Chuyên gia y tế khuyến cáo cha mẹ 6 dấu hiệu nhận biết con bị trầm cảm

Những dấu hiệu như trẻ có tâm trạng buồn bã hoặc tồi tệ, hay phàn nàn về bản thân, thiếu năng lượng và nỗ lực, mất hứng thú,… có thể là những biểu hiện giúp nhận biết trẻ bị trầm cảm.

Theo các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương, trầm cảm là một rối loạn cảm xúc, biểu hiện bằng khí sắc trầm, mất mọi quan tâm hay thích thú, giảm năng lượng dẫn tới tăng sự mệt mỏi và giảm hoạt động.

Ở trẻ vị thành niên, trầm cảm ảnh hưởng đến học tập và khả năng hòa nhập của trẻ trong xã hội. Ngoài ra, trầm cảm cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến ý tưởng và hành vi tự hủy hoại bản thân hoặc tự sát.

Nguyên nhân dẫn đến trầm cảm ở trẻ vị thành niên thường do nhiều yếu tố phối hợp. Trong đó, nguy cơ trẻ bị trầm cảm sẽ tăng lên nếu trong gia đình có người bị trầm cảm. Một số trẻ trầm cảm do trải qua những điều căng thẳng trong cuộc sống như áp lực, sự kỳ vọng của gia đình với trẻ về học tập, mâu thuẫn bạn bè lâu ngày không được giải quyết, bất đồng quan điểm hoặc thiếu sự quan tâm thích đáng với trẻ…

Một số khác bị lạm dụng tình dục, bạo lực học đường, bạo lực gia đình, bị mất đi người thân, gia đình tan vỡ. Một số trải qua tình trạng sức khỏe nghiêm trọng như: chấn thương, bệnh tật… Những điều này khiến trẻ bị căng thẳng, buồn bã hoặc đau buồn kéo dài dẫn đến bị trầm cảm.

Các bác sĩ nhấn mạnh, trầm cảm thường tiến triển cùng với lo âu ở trẻ. Trầm cảm được phân ra làm 3 mức độ: thể nhẹ, thể vừa và thể nặng. Một số trẻ chỉ bị trầm cảm một lần, nhưng cũng có trẻ có thể bị trầm cảm nhiều lần.

Trẻ vị thành niên bị trầm cảm có nguy cơ tự làm hại bản thân nhiều hơn. Ở thể nhẹ, một số trẻ cảm thấy “không vui” hoặc “buồn”. Ở thể nặng, trẻ lại muốn làm tổn thương mình, thậm chí là có ý định tự sát. Những suy nghĩ và cách ứng phó như vậy của trẻ luôn phải được phát hiện sớm và xem xét một cách nghiêm túc. Do đó, trẻ vị thành niên bị trầm cảm cần được phát hiện và điều trị sớm.

Một số dấu hiệu để cha mẹ có thể nhận biết con bị trầm cảm bao gồm:

Tâm trạng buồn bã hoặc tồi tệ: Trẻ cảm thấy buồn, cô đơn, ít tham gia các hoạt động với mọi người hoặc không vui, dễ cáu, hay ẩu đả với các thành viên trong gia đình và bạn bè. Điều này có thể kéo dài hàng tuần hoặc hàng tháng, cảm xúc thay đổi (dễ khóc, dễ cáu giận).

Chuyên gia y tế khuyến cáo cha mẹ 6 dấu hiệu nhận biết con bị trầm cảm -0
Trẻ cảm thấy buồn, cô đơn, ít tham gia các hoạt động với mọi người hoặc không vui, dễ cáu,... có thể là dấu hiệu của trầm cảm (Hình minh họa)

Hay phàn nàn về bản thân: Trẻ vị thành niên trải qua giai đoạn trầm cảm có thể nói những điều tự ti về bản thân như: “Con không thể làm bất cứ điều gì đúng”, “Con không có bất cứ người bạn nào”, “Con không thể làm được điều này”, “Việc này quá khó với con”,… Trẻ có cảm giác mình vô dụng, vô vọng hoặc tội lỗi.

Thiếu năng lượng và nỗ lực: Trầm cảm có thể làm trẻ tiêu hao năng lượng. Trẻ không có cố gắng, nỗ lực và khó tập trung trong học tập so với trước đây. Bên cạnh đó, khó khăn trong việc thực hiện các hoạt động hằng ngày khiến trẻ luôn cảm thấy mệt mỏi, dễ dàng bỏ cuộc hoặc thiếu năng lượng, ngày cả khi nghỉ ngơi.

Mất hứng thú: Trẻ không còn nhiều niềm vui hay thích chơi đùa với bạn bè như trước nữa. Trẻ cũng không muốn làm những việc mà mình từng yêu thích, thậm chí có thể tự làm đau bản thân và có ý định tự tử.

Thay đổi giấc ngủ và ăn uống: Trẻ có thể khó ngủ, ngủ không ngon giấc hoặc trẻ cảm thấy mệt mỏi ngay cả khi trẻ ngủ đủ giấc. Đôi khi trẻ có cảm giác thèm ăn hoặc chán ăn.

Đau nhức, mỏi: Một số trẻ kêu đau bụng, đau đầu hoặc các cơn đau khác mà không rõ nguyên nhân. Một số trẻ nghỉ học vì cảm thấy không được khỏe, mặc dù trẻ không bị ốm.

Những điều cha mẹ cần làm để hỗ trợ khi trẻ có biểu hiện bị trầm cảm:

Tìm hiểu điều gì đang xảy ra: Cha mẹ cần hỏi trẻ cảm thấy thế nào và lắng nghe cởi mở mà không cần phán xét hay tư vấn. Hỏi những người mà bạn tin tưởng, những người biết con bạn, chẳng hạn như một giáo viên hoặc bạn thân của trẻ. Thông qua đó, tìm hiểu xem liệu họ có nhận thấy điều bất thường khiến trẻ lo lắng hoặc thay đổi so với trước đó.

