Triển lãm giới thiệu gần 40 tác phẩm, phần lớn có chủ đề tranh tĩnh vật, phong cảnh - những thể loại quen thuộc nhưng tiếp cận dưới góc quan sát, tạo hình riêng của mỗi họa sĩ.
Theo nhà nghiên cứu mỹ thuật Vũ Huy Thông, hội họa của Phạm Văn Trọng chịu ảnh hưởng từ trường phái Ấn tượng. Anh ưa thích phong cảnh thiên nhiên góc nhìn rộng, không gian lớn, cảm xúc rõ ràng bằng các vệt bút nhanh, đa hướng, không kỹ ở chi tiết mà nhấn mạnh ấn tượng màu sắc và ánh sáng, sắc thái của bầu trời trong những ngày nhiều mây, nhiều nắng, màu phản quang trong không khí và mặt nước - những tiêu chí quan trọng đã tạo ra sức hấp dẫn lớn của họa phái Ấn tượng.
Tiếp nối chủ đề Phố, vẫn kiên trì theo đuổi lối vẽ hiện thực, trong triển lãm lần này họa sĩ Phạm Xuân Trung muốn giới thiệu series bức vẽ về tàu thuyền neo bến. Hội họa của Phạm Xuân Trung cương nghị, rõ ràng, mạch lạc, rất kỹ lưỡng các chi tiết trong một tổng thể đậm chất đời sống, một phong cách hiện thực riêng - hiện thực của đồng cảm, thấu hiểu.
Lê Đức Tùng từng có triển lãm cá nhân về tranh sơn mài tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam năm 2021, một triển lãm thể hiện rõ ưu thế chất liệu sang trọng cổ điển. Lần này ngoài hoa và phong cảnh, Tùng giới thiệu những bức nữ khỏa thân, một thử thách với sơn mài khi hướng tới vẻ đẹp tả thực chất da thịt, khối và ánh sáng.
Chu Văn vẽ tĩnh vật hoa, phong cảnh như "chơi" với hình và nền. Hội họa của Chu Văn có thế mạnh ở bút pháp mảng lớn, nét tinh, hòa sắc thiên gam lạnh trên nền ghi xám trung tính - một thẩm mỹ hiện đại mà gần gũi họa phái cổ phương Đông.
Bốn họa sĩ với những cá tính, quan điểm nghệ thuật, phong cách sáng tác riêng biệt, ít nhiều tạo dấu ấn qua các hoạt động triển lãm trong nước những năm gần đây, quyết định cùng “Chụm lại”, tạo nên một triển lãm chung tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.