Nghiên cứu chế độ đặc thù hỗ trợ học sinh, giáo viên vùng khó

- Thứ Tư, 05/06/2024, 07:05 - Chia sẻ

Tại Hội nghị tiếp xúc, đối thoại với cán bộ lãnh đạo, quản lý và viên chức ngành giáo dục mới đây, Thường trực HĐND tỉnh Gia Lai nhấn mạnh đề nghị các cấp, ngành tiếp tục quan tâm giải quyết ý kiến, kiến nghị của cán bộ lãnh đạo quản lý và viên chức ngành giáo dục. Trong đó, quan tâm rà soát lại biên chế giáo viên, hợp đồng lao động, tránh tình trạng thừa, thiếu ở các trường; tạo điều kiện thuyên chuyển giáo viên ở vùng khó về vùng thuận lợi; nghiên cứu chế độ đặc thù hỗ trợ cho học sinh, giáo viên vùng khó khăn…

Tạo điều kiện thuận lợi để yên tâm công tác

Tiếp nối các hội nghị tiếp xúc, đối thoại với doanh nghiệp, hợp tác xã, ngành y tế trên địa bàn, Thường trực HĐND tỉnh Gia Lai vừa tổ chức hội nghị tiếp xúc, đối thoại với cán bộ lãnh đạo, quản lý và viên chức ngành giáo dục. Được tổ chức dưới hình thức trực tiếp kết nối trực tuyến đến 17 điểm cầu tại các huyện, thị xã, thành phố, Hội nghị nhằm nắm bắt tình hình thực tế công tác giáo dục và đào tạo (GD - ĐT); lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, những khó khăn, vướng mắc của cán bộ lãnh đạo, quản lý và viên chức ngành giáo dục. Từ đó, đề xuất giải pháp hoặc kiến nghị với cấp có thẩm quyền xem xét, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bất cập; tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ lãnh đạo, quản lý và viên chức ngành giáo dục yên tâm công tác, hoàn thành tốt sự nghiệp GD - ĐT trên địa bàn tỉnh.

Quang cảnh Hội nghị đối thoại giữa Thường trực HĐND tỉnh Gia Lai với cán bộ lãnh đạo, quản lý và viên chức ngành giáo dục trên địa bàn tỉnh Gia Lai - ẢNH MAI LÝ
Quang cảnh Hội nghị đối thoại giữa Thường trực HĐND tỉnh Gia Lai với cán bộ lãnh đạo, quản lý và viên chức ngành giáo dục trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Ảnh: Mai Lý

Theo báo cáo của Sở GD - ĐT tại hội nghị, từ tháng 6.2021 đến nay, Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều kế hoạch triển khai thực hiện trong toàn ngành. Tỉnh đã triển khai hiệu quả các dự án, huy động tối đa các nguồn lực, kinh phí đầu tư, xây dựng sửa chữa, mua sắm trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi… bảo đảm các điều kiện tối thiểu thực hiện đạt mục tiêu chương trình giáo dục mầm non. Chất lượng giáo dục tiểu học từng bước được nâng lên, tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình lớp học đạt 98%; tỷ lệ trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia đạt 68,45%. Chất lượng giáo dục đại trà, mũi nhọn bậc trung học được duy trì và từng bước nâng lên. Công tác giáo dục hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS và THPT được thực hiện tốt; triển khai hiệu quả công tác giáo dục dân tộc.

Bên cạnh những kết quả đạt được, toàn tỉnh có 1.315 điểm trường, lớp lẻ, việc dồn ghép các điểm trường gặp khó khăn; tỉ lệ phòng học bán kiên cố, phòng học nhờ, mượn, tạm cấp tiểu học chiếm trên 31%. Tỷ lệ giáo viên chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo hiện nay còn cao (16.6%). Tình trạng thừa, thiếu giáo viên ở một số trường trên cùng địa bàn còn nhiều; nhiều cơ sở giáo dục còn thiếu nhân sự thực hiện các nhiệm vụ như kế toán, văn thư, nhân viên thiết bị, nhân viên bảo vệ hợp đồng, nhân viên y tế... Bên cạnh đó, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên như: phụ cấp ưu đãi, phụ cấp trách nhiệm công việc, chính sách cho giáo viên tổng phụ trách đội… còn bất cập.

Tránh thừa, thiếu biên chế giáo viên, hợp đồng lao động

Tại hội nghị, 18 cán bộ lãnh đạo, quản lý và viên chức ngành giáo dục tại 18 điểm cầu có ý kiến, kiến nghị về các nội dung liên quan đến những thuận lợi, khó khăn bất cập khi triển khai thực hiện các chế độ, chính sách của Trung ương, của tỉnh đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo; thực trạng cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị dạy và học hiện nay, gắn với yêu cầu xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia; thu nhập và đời sống của cán bộ lãnh đạo, quản lý, giáo viên ngành giáo dục; thuận lợi, khó khăn trong sắp xếp, tinh giản biên chế, tổ chức bộ máy các cơ sở giáo dục; nhất là vấn đề tinh giản biên chế giáo viên và sáp nhập, hợp nhất các trường học hiện nay. Khó khăn, vướng mắc của các trường dân tộc nội trú; đánh giá lại việc sáp nhập các đơn vị sự nghiệp công lập...

Đáng chú ý là tình trạng thừa, thiếu giáo viên, tính hợp lý trong cơ cấu giáo viên giữa các huyện so với yêu cầu thực tiễn. Hiện nay, nhiều trường học thiếu nhân lực, số lượng người làm thiếu nhiều ở các vị trí việc làm chuyên môn dùng chung (vị trí việc làm thư viện, quản trị công sở, vị trí việc làm văn thư, thủ quỹ, kế toán; vị trí việc làm giáo vụ, vị trí việc làm hỗ trợ giáo dục người khuyết tật); vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ (y tế học đường, nhân viên nấu ăn, nhân viên phục vụ). Nhiều vị trí việc làm các cơ sở giáo dục không được giao chỉ tiêu, không được hợp đồng; phân công kiêm nhiệm thì chưa được đào tạo, bồi dưỡng để đáp ứng năng lực chuyên môn, nghiệp vụ nên không bảo đảm chất lượng công việc… Lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ngành liên quan đã tiếp thu, trả lời những nội dung thuộc thẩm quyền.

Trên cơ sở đó, Chủ tọa hội nghị đề nghị các cấp, ngành tiếp tục quan tâm giải quyết ý kiến, kiến nghị của cán bộ lãnh đạo quản lý và viên chức ngành giáo dục. Những kiến nghị thuộc thẩm quyền địa phương, cần phân biệt rõ kiến nghị nào thuộc thẩm quyền cấp tỉnh, cấp huyện để giao trách nhiệm giải quyết. Chú trọng rà soát lại biên chế giáo viên, hợp đồng lao động, tránh tình trạng thừa, thiếu ở các trường; tạo điều kiện thuyên chuyển giáo viên ở vùng khó khăn về vùng thuận lợi; thực hiện đúng quy trình, thời gian bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ lãnh đạo quản lý ở các trường; nghiên cứu chế độ đặc thù hỗ trợ cho học sinh, giáo viên vùng khó khăn…

BẢO PHƯƠNG
#