Phải nhìn nhận công bằng đóng góp khoa học xã hội nhân văn
Ngay sau khi nhận được gợi ý của Thủ tướng, đại diện các bộ, ngành, địa phương, nhà khoa học đã thẳng thắn nêu những điểm còn khó khăn để cùng nhau tìm giải pháp tháo gỡ, để khoa học và công nghệ (KHCN) thực sự trở thành động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội. Theo Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, GS.TS. Tạ Ngọc Tấn: Sau 30 năm đổi mới, tình hình đất nước có nhiều biến đổi sâu sắc. Với những thành tựu to lớn và rất quan trọng, đất nước đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế, bước vào thời kỳ phát triển mới - thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH, thế và lực của Việt Nam lớn mạnh lên nhiều, mở ra nhưng cơ hội mới cho sự nghiệp phát triển của đất nước. Những đổi thay trên đang đặt ra hàng loạt vấn đề mới, bức xúc, đòi hỏi khoa học xã hội và nhân văn phải đi sâu nghiên cứu, lý giải có căn cứ khoa học nhằm góp phần phục vụ có hiệu quả sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
![]() Bộ trưởng Bộ KH - CN Chu Ngọc Anh thăm Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường 3 TP Hồ Chí Minh |
Ảnh: Chí Tuấn |
Tuy nhiên, theo GS.TS. Tạ Ngọc Tấn, vị thế và chức năng khoa học xã hội Việt Nam chưa được nhìn nhận một cách hợp lý. Trong con mắt của một số nhà lãnh đạo, kể cả một số nhà lãnh đạo khoa học, nói đến khoa học người ta thường quên mất khoa học xã hội và nhân văn. Ở không ít các dự án KT - XH, khoa học xã hội và nhân văn chỉ được tính đến khi các vấn đề xã hội, văn hóa, đạo đức, môi trường... đã trở nên bức xúc. Nhưng đó vẫn chưa là vấn đề lớn, khó khăn lớn nhất lại là vấn đề về thủ tục tài chính với những quy định không phù hợp thực tế, làm cho các nhà khoa học rất mệt mỏi khi làm thủ tục thanh toán. GS.TS. Tạ Ngọc Tấn cho rằng, đã đến lúc cần phải đổi mới cơ chế quản lý, phải nhìn nhận vị trí, vai trò khoa học xã hội nhân văn, đồng thời xây dựng một môi trường khoa học lành mạnh, thông thoáng, trong đó các nhà khoa học được phát huy tất cả tài năng, trí tuệ của mình, được tự do sáng tạo.
Đồng quan điểm, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Bế Xuân Trường chia sẻ: Chủ trương của Đảng và Nhà nước lấy KHCN làm động lực phát triển, là then chốt đã được khẳng định từ Đại hội lần thứ IV và đến nay vẫn là hướng đi đúng đắn, thế nhưng việc triển khai lại chưa mang lại kết quả như mong muốn. Do đó, cần có cơ chế về tài chính làm động lực, khuyến khích và thu hút người tài về KHCN. Đào tạo ra những chuyên gia giỏi tập trung vào những lĩnh vực mà KT - XH đang cần thay vì dàn trải. Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường đề xuất: Thời gian tới đối với đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, ngành KHCN nên tập trung vào những mũi nhọn, khu vực có dư địa phát triển với tác dụng lan tỏa nhanh, kết quả tức thì như nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ…
Là ngành đối mặt với nhiều áp lực khi Việt Nam tham gia một loạt các Hiệp định thương mại tự do (FTA), Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng, chúng ta sẽ đối mặt với áp lực cạnh tranh rất lớn khi gia nhập các FTA với những hàng rào, tiêu chuẩn kỹ thuật cao. Do đó, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh kiến nghị ngành KHCN quan tâm vấn đề này để nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam, đồng thời bảo vệ sản xuất trong nước.
