giá thế nào về tình trạng này và có chỉ đạo công tác phối hợp giữa các bộ, ngành để giải quyết như thế nào? Giải pháp trong công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện và giải pháp về hoàn thiện thể chế ra sao?
Trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh cho biết, Chính phủ đã có văn bản quy định về vấn đề này, đó là Nghị định số 67/2021/NĐ - CP ngày 15.7.2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31.12.2017 của Chính phủ quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công. Theo đó, đã quy định việc rà soát nhà đất, cơ sở nhà đất của cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp được Trung ương quản lý mà không có nhu cầu sử dụng thì cơ quan, đơn vị đó phải lập hồ sơ đề xuất phương án xử lý, thu hồi, điều chuyển tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển giao về địa phương quản lý và xử lý.
Đến nay, theo tổng hợp báo cáo của 9 bộ, cơ quan Trung ương và 45 địa phương đã có 10.289 cơ sở nhà đất thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cho biết, kết quả sắp xếp cơ sở nhà đất dôi dư như sau: giữ lại, tiếp tục sử dụng 8.125 cơ sở, thu hồi 117 cơ sở, điều chuyển giữa 410 cơ sở giữa bộ ngành, địa phương tùy theo nhu cầu xử lý thực tế; bán tài sản đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất 236 cơ sở; 302 cơ sở chủ yếu giao cho địa phương xử lý; Số chưa xử lý là hơn 1.000 cơ sở.
Về giải pháp sắp tới, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nêu rõ: giao Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp cùng các bộ, ngành, địa phương rà soát các cơ sở nhà đất, đặc biệt là khu vực đất hoang hóa, không có nhu cầu sử dụng, để đưa vào tăng cường sử dụng. Điều này còn là thực hiện Nghị quyết 19 – NQ/TW Ban Chấp hành Trung ương Khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, trong đó có nhấn mạnh yêu cầu tăng cường hiệu quả sử dụng đất.
Giai đoạn 2016 – 2020, chỉ đạt 30% kế hoạch cổ phần hóa doanh nghiệp
Quan tâm đến vấn đề cổ phần hóa, ĐBQH Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) nêu rõ, nhiều đại biểu Quốc hội đã chất vấn về tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp thực hiện chậm, không đạt kế hoạch đề ra, gây lãng phí lớn nguồn lực nhà nước. Tồn tại này không mới, trong trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã nêu rõ thực trạng, nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan và các giải pháp. Tuy nhiên, ở đây có nguyên nhân chủ quan là rất lớn. Vì vậy, ĐB Nguyễn Mạnh Cường đề nghị Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ làm rõ hơn trách nhiệm đối với hạn chế này. Chúng ta đã xử lý trách nhiệm ai chưa? Và nếu chưa, thì vì sao không xử lý?
Theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, giai đoạn 2016 - 2020 đặt danh mục cổ phần hóa 128 doanh nghiệp, thoái vốn 348 doanh nghiệp. Đến năm 2020 cổ phần hóa được 39/128 doanh nghiệp, thoái vốn 106/348 doanh nghiệp, đạt 30% kế hoạch. Từ năm 2021 đến tháng 4.2022, theo Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành địa phương tiếp tục thực hiện cổ phẩn hóa thoái vốn đối với các doanh nghiệp chưa hoàn thành theo danh mục đưa ra từ giai đoạn 2016 – 2020.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ thừa nhận: Tồn tại hiện nay là cổ phần hóa không thực hiện theo đúng kế hoạch. Có nhiều nguyên nhân, đó là: Các doanh nghiệp tham gia cổ phần hóa, thoái vốn trong giai đoạn vừa qua là nhiều doanh nghiệp lớn, có tình hình tài chính phức tạp, có nhiều vấn đề cần giải quyết trước khi cổ phần hóa. Nhiều quy định mới về cổ phần hóa, thoái vốn được ban hành theo hướng chặt chẽ, công khai, minh bạch, bảo đảm tối đa lợi ích của Nhà nước, nên quy trình thực hiện dài hơn, các doanh nghiệp phải thực hiện lại từ đầu, hoặc một số nội dung không đạt yêu cầu cổ phần hóa, thoái vốn. Việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong triển khai Luật Đất đai, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công đặt ra vấn đề tiếp tục phải quản lý. Nhiều doanh nghiệp chỉ đến khi thực hiện cổ phần hóa mới thực hiện sắp xếp lại đất đai theo quy định. Có nguyên nhân trong việc phối hợp giữa cơ quan đại diện chủ sở hữu với các UBND các tỉnh, thành phố, các bộ, ngành liên quan trong việc lập, phê duyệt, phương án sắp xếp nhà đất….
Về nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nêu rõ, cần tiếp rà soát quy định pháp luật liên quan đến công tác cổ phần hóa, thoái vốn như Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 6.1.2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết Luật Đất đai (quy định tiếp tục thực hiện cổ phần hóa theo Nghị định số 59/2011/NĐ-CP nhưng phải hoàn thành việc phê duyệt phương án sử dụng đất trước thời điểm công ty cổ phần được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần đầu - PV); Nghị định 126/2017/NĐ-CP ngày 16.11.2017 về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần; Nghị định 167 ngày 31.12.2017 về việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công, để tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh cổ phần hóa trong thời gian tới.