Hội nghị nằm trong khuôn khổ Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19.4) do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức từ ngày 18 - 21.4.2024.
Biểu dương đóng góp của các chủ thể văn hóa
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy khẳng định, việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc là nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong xây dựng, phát triển đất nước. Trong đó, các già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín của các dân tộc thiểu số chính là những hạt nhân đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc vận động, trao truyền cho con em mình, đồng bào mình bảo tồn kho tàng văn hóa quý báu của dân tộc.
Theo Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy, hội nghị là dịp tôn vinh các giá trị văn hóa, di sản quý báu của dân tộc; tôn vinh, biểu dương đóng góp của các chủ thể văn hóa đang gìn giữ, phát huy, lan tỏa và truyền dạy kiến thức văn hóa truyền thống, văn nghệ dân gian từ thế hệ này sang thế hệ khác; những người gắn kết cộng đồng giữ lửa ở các bản, buôn, làng, phum sóc, trao truyền cho thế hệ tương lai của đất nước. “Đó chính là các già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín có nhiều đóng góp trong công tác bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được lựa chọn từ các địa phương, trong cộng đồng các dân tộc thiểu số”.
Thông qua Hội nghị, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mong nhận được các ý kiến góp ý, đề xuất các giải pháp thiết thực, phù hợp với dân tộc mình của các già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín trong bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống để các giá trị văn hóa của đồng bào được bảo tồn, phát huy, góp phần trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Hỗ trợ kinh phí truyền dạy, khích lệ khả năng sáng tạo
Tại hội nghị, các nghệ nhân, già làng, trưởng bản… đã trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm hay, giải pháp tốt; đề xuất kiến nghị thực hiện công tác bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa dân tộc tại địa phương.
Nghệ nhân Ưu tú Trần Thị Nam (sinh năm 1952), dân tộc Sán Dìu, Vĩnh Phúc, Chủ nhiệm CLB Hát dân ca soọng cô thôn Trung Mầu, xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên, cho biết gần 10 năm thành lập với hàng trăm hội viên, CLB Hát dân ca soọng cô thôn Trung Mầu đang hoạt động rất sôi nổi, hiệu quả; thường xuyên đi hát giao lưu, biểu diễn phục vụ các sự kiện lớn của địa phương.
Nhận thấy sự cần thiết của việc giữ gìn, phát huy văn hóa dân tộc, bà Nam kiến nghị cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh phí cho các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng trung tâm bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc Sán Dìu; có kinh phí hỗ trợ cho các CLB hát soọng cô và nghệ nhân ưu tú để truyền dạy, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống…
Cũng mong muốn bảo tồn, phát huy giá trị tốt đẹp của dân tộc Mảng, Nghệ nhân Ưu tú Sìn Văn Doi, tỉnh Lai Châu, đề xuất có thêm chính sách đãi ngộ về tinh thần và vật chất đối với nghệ sĩ, diễn viên, nghệ nhân, cán bộ làm công tác văn hóa ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhằm động viên, khích lệ và khơi dậy khả năng sáng tạo của từng cá nhân.
Trước vấn đề ngày càng mất dần cổ vật như chiêng, những vật dụng có giá trị trong gia đình, nghệ nhân Y Sim Ê Ban, dân tộc Êđê, Đắk Nông, phản ánh, những năm gần đây, bà con ở các buôn làng vì thấy cái lợi trước mắt đã bán đi chiêng lớn, chiêng nhỏ, chỉ còn sót lại vài cái riêng lẻ nên mỗi khi biểu diễn gặp nhiều khó khăn vì chiêng phải đủ bộ mới đánh được. Bên cạnh đó, thế hệ trẻ không còn mặn mà trong việc bảo tồn, giữ gìn văn hóa truyền thống.
Nghệ nhân Y Sim Ê Ban mong rằng ngành Văn hóa, địa phương tiếp tục quan tâm hỗ trợ mở các lớp dạy cồng chiêng, chế tác nhạc cụ để thế hệ con cháu tiếp tục phát huy giá trị tốt đẹp của dân tộc Êđê. Qua đó, góp phần giữ gìn, làm phong phú hơn kho tàng văn hóa của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh Đắk Nông...
Đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định sẽ tiếp thu các ý kiến, đề xuất tại Hội nghị, từ đó nghiên cứu xây dựng chính sách, giải pháp cụ thể, thiết thực góp phần giữ gìn và phát huy hiệu quả các giá trị văn hóa truyền thống, tránh nguy cơ bị mai một, phai nhạt bản sắc. Đồng thời, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho đồng bào, giúp đồng bào ngày càng nâng cao ý thức trách nhiệm trong bảo tồn văn hóa dân tộc của chính mình, qua đó phát triển, ổn định kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.