Đây là chia sẻ của GS.TS. Thái Đông Soán, Trường Đại học Quốc gia Trung Hưng, Đài Loan tại tọa đàm "Cơ hội, tiềm năng của ngành nông nghiệp Việt Nam và khả năng hợp tác Việt Nam - Đài Loan (Trung Quốc) do Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổ chức ngày 17.7.
Sức cạnh tranh còn hạn chế
Tại tọa đàm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, những năm gần đây, ngành nông nghiệp Việt Nam tiếp tục phát triển cả về quy mô và trình độ sản xuất, duy trì tăng trưởng ở mức khá cao, khẳng định vị thế quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, nông nghiệp Việt Nam phát triển còn thiếu bền vững, tốc độ tăng trưởng có xu hướng giảm, tổ chức sản xuất kinh doanh chủ yếu vẫn dựa vào nông hộ nhỏ, thiếu liên kết. Chất lượng, hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã chưa cao. Việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực trong nông nghiệp còn hạn chế, chưa trở thành động lực chính để tạo đột phá phát triển. Nhiều loại giống cây trồng, vật nuôi, vật tư nông nghiệp phụ thuộc vào nhập khẩu.
Thu hút đầu tư cho phát triển nông nghiệp, dịch vụ ở nông thôn gặp nhiều khó khăn. Số lượng doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn còn thấp, chiếm khoảng 1,3% tổng số doanh nghiệp, trong đó đa số là doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa, hạn chế về nhân lực, tài chính, khoa học công nghệ, khả năng phát triển thị trường và vùng nguyên liệu.
Thống kê cũng cho thấy có đến 70 - 85% nông sản của Việt Nam xuất khẩu dưới dạng thô hoặc với hàm lượng chế biến thấp. Tình trạng được mùa mất giá vẫn diễn ra phổ biến, sản xuất manh mún, chất lượng của hàng nông sản chưa đồng đều. Công nghệ chế biến lạc hậu, không đồng bộ, mẫu mã chưa hấp dẫn, giá thành sản xuất cao. Điều này dẫn đến sản phẩm nông nghiệp cạnh tranh kém và bị ép giá trên thị trường quốc tế.
Trong bối cảnh nhiều cơ hội nhưng cũng đầy thách thức do sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, phải thay đổi tư duy, chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Tăng trưởng trong tương lai phải dựa vào hiệu quả trên cơ sở giống mới chất lượng hơn, chuyển sang hữu cơ, sản phẩm sạch. Đồng thời, cơ cấu sản xuất và cách thức tổ chức chuỗi cung ứng cũng cần thay đổi để đáp ứng các tiêu chuẩn xanh, bền vững, cuối cùng là nâng cao giá trị kinh tế trên một diện tích đất sử dụng.
Hạn chế lạm dụng phân bón
Chia sẻ kinh nghiệm phát triển nông nghiệp, các chuyên gia của Đài Loan (Trung Quốc) cho biết, cách đây 30 năm, nông nghiệp Đài Loan cũng giống Việt Nam - nông dân trồng tự phát, cảm thấy cây gì có giá trị cao thì trồng. Những năm gần đây, chính quyền đã dựa trên các điều kiện khí hậu, vị trí địa lý và thổ nhưỡng của từng vùng miền để quy hoạch thành các vùng trồng cây ăn quả, rau màu khác nhau. Như vậy sẽ phát huy được điểm mạnh, lợi thế của từng địa phương.
Ngoài ra, Đài Loan (Trung Quốc) tổ chức các lớp đào tạo, nâng cao kiến thức cho nông dân với sự song hành của chính quyền và các hợp tác xã, giúp mỗi nông dân có thể trở thành một chuyên gia về nông nghiệp. Khi người nông dân có kiến thức về nông nghiệp, họ sẽ nhận thức được việc không lạm dụng thuốc trừ sâu và không lãng phí phân bón.
Theo GS.TS. Thái Đông Soán, kinh nghiệm làm nông nghiệp của Đài Loan (Trung Quốc) là hạn chế lạm dụng phân bón để tránh ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. Các sản phẩm khi thu hoạch tuyệt đối không được vượt quá hàm lượng thuốc trừ sâu cho phép, như vậy mới được người tiêu dùng chấp nhận và thu hút được các nhà đầu tư phát triển phụ trợ nông nghiệp. Nhiều vùng làm nông nghiệp ở Đài Loan để một số loại cỏ phát triển tự nhiên bởi chúng không hại đất, không hại cây trồng mà còn hỗ trợ dinh dưỡng cho đất.
GS.TS. Thái Đông Soán cho rằng, Việt Nam nên phát triển nông nghiệp an toàn, bởi hướng đi này không những hỗ trợ vấn đề tiêu thụ quốc tế mà còn bảo vệ môi trường sinh thái trong nước. Để nâng cao giá trị nông sản, phải bắt đầu từ việc chọn giống cây trồng, không nên quá ưu tiên giống cây chỉ cho năng suất cao mà cần ưu tiên các giống cây cho ra sản phẩm chất lượng tốt hơn, đem lại giá trị kinh tế cao hơn.