Sáng nay, 8.11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Dữ liệu.
Quy định cụ thể về hợp tác quốc tế trong kỹ thuật xử lý và bảo vệ dữ liệu
Dành sự quan tâm đến bảo mật dữ liệu, bảo vệ quyền riêng tư, ĐBQH Đào Chí Nghĩa (TP. Cần Thơ) nêu rõ, hiện nay tình trạng lộ lọt dữ liệu, xâm phạm quyền riêng tư ngày càng gia tăng, đòi hỏi phải có những quy định cụ thể về bảo mật và bảo vệ quyền riêng tư của người tiêu dùng.
Chính vì vậy, đại biểu đề nghị, dự thảo luật cần quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân phải áp dụng các biện pháp bảo mật như mã hóa, xác định hai yếu tố, bảo vệ "bức tường lửa", việc sử dụng công nghệ Blockchain, công nghệ chuỗi khối hay hiểu đơn giản là công nghệ giúp mã hóa tất cả các dữ liệu thành phần, đồng thời kết nối chúng lại thành một chuỗi dài và bảo đảm thông tin dữ liệu.
Mặt khác, đại biểu nhấn mạnh, cần có chế tài nghiêm khắc để xử lý các vi phạm liên quan đến công tác bảo mật dữ liệu, theo đó các cơ quan, tổ chức, cá nhân phải chịu trách nhiệm pháp lý nếu dữ liệu cá nhân bị rò rỉ hoặc bị đánh cắp do sơ suất trong quá trình bảo mật.
Khoản 3, Điều 18 dự thảo Luật quy định trách nhiệm của cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội khi yêu cầu tổ chức, cá nhân cung cấp dữ liệu trong trường hợp đặc biệt.
ĐBQH Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) lưu ý, hiện nay việc cung cấp dữ liệu có rủi ro cao về an toàn thông tin, có thể lộ, lọt thông tin khi thực hiện bàn giao giữa tổ chức, cá nhân.
Bàn giao dữ liệu thường sử dụng các phương thức như kết nối, liên thông, tích hợp, đồng bộ cơ sở dữ liệu, cài đặt, cắm thiết bị lưu trữ để sao chép tài liệu, gửi tài liệu qua thư điện tử và các ứng dụng nhắn tin và khi các cơ quan yêu cầu tổ chức, cá nhân, cung cấp dữ liệu cần có phương án để bảo đảm an toàn, tránh nguy hại, lộ lọt thông tin của tổ chức, cá nhân.
Vì vậy, đại biểu đề nghị, cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung trách nhiệm của cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội trong việc chỉ định phương thức bàn giao tài liệu cho phù hợp với thực tiễn.
Về biện pháp bảo vệ dữ liệu, đại biểu đề nghị, ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định cụ thể về hợp tác quốc tế trong kỹ thuật xử lý và bảo vệ dữ liệu, vì đây là nội dung rất quan trọng trong tình hình phát triển xuyên biên giới, xuyên quốc gia rất nhanh chóng như hiện nay.
Cũng liên quan đến bảo vệ dữ liệu, ĐBQH Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) nhấn mạnh, khoản 3, Điều 10, dự thảo luật quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân tuân thủ theo quy định pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Do đó, đề nghị Chính phủ sớm nghiên cứu đề xuất trình Quốc hội dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân hoặc Luật về bảo vệ thông tin cá nhân, bao gồm cả dữ liệu cá nhân.
Bảo đảm đồng bộ trong xây dựng, phát triển, xử lý và quản trị dữ liệu
ĐBQH Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) đề nghị cơ quan soạn thảo giải trình tại sao chỉ quy định về nguyên tắc xử lý và bảo vệ dữ liệu, trong khi phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật là xây dựng, phát triển, xử lý, quản trị dữ liệu.
Đại biểu cũng đề nghị bổ sung nguyên tắc để bảo đảm đồng bộ trong xây dựng, phát triển, xử lý và quản trị dữ liệu, đó là “trong xây dựng cơ sở dữ liệu phải bảo đảm đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật lưu trữ dữ liệu từ trung ương đến địa phương, đồng bộ về thời gian thu thập, phương pháp thu thập, đơn vị đo lường, tiêu chuẩn, quy chuẩn áp dụng, đồng bộ trong phương pháp phân tích, thống kê, xử lý dữ liệu khi khai thác dữ liệu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, đồng bộ về năng lực và điều kiện vận hành, giải phóng, bảo mật, bảo vệ dữ liệu”.
Đại biểu lưu ý, những tồn tại do thiếu đồng bộ trong xây dựng phát triển, xử lý và quản trị dữ liệu đã xảy ra trong thực tiễn và để lại một số hệ lụy...