Năm 2023, HĐND tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều đổi mớitrong tổ chức và hoạt động nhằm hiện thực hóa thể chế dân chủ, trở thành một cấu phần quan trọng bậc nhất của quản trị địa phương, nhất là trên các phương diện đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương, giám sát quyền lực nhà nước tại địa phương. Qua đó, góp phần quan trọng giữ vững đà tăng trưởng GRDP trên hai con số trong 9 năm liên tiếp (2015 - 2023) đạt 11,03%;gấp đôi bình quân chung cả nước, đứng đầu vùng đồng bằng sông Hồng, quy mô nền kinh tế đạt 315.839 tỷ đồng, đứng thứ 3 ở khu vực phía Bắc, tăng 1,5 lần so với năm 2020; thu ngân sách nhà nước đạt 56.619 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao; tạo đột phá trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt trên 3,1 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Tiếp tục tạo đột phá về chất lượng cải cách hành chính… Chỉ số niềm tin của người dân đối với đảng, chính quyền Quảng Ninh đạt 96%.
Đạt được những kết quả nổi bật nêu trên, HĐND tỉnh đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp, phát huy vai trò, thẩm quyền trong việc quyết định và giám sát những vấn đề quan trọng của địa phương.
Quyết định các giải pháp, chính sách thiết thực, khả thi
Phát huy rõ nét vai trò và thẩm quyền thực hiện chức năng quyết định các vấn đề quan trọng, cấp thiết ở địa phương, trong năm 2023, HĐND tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức 4 kỳ họp, kịp thời cụ thể hóa các chủ trương của Trung ương, Tỉnh ủy thành 68 nghị quyết là các giải pháp, cơ chế, chính sách thiết thực, khả thi, đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện kinh tế - xã hội của tỉnh.
Điển hình như: quyết nghị các chính sách hỗ trợ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đồng hành cùng doanh nghiệp sau đại dịch Covid-19, các quyết nghị được ban hành kịp thời đã tiếp tục tạo niềm tin cho doanh nghiệp, nhà đầu tư về môi trường đầu tư kinh doanh của địa phương luôn nằm trong nhóm các tỉnh, thành có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất nước trong nhiều năm liên tiếp.Quyết nghị các cơ chế, giải phápđẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược; đó là:đột phá về phát triển bền vững kinh tế - xã hội ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo, tiếp tục tập trung hoàn thành các chương trình mục tiêu Quốc gia gắn với thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU ngày 17.5.2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; các giải pháp đột phá về đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông kết nối vùng, liên vùng; các giải pháp, chính sách nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Quyết định hiệu quả các giải pháp, cơ chế, chính sách thực hiện gắn kết chặt chẽ giữa các mục tiêu tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh, phúc lợi, tiến bộ, công bằng xã hội.Lấy con người là trung tâm của phát triển bền vững. Quảng Ninh là một trong những địa phương đi đầu trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, năm 2023 tỉnh đã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới ở cả 3 cấp theo tiêu chí của giai đoạn 2021 - 2025 (trong đó, Bình Liêu là huyện dân tộc miền núi, biên giới đầu tiên của cả nước đạt chuẩn nông thôn mới); 4 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Bên cạnh đó, HĐND tỉnh đã quyết nghị các cơ chế nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành thu, chi ngân sách và đầu tư công; tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước về đất đai, tài nguyên...
Không né tránh các vấn đề “nóng”, phức tạp, nhạy cảm
Cùng với thực hiện hiệu quả chức năng quyết định, hoạt động giám sát cũng được phát huy hiệu quả. Đáng chú ý, phương thức tổ chức, điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn được tăng cường, đổi mới, chất vấn theo hình thức “hỏi nhanh, đáp gọn”. Đặc biệt nổi bật trong năm 2023,các phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp đều được phát thanh, truyền hình trực tiếp, trực tuyến trên các hạ tầng công nghệ thông tin, Fanpage của Trung tâm truyền thông tỉnh, để kết hợp tương tác hiệu quả giữa chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh và câu hỏi chất vấn trực tiếp của cử tri, nhân dân. Các phiên chất vấn đã thu hút hơn 11.000 lượt xem; 1.500 lượt like; gần 700 bình luận và 300 lượt chia sẻ. Cho thấy HĐND và đại biểu HĐND tỉnh không né tránh các vấn đề “nóng”, phức tạp, nhạy cảm của đời sống xã hội, tạo nên không khí phiên chất vấn dân chủ, mang tính xây dựng cao, đề xuất được các giải pháp khắc phục những bất cập đang đặt ra trong công tác quản lý nhà nước và đời sống thực tiễn ở địa phương, cơ sở.
Trong năm, HĐND, Thường trực, các ban, các tổ đại biểu HĐND tỉnh đã thực hiện 7 cuộc giám sát chuyên đề; 32 cuộc giám sát, khảo sát thường xuyên, đột xuất có trọng tâm, trọng điểm. Hoạt động giám sát của HĐND được đổi mới theo hướng thực chất, hiệu quả, nhất là đã phân định rõ trách nhiệm, tăng cường giám sát chuyên đề đối với các vấn đề “nóng”, cấp thiết được dư luận quan tâm. Hình thức giám sát đa dạng phù hợp với từng nội dung giám sát; phạm vi các cuộc giám sát được mở rộng, giám sát đến xã, phường, thị trấn. Hoạt động giám sát của HĐND tỉnh đã có những tác động tích cực tới việc bảo đảm thực thi pháp luật, góp phần thực hành tiết kiệm, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, lợi ích nhóm, góp phần phát triển toàn diện kinh tế - xã hội của tỉnh, đã tạo dựng được niềm tin của nhân dân ngày càng cao.