Phải tách hoạt động khoa học ra khỏi hoạt động hành chính
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những kết quả ngành KHCN đã đạt được, đặc biệt là những thành tựu phát triển KT - XH thời gian qua có đóng góp quan trọng của KHCN. Cụ thể, xếp hạng về kinh tế của Việt Nam đứng trên 100 nhưng xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu đứng thứ 59. Trong đó, các nhóm chỉ tiêu đầu ra liên quan trực tiếp đến KHCN xếp dưới 50.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ rõ năng lực cạnh tranh của Việt Nam vẫn xếp thứ 56, chỉ số sẵn sàng công nghệ đứng thứ 92/140 quốc gia và vùng lãnh thổ. “Điều này không phải do các nhà khoa học gây ra mà do cơ chế của Nhà nước”.
Chính vì vậy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, muốn phát triển KHCN thành công thì phải có 6 yếu tố là: Thể chế, cơ chế, môi trường; con người; nguồn lực; cơ sở hạ tầng; năng lực hội nhập; năng lực kiến tạo quản trị của Nhà nước cho KHCN. “Phải tách hoạt động khoa học ra khỏi hoạt động hành chính, tránh tình trạng hành chính hóa nghiên cứu khoa học. Nếu các nhà khoa học suốt ngày lo nghĩ thủ tục hành chính thì rơi rụng về am hiểu chuyên môn trong khi am hiểu về thủ tục hành chính lại tăng lên. Hãy làm quen với tư duy quản lý khoa học chỉ dựa vào kết quả chứ không nên dựa vào quá trình. Đừng để các nhà khoa học phải lo mua hóa đơn vất vả”.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu nghiên cứu KHCN phải gắn với thị trường trên cơ sở hiểu thị trường đang cần gì, sẽ cần gì để đưa ra hướng đi phù hợp nhất. Chất lượng, giá trị đem lại của sản phẩm công nghệ phải thực sự do thị trường đánh giá, quyết định. Cân nhắc hình thành một chợ giao dịch về công nghệ để ở đó, nhu cầu công nghệ và sản phẩm công nghệ có thể giao thoa với nhau.
Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập phải bảo đảm năng lực thực thi pháp luật trong việc bảo vệ quyền tài sản, quyền sở hữu trí tuệ, nếu không chúng ta khó có thể phát huy nội lực và tranh thủ ngoại lực. Không có tập đoàn quốc tế nào muốn đặt trung tâm nghiên cứu và thiết kế ở Việt Nam nếu họ e ngại về quyền sở hữu trí tuệ. Trước cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đòi hỏi Việt Nam phải đổi mới, kiến tạo nền hành chính để phát huy vai trò của KHCN, nhất là con người và thể chế. Tinh thần chung là khai phóng mọi nguồn nhân lực sáng tạo để đưa đất nước tiến lên vững vàng. Việc tháo gỡ thể chế nào kìm hãm sự phát triển của KHCN thì chính Bộ Khoa học và Công nghệ phải đề xuất lên Trung ương Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
10 nhiệm vụ trọng tâm ngành KHCN: Hoàn thiện chính sách pháp luật để thúc đẩy KHCN phát triển; Tập trung triển khai có hiệu quả Chiến lược phát triển KHCN giai đoạn 2011 - 2020 và Đề án tái cơ cấu ngành KHCN đến năm 2020, tầm nhìn 2030 gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng; Tăng cường ứng dụng tiến bộ KHCN vào việc nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm theo chuỗi giá trị, hỗ trợ DN xây dựng thương hiệu nông sản; Tập trung triển khai các nhiệm vụ KHCN trong lĩnh vực quốc phòng - an ninh; Xây dựng và triển khai các cơ chế, chính sách phù hợp để khuyến khích DN đầu tư nghiên cứu phát triển, ứng dụng tiến bộ KHCN; Triển khai các giải pháp để nâng cao năng lực hấp thụ và đổi mới công nghệ của DN trong nước, thúc đẩy chuyển giao công nghệ; Phát triển DN KHCN thông qua thúc đẩy phát triển các cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo DN KHCN; Nghiên cứu các cơ hội, thách thức và đề xuất các giải pháp để tận dụng tối đa cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; Nâng cao hiệu quả hoạt động sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn đo lường chất lượng; Tăng cường hợp tác và hội nhập quốc tế về KHCN… |