Báo cáo Đoàn giám sát, Hiệu trưởng Nhà trường, GS. TS Trần Thanh Hải cho biết, Trường Đại học Mỏ - Địa chất là một trong những trường đại học đầu tiên ở Việt Nam được Chính phủ cho phép mở bậc đào tạo trên đại học vào năm 1976. Qua hơn 55 năm thực hiện nhiệm vụ đào tạo đại học và trên 45 năm đào tạo trình độ tiến sĩ, trường đã triển khai và thực hiện nghiêm túc các văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Hiện nay, trường có 14 ngành đào tạo trình độ tiến sĩ. Quy mô đào tạo trình độ tiến sĩ hiện tại là trên 100 nghiên cứu sinh. Tính đến tháng 12.2022 đã có gần 500 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ thuộc các ngành đào tạo trình độ tiến sĩ của trường.
Nhìn chung, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động đào tạo trình độ tiến sĩ trong thời gian qua của Trường đầy đủ, chi tiết và được điều chỉnh kịp thời trên cơ sở Luật Giáo dục đại học, Điều lệ Trường đại học, Khung trình độ quốc gia Việt Nam, các nghị định, thông tư liên quan. Chất lượng và hiệu quả đào tạo trình độ tiến sĩ luôn bảo đảm, đáp ứng nhu cầu xã hội.
Tuy nhiên, thực tiễn đào tạo trình độ tiến sĩ tại Trường Đại học Mỏ - Địa chất còn một số vướng mắc. Việc mở mới các ngành đào tạo trình độ tiến sĩ nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội và đa dạng hóa ngành nghề đào tạo còn hạn chế, đặc biệt là các ngành đào tạo mới đáp ứng xu thế phát triển của khu vực và thế giới như năng lượng mới, vật liệu mới, công nghệ mới, môi trường và biến đổi khí hậu… Nguyên nhân cơ bản là do công tác phát triển, bổ sung đội ngũ cán bộ cơ hữu chưa kịp thời để phù hợp với các ngành dự định mở mới.
Công tác tuyển sinh, trong đó có tuyển nghiên cứu sinh những năm gần đây gặp nhiều khó khăn, hàng năm chỉ đạt 65 - 80% chỉ tiêu được phép đào tạo. Nguyên nhân cơ bản là do nhu cầu xã hội hiện nay đối với các ngành đào tạo truyền thống của trường giảm mạnh, sinh viên ra trường không làm việc đúng chuyên môn được đào tạo nên nguồn tuyển hạn chế và các trường đại học có cùng ngành đào tạo mở rộng tuyển sinh, thông tin tuyển sinh chưa được phổ biến rộng rãi tới đối tượng dự tuyển...
Mặc dù công tác quản lý nghiên cứu sinh đã khá chặt chẽ và nghiêm túc nhưng số lượng nghiên cứu sinh có thời gian học tập và nghiên cứu không đúng tiến độ, chậm tốt nghiệp chiếm tỷ lệ còn cao. Nguyên nhân cơ bản do số liệu thí nghiệm, thực hành, thử nghiệm các kết quả nghiên cứu để phục vụ cho việc hoàn thành các bài báo khoa học và kết quả nghiên cứu của luận án thường rất khó khăn, chậm có kết quả, đặc biệt là những năm bị ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Để bảo đảm và nâng cao chất lượng đào tạo trình độ tiến sĩ của Trường Đại học Mỏ - Địa chất, Nhà trường kiến nghị Nhà nước cần có cơ chế chính sách đãi ngộ hợp lý để thu hút cán bộ, nhà khoa học giỏi, chuyên gia nước ngoài, Việt kiều trong công tác đào tạo, đồng thời có chính sách học bổng, hỗ trợ kinh phí như sinh hoạt phí cho nghiên cứu sinh, đặc biệt với khối ngành đặc thù như mỏ, địa chất, năng lượng mới...;
Nhà nước cần có các quy định chặt chẽ và bắt buộc để gắn kết hoạt động khoa học với công tác tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ trong các cơ sở đào tạo; tăng cường nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất cho các cơ sở giáo dục đại học, hiện đại hóa các phòng thí nghiệm, các trung tâm phân tích…
Đoàn giám sát ghi nhận những đóng góp của Trường Đại học Mỏ - Địa chất trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ngành khoa học đặc thù; đồng thời nhấn mạnh, vấn đề đào tạo tiến sĩ cần phải được nhìn nhận, đánh giá từ nhu cầu xã hội, sứ mệnh các trường, công tác tuyển sinh, chiêu sinh, quy trình đào tạo, hiệu quả đào tạo, kể cả khâu hậu kiểm, việc thực hiện chính sách pháp luật…
Những ý kiến, kiến nghị của trường là cơ sở để góp phần hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về đào tạo trình độ tiến sĩ.