Tham dự cuộc gặp mặt có các Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà; Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.
Về phía Bộ Ngoại giao có: Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng; 26 Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài vừa được bổ nhiệm nhận nhiệm vụ đại diện cho Việt Nam tại 48 quốc gia và một tổ chức quốc tế.
Tại cuộc gặp mặt, các Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài khẳng định, nhận nhiệm vụ mới là niềm vinh dự đồng thời cũng là trách nhiệm lớn lao với đất nước; nhấn mạnh sẽ nỗ lực, cố gắng, đoàn kết, phát huy năng lực, sâu sát địa bàn; cụ thể hóa, triển khai tốt chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước; thúc đẩy quan hệ Việt Nam với các nước, tổ chức quốc tế ngày càng sâu sắc, thiết thực, hiệu quả hơn nữa.
Chúc mừng các Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài được bổ nhiệm lần này, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định, Đảng và Nhà nước luôn coi trọng vị trí, vai trò của công tác đối ngoại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc trước đây cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay. Các địa bàn mà các Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện nhận nhiệm vụ lần này là những đối tác lớn, quan trọng hàng đầu của ta, trong đó có các nước láng giềng như Trung Quốc, Campuchia, các nước đối tác chiến lược, đối tác toàn diện như Singapore, Hungary, Đức, Chile, New Zealand, các nước bạn bè truyền thống như Bulgari, Ai Cập… các tổ chức quốc tế quan trọng như Liên Hợp Quốc và nhiều nước, đối tác khác trải rộng trên nhiều châu lục.
Từ một đất nước bị bao vây cô lập, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 194 quốc gia, có quan hệ Đối tác Chiến lược và Đối tác toàn diện với 32 nước, trong đó có quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện với 9 quốc gia, gồm Trung Quốc, Liên bang Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia, Pháp và Malaysia. Việt Nam có quan hệ kinh tế với hơn 230 quốc gia và vùng lãnh thổ, là thành viên tích cực của trên 70 tổ chức khu vực và quốc tế. Đây là sự tự hào và niềm động viên to lớn với các cán bộ trước khi lên đường làm nhiệm vụ.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: Từ một nước nghèo, Việt Nam vươn lên thành nước có thu nhập trung bình. Kinh tế vĩ mô ổn định, bảo đảm tăng trưởng, kiềm chế lạm phát. Tăng trưởng GDP ước cả năm 2024 đạt 7%, cao hơn mục tiêu Quốc hội giao (6 - 6,5%), 15/15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt và vượt, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,93%... Quốc phòng - an ninh được giữ vững. An sinh xã hội được quan tâm; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí được quan tâm, đẩy mạnh. Đặc biệt, công tác đối ngoại góp phần nâng cao vị thế, tầm vóc Việt Nam trên trường quốc tế. “Trong thành tựu chung đó, có sự đóng góp to lớn của công tác đối ngoại”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Bên cạnh những thành tựu đạt được, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, đất nước cũng đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức như: hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ; việc ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ vào sản xuất còn hạn chế…
Chủ tịch Quốc hội cho biết, Kỳ họp thứ Tám vừa qua, Quốc hội đã giải quyết khối lượng nội dung lớn về công tác lập pháp, thông qua 18 luật, trong đó có Luật Điện lực (sửa đổi), Luật Đầu tư công (sửa đổi), “một luật sửa 4 luật” về đầu tư, “một luật sửa 9 luật” về tài chính, ngân sách…, góp phần hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài trong đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Quốc hội đã quyết định nhiều vấn đề quan trọng, tạo đột phá để hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phát huy tối đa nguồn lực, kiến tạo không gian phát triển mới. Trong đó, có nhiều quyết sách mang tính lịch sử như: chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; chủ trương khởi động lại việc đầu tư dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận, đồng ý điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành...
Đặc biệt, chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam là minh chứng cho tư duy đổi mới trong phát triển hạ tầng quốc gia, góp phần tạo điều kiện thuận lợi để đất nước phát triển trong kỷ nguyên mới.
Năm 2025 là năm có ý nghĩa quan trọng, với nhiều sự kiện chính trị lớn của đất nước: kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Đảng, 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 80 năm thành lập nước; là năm tiến hành Đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng - đánh dấu thời điểm đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Nhấn mạnh bối cảnh nêu trên, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, các Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cần nắm chắc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, kịp thời thông tin tới cộng đồng người Việt Nam ở các nước, quan tâm thúc đẩy việc triển khai thực hiện, sớm đưa các nghị quyết của Trung ương, các luật, nghị quyết Quốc hội vừa thông qua đi vào cuộc sống. Trong đó có các chính sách, pháp luật mới liên quan đến quyền lợi của bà con, như chính sách miễn thị thực, Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023, Luật Căn cước năm 2023… Theo Luật Căn cước năm 2023, mọi công dân Việt Nam đều được cấp căn cước, không phân biệt là người đó sinh sống trong nước Việt Nam hay định cư ở nước ngoài. Luật Đất đai (sửa đổi) cũng quy định rõ, người Việt Nam định cư nước ngoài đã được mở rộng quyền sử dụng đất, quy định chính sách đất đai đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam giống như cá nhân trong nước.
Đầu năm 2025, Quốc hội Việt Nam sẽ tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành APF và Diễn đàn nghị viện về hợp tác Pháp ngữ về Nông nghiệp bền vững, An ninh lương thực và Ứng phó với biến đổi khí hậu tại thành phố Cần Thơ. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài quan tâm, phối hợp thực hiện để tổ chức thành công các sự kiện đối ngoại đa phương này.
Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến nhất trí với chủ trương và nội dung sửa đổi, bổ sung Nghị định 08/2019/NĐ-CP ngày 23.1.2019 quy định một số chế độ đối với thành viên cơ quan Việt Nam ở nước ngoài để bảo đảm chế độ đãi ngộ tốt hơn đối với các thành viên cơ quan Việt Nam ở nước ngoài; đề nghị Bộ Ngoại giao sớm triển khai thực hiện các quy định mới này, kịp thời động viên, khuyến khích cán bộ ngoại giao, các thành viên cơ quan Việt Nam ở các nước trong thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Nhấn mạnh vai trò, nhiệm vụ vẻ vang của các Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, như khẳng định của Tổng Bí thư Tô Lâm là “đem chuông đi đấu nước người”, đại diện cho đất nước, dân tộc, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị các Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện quan tâm, chăm lo cho công tác chính trị - tư tưởng, công tác xây dựng Đảng trong nội bộ các cơ quan Đại sứ quán ở nước ngoài.
Nhân dịp chuẩn bị bước sang năm mới 2025 và đón Tết cổ truyền Ất Tỵ của dân tộc, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thân thiết gửi tới cán bộ, lãnh đạo Bộ Ngoại giao và các Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài lời chúc mừng năm mới với nhiều niềm vui mới, mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân tin tưởng giao phó.