Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh điều này tại Diễn đàn Doanh nghiệp Khu vực Singapore (SRBF) lần thứ 7, sáng 7.7.
Diễn đàn do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp Liên đoàn Doanh nghiệp Singapore (SBF) tổ chức với chủ đề "Tăng cường hợp tác khu vực để tăng trưởng bền vững". Đây là Diễn đàn đầu tiên được tổ chức ở một quốc giangoài Singapore; có sự tham dự của hơn 800 lãnh đạo doanh nghiệp, quan chức chính phủ cấp cao và nhà ngoại giao từ hơn 420 công ty/tổ chức của 32 quốc gia và nền kinh tế.
Hợp tác đầu tư – thương mại ngày càng phát triển
Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nêu rõ, trải qua 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược, chưa bao giờ quan hệ giữa Việt Nam - Singapore toàn diện và tốt đẹp như hiện nay, là điển hình mối quan hệ năng động và hiệu quả trong khu vực ASEAN, trở thành hình mẫu hợp tác nội khối trong khu vực.
Về đầu tư, với hơn 3.200 dự án và 73,4 tỷ USD vốn đăng ký, Singapore đứng thứ 2 trong tổng số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Các nhà đầu tư Singapore đã tham gia hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế của Việt Nam và luôn nghiêm túc triển khai các dự án đúng tiến độ, đạt hiệu quả cao. Ở chiều ngược lại, các nhà đầu tư Việt Nam đã đầu tư sang Singapore gần 150 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 700 triệu USD, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực hoạt động chuyên môn và khoa học và công nghệ.
Về thương mại, Singapore là một trong những đối tác hàng đầu của Việt Nam trong khu vực. Năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều đạt 9,2 tỷ USD theo hướng cân bằng, tăng 11,6% so với năm 2021.
Mặc dù những kết quả trên là đáng khích lệ, nhưng vẫn chưa thực sự tương xứng với tiềm năng hợp tác của hai bên, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nêu rõ.
Trong bối cảnh mới, Phó Thủ tướng cho rằng, dù có nhiều thách thức song cũng mở ra cơ hội lớn trong hợp tác và thương mại giữa hai nước, hướng tới tầm cao mới.
Để đưa quan hệ hợp tác chiến lược Việt Nam – Singapore phát triển hiệu quả hơn, Phó Thủ tướng gợi mở một số định hướng.
Theo đó, doanh nghiệp hai nước cần chủ động hơn nữa, phát huy tối đa lợi thế so sánh của nhau, năng động, đột phá, “nghĩ lớn để tiến xa”, “đã nói là làm, đã cam kết là thực hiện, thực hiện có kết quả”; tuân thủ pháp luật, phát huy trách nhiệm với xã hội và người lao động.
Cùng với đó, doanh nghiệp hai nước cần nỗ lực tận dụng hiệu quả lợi ích từ các hiệp định thương mại tự do RCEP và CPTPP mà cả Việt Nam và Singgapore đều là thành viên, đóng góp vào quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Phó Thủ tướng đề nghị, với vai trò là trung tâm tài chính hàng đầu khu vực và là nơi đặt trụ sở của các tập đoàn đa quốc gia, các quỹ đầu tư hàng đầu thế giới, Singapore cần tiếp tục hỗ trợ Việt Nam tiếp cận các nguồn đầu tư dịch chuyển, các nguồn tài chính xanh, bền vững, đổi mới sáng tạo, hạ tầng thông minh, doanh nghiệp khởi nghiệp, đào tạo nhân lực chất lượng cao…
Hai bên cũng cần đẩy mạnh đầu tư hợp tác trong lĩnh vực mà Singapore có kinh nghiệm và thế mạnh, Việt Nam có nhu cầu, nhất là phát triển khu công nghiệp sinh thái gắn với đô thị thông minh; tiếp tục mở rộng phạm vi hợp tác, phát huy vai trò, hiệu quả hợp tác giữa hai nước.
Về phía Chính phủ Việt Nam, cam kết tạo môi trường tốt nhất cho doanh nghiệp hai nước kinh doanh thuận lợi, hướng tới các chuẩn mực của OECD. Theo đó, giữ vững ổn định chính trị, kinh tế vĩ mô; tháo gỡ các điểm nghẽn; phát triển các chuỗi cung ứng; giảm chi phí giao dịch, đặc biệt là chi phí hành chính và chi phí logistics, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái khẳng định.
