Bệnh nhân là nữ, 23 tuổi, người dân tộc H’Mông, trú tại thôn Thẩm Phúc, Cốc Ly, huyện Bắc Hà. Cách đây khoảng 18 tháng, người này bị chó của gia đình cắn vào ngón trỏ tay trái gây chảy máu. Sau vụ việc 3 ngày, con chó đó chết. Bệnh nhân không tiêm vắc xin, huyết thanh phòng bệnh dại.
Sau đó, cô gái đi làm tại Hà Nội. Đến tháng 1/2023, bệnh nhân có biểu hiện bệnh, đi khám ở bệnh viện tư nhân và được chuyển vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương điều trị với các biểu hiện: mệt mỏi, khó chịu, khó thở, co giật, xuất tiết đờm dãi nhiều.
Ngày 17/1, bệnh nhân được chỉ định lấy mẫu nước bọt và dịch não tuỷ để xét nghiệm, kết quả xác định dương tính với vi rút dại.
Cùng trong thời gian này, tỉnh Lào Cai ghi nhận thêm một ca bệnh dại là nam thiếu niên sinh năm 2007, đang học tại Trường Cao đẳng Lào Cai.
Thiếu niên này bị 2 con chó thả rông cắn khi đang đi tập thể dục, sau đó được người dân phát hiện và đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh trong tình trạng hoảng loạn, đa chấn thương trên toàn cơ thể, sơ bộ có khoảng 10 vết thương lớn gây rách sâu phần mềm và nhiều vết thương do răng chó cắn gây nên.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lào Cai khuyến cáo, bệnh dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút dại gây ra. Bệnh lây truyền từ động vật sang người qua vết cắn, vết thương, vết cào, liếm của động vật (thường là chó, mèo).
Cho tới nay, bệnh dại hiện vẫn là một trong số các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch có số tử vong trên người cao nhất trên thế giới cũng như tại Việt Nam.
Để chủ động phòng, chống bệnh dại và giảm tỷ lệ tử vong do bệnh dại trên người, người dân cần thực hiện các khuyến cáo của ngành y tế.
Cụ thể, đối với các tổ chức, cá nhân nuôi, buôn bán, giết mổ, vận chuyển kinh doanh chó, mèo trong từng thôn, xóm, xã, phường cần thực hiện các biện pháp quản lý và phòng bệnh trên đàn chó nuôi theo hướng dẫn của cán bộ thú y.
Cần ký cam kết thực hiện 5 không: “không nuôi chó mèo không tiêm phòng dại”, “không nuôi chó, mèo chưa khai báo với chính quyền địa phương”, “không nuôi chó thả rông”, “không để chó cắn người”, “không nuôi chó, mèo gây ô nhiễm môi trường”.
Với những người có nguy cơ cao phơi nhiễm vi rút dại, cần thực hiện tiêm phòng trước phơi nhiễm. Những người đã bị phơi nhiễm với động vật mắc bệnh dại hoặc nghi mắc bệnh dại thực hiện điều trị dự phòng bằng vắc xin, huyết thanh kháng dại theo hướng dẫn của cán bộ y tế.
Người dân nuôi chó mèo cần thực tiêm vắc xin phòng bệnh dại đầy đủ và đúng lịch, không thả rông chó, mèo. Nếu cho chó, mèo ra đường phải được đeo rọ mõm theo quy định.
Khi bị chó, mèo cắn hay cào, người dân cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, tiêm phòng dại kịp thời, tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa tại nhà.