Sử dụng hiệu quả tư liệu sản xuất đặc biệt của quốc gia
Hiện nay chênh lệch về lợi tức từ việc chuyển các loại đất không phải đất ở sang đất ở là rất lớn, nhất là đất khu vực đô thị, có nơi chênh lệch tới hàng chục triệu đồng/m2, phần lợi tức này chủ yếu do doanh nghiệp bất động sản đang được hưởng. Điều này cũng trả lời cho câu hỏi hầu hết các đại gia của ta đều từ bất động sản và nhà thầu. Nêu thực tế này, ĐBQH Đinh Ngọc Minh (Cà Mau) cho rằng, sửa đổi Luật Đất đai lần này cần đặt vấn đề có thu lại phần địa tô này để phân phối lại cho toàn dân, cũng như hướng điều tiết nguồn thu từ đất đai hay không?
Nhấn mạnh đất đai là tư liệu sản xuất đặc biệt của quốc gia, đại biểu Đinh Ngọc Minh đặt vấn đề, lần sửa đổi Luật Đất đai lần này có tạo điều kiện cho các nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận đất đai để mở các công xưởng, nhà máy, nhằm tận dụng được cơ hội ngàn năm của đất nước về dân số vàng, về địa điểm vàng và thời cơ vàng cho các "đại bàng" cũng như "chim sẻ" về làm tổ hay không?
Để giảm khó khăn và chi phí, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất, đại biểu Đinh Ngọc Minh đề nghị, dự thảo Luật cần có một điều quy định riêng cho việc chuyển đổi đất sang đất sản xuất, kinh doanh theo hướng linh hoạt, nhất là đất ở vùng sâu, vùng xa và xem xét bỏ kế hoạch sử dụng đất cấp huyện đang quy định tại Điều 57, 58. Tập trung quản lý tốt đất ở, đất lúa, đất rừng và hạ tầng lớn như cảng biển, sân bay, đường cao tốc.
Cũng về vấn đề này, ĐBQH Lê Thị Song An (Long An) nhấn mạnh, so với các chính sách tài chính về thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thu thuế sử dụng đất, thuế thu nhập từ chuyển quyền sử dụng đất đã được Quốc hội, Chính phủ quy định khá đầy đủ và rõ ràng, thì chính sách, pháp luật đất đai hiện hành chưa có các quy định cụ thể để điều tiết phần giá trị tăng thêm từ đất, đặc biệt là tại các dự án thu hồi đất dưới dạng tuyến luôn tạo ra bất bình đẳng giữa những người dân phải di dời để triển khai dự án với người dân không phải di dời.
Những người dân bị di dời được bồi thường đôi khi không thỏa đáng, mất việc làm, sinh kế bị ảnh hưởng và hoàn toàn không được hưởng lợi gì từ dự án do bị di dời, trong khi đó giá trị đất đai của các hộ dân không bị di dời có giá trị tăng thêm rất lớn. Tuy nhiên, Nhà nước chưa có những quy định điều tiết phần giá trị tăng thêm này để chia sẻ lợi ích với các bên, nhất là đối với người có đất bị thu hồi thuộc diện phải di chuyển. Kể từ khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực thi hành đến nay chưa có hướng dẫn cụ thể cách xác định phần giá trị tăng thêm từ đất mà không do đầu tư của người sử dụng đất mang lại nên nhiều địa phương cũng chưa thực hiện được vấn đề này. Chỉ ra thực tế nêu trên, ĐBQH Lê Thị Song An đề nghị, Ban soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung các quy định cụ thể, cách thức xác định phần điều tiết giá trị tăng thêm từ đất, hoặc giao cho Chính phủ nghiên cứu quy định chi tiết, cụ thể để tăng tính khả thi của quy định này trong thực tế.
