Ưu tiên xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người có công
Theo chỉ thị, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, UBND các huyện, thị, thành phố tích cực huy động, vận động các nguồn lực của nhà nước, xã hội, doanh nghiệp và toàn dân. Với tinh thần "tương thân, tương ái", "ai có gì giúp nấy, ai có của giúp của, ai có công giúp công, ai có nhiều giúp nhiều, ai có ít giúp ít". Cùng phương châm "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể hỗ trợ, Nhân dân làm chủ". Đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ để cùng chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát bảo đảm công khai, minh bạch, đúng quy định, không để xảy ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực, tham nhũng. Coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng của các cấp, các ngành, các địa phương; quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt để đến ngày 31.12.2025 hoàn thành bằng được mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên toàn tỉnh…
Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát được thực hiện bao gồm 3 chương trình: hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng; hỗ trợ nhà ở theo các chương trình mục tiêu quốc gia; xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân. Trong đó, ưu tiên xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người có công từ nguồn ngân sách nhà nước.
Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc
Cùng với đó, UBND tỉnh giao Sở Xây dựng khẩn trương trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Xây dựng nghiên cứu, thiết kế một số mẫu nhà ở điển hình. Bảo đảm yêu cầu kỹ thuật, chất lượng, phù hợp với văn hóa, phong tục tập quán và đặc điểm của địa phương để các hộ gia đình tham khảo, nghiên cứu áp dụng xây dựng nhà ở phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của từng hộ.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, tham mưu UBND tỉnh thực hiện Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn sau khi Tỉnh ủy ban hành. Chủ động tham mưu, đề xuất UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo các giải pháp, cách làm cụ thể, hiệu quả để triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát đúng tiến độ, yêu cầu.
Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục chỉ đạo các cơ quan truyền thông trên địa bàn đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu gương điển hình tiên tiến, mô hình hay, cách làm mới, sáng tạo, hiệu quả trong thực hiện phong trào thi đua…
Qua đó, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc để xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025. Góp phần thực hiện hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng, bảo vệ tổ quốc trong giai đoạn mới. Tăng cường, phát huy hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội trong thực hiện các chế độ, chính sách xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu UBND các huyện, thị, thành phố tham mưu, đề xuất thành lập Ban Chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát ở địa phương phù hợp với tình hình cụ thể. Chỉ đạo rà soát, lập danh sách, đề xuất đối tượng được hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở với mục tiêu xóa 100% nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu và hỗ trợ gia đình có công gặp khó khăn về nhà ở, nhà xuống cấp cần được sửa chữa, xây mới. Phấn đấu đến năm 2025, mọi người dân có nhà ở an toàn, ổn định, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm nghèo bền vững.
Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu, hộ gia đình người có công đến người dân bằng hình thức phù hợp. Công bố, công khai các tiêu chí, đối tượng được thụ hưởng chính sách bảo đảm dân chủ, công bằng, minh bạch, đúng quy định. Để mọi người dân nắm rõ, hiểu biết đầy đủ, giám sát việc thực hiện các chính sách được hỗ trợ.
Các địa phương phát hiện, động viên, biểu dương, khen thưởng kịp thời các tập thể, hộ gia đình, cá nhân tiêu biểu xuất sắc trong phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025”…