Đề xuất 3 lĩnh vực cần tập trung hợp tác
Theo Bộ trưởng Lao động, Bộ trưởng Thứ hai Bộ Công thương nước Cộng hòa Singapore TS. Tan See Leng, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang có những thách thức từ gián đoạn chuỗi cung ứng, lạm phát, biến đổi khí hậu, xu hướng chuyển sang bảo hộ thương mại, đòi hỏi các nước phải thích ứng, đổi mới để xây dựng mô hình kinh tế mới, không chỉ số hóa mà còn phải bền vững. Trong bối cảnh đó, Diễn đàn “rất phù hợp để thúc đẩy hợp tác phát triển bền vững, nắm bắt cơ hội trong xu hướng công nghệ”.
Cũng theo ông Tan See Leng, hiện, Đông Nam Á vẫn là điểm sáng trong nền kinh tế toàn cầu. Năm 2020, tổng GDP toàn khu vực vào khoảng 3,66 nghìn tỷ USD và sẽ tiếp tục phát triển. Năm 2023, dự báo tăng trưởng toàn khu vực khoảng 4,6% và đạt 4,8% vào năm 2024.
Đặc biệt, kinh tế xanh, kinh tế số đang có nhiều cơ hội phát triển tại khu vực. Trong năm 2020, tổng đầu tư kinh tế xanh trong khu vực đạt khoảng 15 tỷ USD. Dự kiến, vào năm 2030, kinh tế số và kinh tế xanh có thể đạt tới 1.000 tỷ USD đối với mỗi loại hình.
Khẳng định Việt Nam và Singapore có thể hợp tác trong nhiều lĩnh vực, ông Tan See Leng lưu ý có 3 lĩnh vực cần quan tâm, đó là: đổi mới sáng tạo; năng lượng; phát triển bền vững, trong đó, thị trường carbon đóng vai trò quan trọng và Việt Nam đang có cơ hội tốt đối với thị trường này, ông nói.
Chia sẻ trong phần Đối thoại với các Bộ trưởng về tăng cường hợp tác khu vực vì một tương lai bền vững, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Việt Nam đang thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, hướng tới phát triển bền vững, mục tiêu cụ thể hóa cam kết Net Zero vào năm 2050.
Hiện, Bộ đang tham mưu Chính phủ 4 lĩnh vực ưu tiên trong giai đoạn tới, coi đó là động lực tăng trưởng mới, gồm: Đổi mới sáng tạo, Trung tâm Tài chính quốc tế TP. Hồ Chí Minh, chip bán dẫn và phát triển xanh.
Chia sẻ cụ thể hơn, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thông tin, tháng 10 tới sẽ khánh thành Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia tại Láng – Hòa Lạc, phấn đấu là một trong những trung tâm hàng đầu khu vực.
Đối với Trung tâm Tài chính TP. Hồ Chí Minh, hiện đang nghiên cứu để tìm mô hình phù hợp, trong đó có tham khảo, học hỏi kinh nghiệm từ Singapore. “Trung tâm này không phải để cạnh tranh với Singapore mà để bổ sung cho nhau, làm đa dạng hóa hơn các nguồn đầu tư”, ông Dũng nhấn mạnh.
Tái khẳng định 4 động lực này sẽ giúp Việt Nam hiện thực hóa các mục tiêu phát triển đến năm 2030 trở thành quốc gia đang phát triển có thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng mong muốn các doanh nghiệp Singapore hãy tìm đến Việt Nam để cùng tận dụng, phát huy các lợi thế, tiềm năng của Việt Nam, thúc đẩy hơn nữa hợp tác giữa hai nước.
Tại Diễn đàn, 12 Biên bản ghi nhớ đã được ký kết giữa các tổ chức công và tư từ Singapore và Việt Nam, bao gồm các hiệp hội thương mại và phòng thương mại, các cơ sở giáo dục đại học và các cơ sở tài chính.
Đồng thời, Liên đoàn Doanh nghiệp Singapore (SBF) phối hợp Ngân hàng UOB cũng đã khởi động Sáng kiến chung về trách nhiệm xã hội doanh nghiệp (CSR) nhằm nuôi dưỡng các tài năng trẻ trong lĩnh vực tài chính, công nghệ và đổi mới. Trong khuôn khổ sáng kiến chung này, hơn 1.000 sinh viên đủ điều kiện tại Việt Nam sẽ có cơ hội học tập kỹ năng và có được kinh nghiệm thực tế trong lĩnh vực kinh doanh, từ đó phát triển chuyên môn, sẵn sàng cho một tương lai đầy triển vọng trong thời đại số.
Trong khuôn khổ Diễn đàn, chiều 7.7, các đại biểu sẽ thảo luận về 3 chủ đề: Khám phá cơ hội phát triển bền vững trong khu vực; đổi mới công nghệ trong quá trình phát triển số hóa của ASEAN; tương lai của nguồn nhân lực - tiến triển việc làm, lực lượng lao động và nơi làm việc.