Không nên khuyến khích thu từ đất
Việc điều tiết lợi ích thu được từ đất đai là vấn đề quan trọng của tài chính đất đai. Đánh giá chung về hoàn thiện chính sách tài chính đất đai tại dự án Luật, ĐBQH Lê Minh Nam (Hậu Giang) cho rằng, thời gian qua, cơ quan chủ trì soạn thảo đã tiếp tục hoàn thiện nội dung này, trong đó có việc bổ sung một số từ ngữ, làm rõ thêm nội hàm. Tại khoản 10, Điều 14 dự thảo Luật đã quy định quyền của Nhà nước là điều tiết phần giá trị tăng thêm từ đất mà không do đầu tư của người sử dụng đất mang lại thông qua chính sách thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và thực hiện chính sách hỗ trợ cho người có đất bị thu hồi. Tuy nhiên, đại biểu Lê Minh Nam cũng tán thành với ý kiến của một số đại biểu Quốc hội khác về tình trạng chưa có quy định cụ thể để thông qua các chính sách nhằm thu thêm từ đất mà không do đầu tư của người sử dụng đất mang lại, cũng như điều tiết phần giá trị tăng thêm này như thế nào.
Từ tìm hiểu kinh nghiệm của một số quốc gia, đại biểu Lê Minh Nam chỉ rõ, để điều tiết lợi tức thu từ đất đai, các quốc gia đã quy hoạch và mở rộng phạm vi thu hồi, sau đó tổ chức đấu giá diện tích đất khu vực mở rộng và sử dụng phần giá trị chênh lệch tăng thêm do đấu giá để thực hiện các mục tiêu điều tiết.
Trên thực tế, TP. Hồ Chí Minh hiện đang triển khai đề án quản lý đất đai và phương hướng sử dụng đất đai hiệu quả trên địa bàn, trong đó thành phố cũng có nghiên cứu để triển khai việc thu hồi đất kế bên công trình hạ tầng để đấu giá. Nếu làm được việc này, theo đại biểu Lê Minh Nam, sẽ có tác động tích cực vì không chỉ làm tăng thu ngân sách và sử dụng để điều tiết nguồn thu từ đất, mà còn tạo được môi trường minh bạch, tạo ra công bằng cho những người dân phải di dời và giúp thu hút được các nhà đầu tư chuyên nghiệp để đầu tư vào các khu vực này; dễ định hướng, định hình được loại hình sản xuất, kinh doanh cho khu vực liền kề sau thu hồi đất.
Đại biểu Lê Minh Nam cũng đề nghị, cơ quan soạn thảo nên nghiên cứu quy định bổ sung quy định tại Điều 149 về việc nguồn thu từ điều tiết phần giá trị tăng thêm từ đất do Nhà nước đầu tư thay đổi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất mà không phải do đầu tư của người sử dụng đất mang lại là một khoản thu ngân sách từ đất đai, để có cơ sở thực hiện. Làm rõ và mở rộng hơn phạm vi về vùng phụ cận tại quy định về giải thích từ ngữ tại Điều 3 của dự thảo Luật. Đồng thời, quy định bắt buộc phải xem xét các khu vực có tiềm năng tăng giá trị để đưa vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất làm cơ sở để tổ chức tăng thu được nguồn lực này.
Giải trình về vấn đề này, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà khẳng định, khi xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi) cũng đã tính đến việc định ra Nhà nước sẽ chia người dân ở khu vực bị thu hồi đất, những người đã giữ và phát triển đất, quỹ đất, tạo ra đất đai ở đấy phải được hưởng lợi tức thu từ đất. Quá trình xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi) cũng đã tính câu chuyện điều tiết bao nhiêu phần trăm cho người dân tại chỗ, bao nhiêu phần trăm đưa thành ngân sách nhà nước để điều tiết cho những khu vực thực hiện các dự án đầu tư công ích khác như an ninh, quốc phòng hoặc không phát sinh ra địa tô. "Tuy nhiên, điều tiết bao nhiêu, chính sách thế nào, giảm bao nhiêu, thuế thu từ đất bao nhiêu thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Ngân sách Nhà nước và các luật về thuế, nếu đưa vào Luật này bị coi là vùng cấm". Nhấn mạnh điều này, Phó Thủ tướng cũng nêu quan điểm, không nên khuyến khích thu từ đất mà phải thu cái gì đầu tư trên đất.