Đánh giá tương đối toàn diện, đầy đủ
Sáng 12.7, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo báo cáo Tổng kết Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội Khóa XV, cho ý kiến bước đầu về chuẩn bị Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội Khóa XV.
Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với dự thảo báo cáo tổng kết Kỳ họp thứ Ba do Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày; cho rằng, báo cáo đã đánh giá tương đối toàn diện, đầy đủ, nêu bật được những kết quả của kỳ họp.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nhấn mạnh, Kỳ họp thứ Ba diễn ra dân chủ, thẳng thắn. Công tác chuẩn bị kỳ họp được tiến hành từ sớm, các cơ quan thẩm tra đã chủ động làm việc với cơ quan chủ trì soạn thảo. Đặc biệt, công tác phối hợp giữa các cơ quan của Quốc hội với các cơ quan của Chính phủ, giữa cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo rất tốt. Theo đánh giá của Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, đối với các nội dung do Chính phủ trình, lâu nay, Quốc hội luôn đồng hành cùng Chính phủ. Đại biểu đã tham gia phát biểu hăng hái, tích cực. Số lượng đại biểu đăng ký phát biểu đông. Bỏ phiếu khá tập trung, tỷ lệ bỏ phiếu đối với những nội dung được Quốc hội biểu quyết thông qua nhìn chung khá cao.
Bên cạnh đó, công tác thông tin tuyên truyền cho kỳ họp đã bảo đảm đầy đủ, khách quan, đều khắp các nội dung. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nhận định, từ khi có đề án tuyên truyền, công tác thông tin tuyên truyền cho kỳ họp rõ ràng tốt hơn. Chương trình kỳ họp được bố trí khoa học, hợp lý; có sự điều chỉnh, bổ sung nội dung vào chương trình kỳ họp kịp thời, linh hoạt, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn nhưng vẫn bảo đảm thực hiện đúng quy trình, thủ tục theo quy định, góp phần hoàn thành tốt các nội dung của kỳ họp.
Về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ Ba, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá, hoạt động này tiếp tục có nhiều đổi mới, bám sát yêu cầu của thực tiễn, phản ánh nguyện vọng của cử tri và Nhân dân. Các nhóm vấn đề được chọn để chất vấn đều rất thiết thực, được cử tri và dư luận xã hội quan tâm, vừa có tính thời sự, vừa mang tính chiến lược lâu dài, thể hiện sự quan tâm, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng chính đáng của cử tri và Nhân dân đối với công tác quản lý, điều hành của Chính phủ.
Các đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng, đúng và trúng vấn đề; tranh luận thẳng thắn, mang tính xây dựng, làm rõ thực trạng nhằm góp phần tạo chuyển biến tích cực trong các ngành, lĩnh vực. Thành viên Chính phủ chuẩn bị nội dung chu đáo, kỹ lưỡng, nắm chắc vấn đề thuộc phạm vi quản lý; trả lời, giải trình rõ ràng, cầu thị, không né tránh, thẳng thắn nhận trách nhiệm về những mặt tồn tại, hạn chế của ngành, lĩnh vực mình phụ trách, đồng thời đưa ra các cam kết khắc phục trong thời gian tới. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp của Quốc hội vẫn có thể tiếp tục đổi mới hơn nữa nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả. Theo đó, cả người hỏi và người trả lời đều có thể hỏi - đáp ngắn gọn hơn nữa.
Khởi động công tác chuẩn bị Kỳ họp thứ Tư ngay từ bây giờ
Phát biểu kết luận nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Kỳ họp thứ Ba tuy là kỳ họp đầu năm nhưng có khối lượng công việc rất lớn. Quốc hội đã xem xét thông qua 5 Luật, 17 Nghị quyết; cho ý kiến lần đầu về 6 dự án luật khác và xem xét nhiều báo cáo quan trọng khác. Nội dung kỳ họp bảo đảm tính bao quát, toàn diện, gồm cả những vấn đề cấp bách, trước mắt và cả những vấn đề mang tính chiến lược lâu dài, trong đó có cả những vấn đề tồn đọng đã lâu. Nội dung trình tại kỳ họp đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, trách nhiệm, đạt được sự đồng thuận cao trong các quyết sách.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, kết quả của kỳ họp thứ Ba được Lãnh đạo Đảng, Nhà nước ghi nhận, biểu dương; được nhân dân cả nước và cử tri đánh giá cao. Kết quả của kỳ họp thứ Ba cho thấy định hướng tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động của Quốc hội, theo hướng dân chủ, ngày càng công khai, minh bạch, gần gũi với Nhân dân hơn, tăng tính pháp quyền và bảo đảm các quy định pháp luật.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, qua tổng kết Kỳ họp thứ Ba, Ủy ban Thường vụ Quốc hội rút ra một số bài học kinh nghiệm quý báu sau:
Một là, Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan hữu quan luôn bám sát đường lối, chủ trương của Đảng, quy định pháp luật cũng như sự lãnh đạo sát sao của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong quá trình chuẩn bị và tiến hành kỳ họp.
Hai là, công tác chỉ đạo, điều hành rất sâu sát, quyết liệt, quyết đoán, linh hoạt, nhạy bén, sáng tạo trong tổ chức và tiến hành kỳ họp Quốc hội; sự chủ động, phối hợp chặt chẽ, tinh thần trách nhiệm, vào cuộc từ sớm, từ xa của các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của Chính phủ, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ; sự tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội; sự đồng tình, ủng hộ, giám sát của cử tri và Nhân dân.
Ba là, công tác tham mưu, đề xuất chính xác, kịp thời, bám sát tình hình thực tế, điển hình là việc tăng thời lượng truyền hình trực tiếp để Nhân dân theo dõi, giám sát, nhận được sự đánh giá tích cực của dư luận; tinh thần trách nhiệm, chu đáo, sự tận tâm, tận lực của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Văn phòng Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, các bộ, ngành, cơ quan có liên quan và các địa phương... đã góp phần quan trọng vào thành công của kỳ họp.
Về chuẩn bị Kỳ họp thứ Tư, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, các cơ quan cần khởi động công tác chuẩn bị ngay từ bây giờ, không chỉ các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ mà cả các cơ quan hữu quan. Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, Tổng Thư ký Quốc hội và Văn phòng Quốc hội khẩn trương hoàn thiện sớm các nội dung chuẩn bị kỳ họp thứ Tư để các cơ quan triển khai công việc chuẩn bị từ bây giờ.
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, tại Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội dự kiến sẽ xem xét, thông qua 6 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến 7 dự án luật. Trong đó, nhiều nội dung khó nên cần phải chuẩn bị từ sớm, từ xa; Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần xem xét, quyết định tổ chức hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách để cho ý kiến về một số dự án luật có nhiều ý kiến khác nhau.