Dành thời gian cho trẻ: Nên dành thời gian cùng con làm những việc mà cả hai cùng thích như: đi dạo, chơi trò chơi, nấu ăn, đọc truyện, làm đồ thủ công, xem phim hài… Cha mẹ hãy dành nhiều thời gian bên con hơn nếu có thể. Xây dựng một môi trường vui vẻ với các hoạt động ngoài trời phù hợp với lứa tuổi mà trẻ yêu thích sẽ khuyến khích tâm trạng trẻ tích cực. Điều này sẽ giúp cha mẹ và con được gần gũi.

Khuyến khích những thói quen tích cực: Khuyến khích trẻ làm những việc trẻ thường yêu thích, giúp con giữ thói quen ăn ngủ điều độ và năng động. Hoạt động thể chất là cách quan trọng để thúc đẩy tâm trạng của trẻ. Cha mẹ có thể cùng trẻ chơi một môn thể thao nào đó hoặc khuyến khích trẻ chơi thể thao cùng bạn bè để tạo thành thói quen tích cực. Âm nhạc cũng có thể ảnh hưởng mạnh mẽ đến tâm trạng của trẻ, vì vậy hãy cùng trẻ nghe những bài hát khiến trẻ cảm thấy lạc quan về cuộc sống.

Hãy để trẻ thể hiện bản thân: Cha mẹ nên nói chuyện cùng trẻ, lắng nghe cẩn thận những gì con nói về cảm giác của con. Đừng bao giờ ép trẻ phải chia sẻ, thay vào đó bạn có thể khuyến khích trẻ thể hiện sự sáng tạo khác như: vẽ tranh, đồ thủ công hoặc ghi lại nhật ký suy nghĩ và kinh nghiệm của trẻ. Viết nhật ký có thể giúp trẻ giải tỏa cảm xúc của mình.

Bảo vệ trẻ khỏi môi trường căng thẳng: Cố gắng giữ con bạn tránh xa các tình huống dễ khiến căng thẳng quá mức, bị ngược đãi hoặc bạo lực. Hãy nhớ rằng cha mẹ luôn phải mô phạm các hành vi và lời nói, có những phản ứng lành mạnh đối với những căng thẳng trong cuộc sống. Cha mẹ luôn phải gần gũi, quan tâm tới trẻ, đồng thời, cũng phải thiết lập ranh giới nhất định, nhưng không được xa lánh, thờ ơ, vô cảm với trẻ. Nên khuyến khích trẻ duy trì thói quen chăm sóc bản thân tích cực.

Đưa trẻ đến gặp chuyên gia về sức khỏe tâm thần: Bác sĩ, nhà trị liệu có thể đề nghị một vài lần khám, hoặc nhiều hơn. Liệu pháp trị liệu tâm lý có thể mất thời gian, nhưng bạn sẽ thấy tiến triển trong suốt quá trình. Một số trẻ có thể cần kết hợp thuốc tùy thuộc vào triệu chứng và mức độ trầm cảm của trẻ.

Sức khỏe

Người phụ nữ bỏng nặng khi đi giác hơi
Sức khỏe

Người phụ nữ bỏng nặng khi đi giác hơi

Trong lúc thực hiện phương pháp giác hơi để giảm bớt căng thẳng, bà T.T.T., 54 tuổi, ở Long An đã gặp phải sự cố bị cồn nóng đổ vào người. Cồn bắt lửa, bốc cháy, gây bỏng nặng vùng lưng và bụng.

Người đàn ông nguy kịch vì vi khuẩn gây bệnh Whitmore "tấn công"
Sức khỏe

Người đàn ông nguy kịch vì vi khuẩn gây bệnh Whitmore "tấn công"

Các bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đang điều trị một trường hợp nguy kịch vì bệnh Whitmore. Bệnh nhân làm việc trong môi trường tiếp xúc trực tiếp với đất và nước ô nhiễm, kết hợp với nền bệnh lý đái tháo đường không kiểm soát, đã tạo điều kiện cho vi khuẩn gây bệnh.

Các dịch vụ thẩm mỹ xâm lấn núp bóng spa ở Hà Tĩnh: Đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ của các Sở ngành có liên quan!
Sức khỏe

Các dịch vụ thẩm mỹ xâm lấn núp bóng spa ở Hà Tĩnh: Đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ của các Sở ngành có liên quan!

Sở Y tế Hà Tĩnh khẳng định những cơ sở thẩm mỹ Minh Tuyết, Mậm Spa, Trinh Tây Spa chưa được các cơ quan có chức năng cấp phép thực hiện các dịch vụ thẩm mỹ xâm lấn. Các cơ sở thường thực hiện dịch vụ thẩm mỹ xâm lấn lén lút, cảnh giác cao nên rất khó để xử lý, đòi hỏi phải có sự vào cuộc mạnh mẽ của các Sở ngành có liên quan.

Cô giáo tiểu học tìm hạnh phúc làm mẹ sau 7 năm hiếm muộn
Sống khỏe

Cô giáo tiểu học tìm hạnh phúc làm mẹ sau 7 năm hiếm muộn

Trên hành trình tìm con đơn độc của vợ chồng cô giáo Bùi Thị Giang (1988, quê Ninh Bình), chưa bao giờ họ muốn bỏ cuộc, cho dù đa số thời gian người chồng công tác xa, không thể chăm sóc động viên vợ mình. Nhưng chính sự yêu thương chân thành đã giúp họ vượt qua mọi khó khăn để giờ đây mái ấm nhỏ tràn ngập tiếng cười nói của 3 cô con gái đáng yêu.