Đó là những tồn tại đáng chú ý qua Báo cáo tổng hợp của Thường trực HĐND tỉnh Quảng Nam về kết quả giám sát của các Tổ đại biểu HĐND tỉnh đối với công tác quản lý, sử dụng đất nông nghiệp (đất trồng lúa) bị bỏ hoang giai đoạn 2021 - 2023.
Cơ bản tuân thủ theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất
Theo ghi nhận của các Tổ đại biểu HĐND tỉnh, nhìn chung, UBND các huyện đã quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về đất đai nói chung, đất nông nghiệp nói riêng. Sản xuất nông nghiệp thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực, đóng góp khá lớn vào tăng trưởng kinh tế hàng năm của các địa phương.
Việc quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, đất trồng lúa cơ bản tuân thủ theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được duyệt. UBND các huyện phân công cơ quan chuyên môn phối hợp với các ngành liên quan và UBND các xã, thị trấn theo dõi, kiểm tra, rà soát tình hình quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, đất trồng lúa bị bỏ hoang; đề ra các giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế địa phương, xây dựng kế hoạch và hướng dẫn Nhân dân chuyển đổi diện tích không chủ động nước tưới và diện tích đất lúa sản xuất kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng khác nhằm tăng thu nhập cho người dân; triển khai xây dựng các mô hình chuyển đổi cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả, đánh giá các mô hình hiệu quả để nhân rộng.
Bên cạnh đó, các địa phương đã ưu tiên đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, chủ động thực hiện các giải pháp bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất, nhất là vào mùa khô, góp phần giảm diện tích đất nông nghiệp bị bỏ hoang. Các chính sách, quy định pháp luật về bảo vệ đất trồng lúa, hỗ trợ liên kết trong sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, hỗ trợ kiên cố hóa kênh mương, thủy lợi hóa đất màu và các chính sách, giải pháp hỗ trợ khác đã giúp phát huy hiệu quả đất nông nghiệp tại các địa phương.
Quá trình tích tụ ruộng đất gặp nhiều khó khăn
Bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo của Thường trực HĐND tỉnh Quảng Nam cũng thẳng thắn chỉ ra: diện tích đất nông nghiệp bỏ hoang còn nhiều (trên địa bàn 10 huyện, diện tích đất nông nghiệp bị bỏ hoang là 1.756,04ha, trong đó diện tích đất trồng lúa là 1.221,85ha). Phần lớn đất nông nghiệp bị bỏ hoang chưa xây dựng và thực hiện phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý để sử dụng hiệu quả quỹ đất. Công tác quản lý, sử dụng đất nông nghiệp chưa được kiểm soát chặt chẽ; một số địa phương chưa chú trọng kiểm tra, xử lý các vi phạm trong quản lý, sử dụng đất trồng lúa bị bỏ hoang.
Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện Đề án tích tụ tập trung ruộng đất còn gặp nhiều khó khăn; quá trình tích tụ tập trung ruộng đất vẫn mang tính chất tự phát ở các địa phương; chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa thực hiện chưa quyết liệt, chỉ dừng lại ở công tác rà soát diện tích, xây dựng kế hoạch hàng năm, nhưng chưa gắn với bố trí nguồn kinh phí triển khai thực hiện; việc xây dựng cánh đồng mẫu lớn, các vùng sản xuất rau quả thực phẩm sạch tuy được quan tâm thực hiện nhưng còn chậm.
Báo cáo cũng chỉ ra: lao động nông nghiệp ngày càng giảm do xu thế chuyển dịch từ lĩnh vực nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ. Chi phí sản xuất nông nghiệp cao, trong khi lợi nhuận, thu nhập của nông dân trồng lúa còn thấp và nhiều bấp bênh; một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất của Trung ương, của tỉnh khó tiếp cận, mức hỗ trợ thấp, công tác thanh toán, quyết toán, thủ tục rườm rà, phức tạp, do vậy người nông dân ít mặn mà quan tâm đến sản xuất nông nghiệp như trước.
Trong khi đó, việc liên kết, góp vốn bằng quyền sử dụng đất giữa người có đất với doanh nghiệp, tổ hợp tác có nhu cầu sử dụng đất chưa thực hiện nhiều, hiệu quả chưa cao. Một số nơi người dân còn có tâm lý giữ đất nên ít tích cực trong tham gia liên kết, góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Mặt khác, với đặc thù phần lớn đất lúa bị bỏ hoang là manh mún, phân tán nên mặc dù có nhu cầu nhưng chủ thể chủ trì liên kết (doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã) gặp khó trong việc đưa cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất do chi phí lớn trong khi hiệu quả đầu tư lại thấp.
Các cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và khuyến khích hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cũng chưa thực sự hiệu quả, thủ tục triển khai còn rườm rà nên chưa có nhiều chủ thể tiếp cận, thụ hưởng được nguồn vốn hỗ trợ. Các mô hình liên kết trong đầu tư sản xuất, cung ứng, chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh còn rất hạn chế, chưa có sức lan tỏa. Thiếu các chính sách hỗ trợ các tổ hợp tác, hợp tác xã xây dựng và thực hiện các mô hình bảo vệ thực vật, kiểm soát dịch bệnh trên cây lúa, trong khi đây là giải pháp quan trọng để giảm chi phí, tăng giá trị sản phẩm, tạo cho người dân yên tâm trồng lúa.