Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thanh Hải cho biết, công tác kiểm tra, giám sát là chức năng, nhiệm vụ thường xuyên, thiết yếu của công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Việc tăng cường vai trò của công tác giám sát, góp phần đáp ứng ngày một tốt hơn, hiệu quả hơn nhiệm vụ xây dựng một nền tư pháp hiện đại, công bằng, liêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, là chỗ dựa của nhân dân trong việc bảo vệ công lý, quyền con người, quyền công dân.
Tại hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ, thảo luận Báo cáo “Nghiên cứu về cơ chế giám sát nhằm đảm bảo tuân thủ liêm chính tư pháp – Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam”. Theo đó, trên cơ sở tìm hiểu kinh nghiệm quốc tế về cơ chế giám sát nhằm đảm bảo tuân thủ liêm chính tư pháp đối với các chức danh tư pháp, Báo cáo đã đưa ra một số kiến nghị chính sách và khung pháp luật về cơ chế giám sát nhằm đảm bảo tuân thủ liêm chính tư pháp đối với các chức danh tư pháp như nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015; Luật Luật sư, Luật Mặt trận Tổ quốc…
Các văn bản này cần hoàn thiện theo hướng tăng cường giám sát việc chấp hành pháp luật của các chức danh tư pháp; nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động luật sư, quy định chặt chẽ tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề luật sư, phạm vi hành nghề luật sư; tăng cường năng lực giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc đối với các hoạt động tố tụng, các hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo trong quá trình giải quyết vụ án, vụ việc và hoàn thiện cơ chế phối hợp đồng bộ giữa Mặt trận Tổ quốc với các tổ chức thành viên trong hoạt động giám sát các chức danh tư pháp, góp phần bảo đảm tính liêm chính trong hoạt động tư pháp…