
Tham dự sự kiện có: Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH và CN) Nguyễn Mạnh Hùng; Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương và đại diện Liên Hợp Quốc tại Việt Nam.

Đón nhận một văn hóa nơi đổi mới và sáng tạo trở thành lối sống
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Hoàng Minh cho biết: Ngày 21 tháng 4 hằng năm được Liên Hợp Quốc (UN) chọn làm Ngày Sáng tạo và Đổi mới sáng tạo thế giới (The World Creativity and Innovation Day) nhằm nâng cao nhận thức về vai trò của sáng tạo và đổi mới sáng tạo trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng xã hội bền vững và thúc đẩy sự phát triển mọi mặt của con người.

Phát biểu tại buổi lễ, Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam Pauline Tamesis cho biết: Chủ đề toàn cầu năm nay “Đổi mới - Chính phủ Hỗ trợ - Doanh nghiệp Dẫn đầu - Tổ chức Sáng tạo - Sự tham gia của Công chúng” phản ánh tầm nhìn quốc gia táo bạo của Việt Nam. Trong đó, với Nghị quyết 57, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo đã được coi là ưu tiên chiến lược hàng đầu của Việt Nam trên con đường đạt được thu nhập cao vào năm 2045. Đây là một tín hiệu mạnh mẽ - được hỗ trợ bởi cam kết dành 3% ngân sách quốc gia cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Nền kinh tế số của Việt Nam hiện chiếm 18,3% GDP, tăng trưởng nhanh hơn bất kỳ quốc gia nào khác ở Đông Nam Á. Gần như tất cả công dân đều được phủ sóng băng thông rộng, và 5G đang phát triển nhanh chóng.
Tuy nhiên, theo bà Pauline Tamesis, trí tuệ nhân tạo (AI) đang dần định hình lại các nền kinh tế và xã hội. Ở Việt Nam, 54% các cơ quan hành chính đã sử dụng AI, nhưng chỉ có 20% có hướng dẫn đạo đức trong việc sử dụng… Vì vậy, hôm nay, chúng ta hãy nỗ lực đổi mới một cách táo bạo - nhưng có trách nhiệm; Kết nối con người - không chỉ thiết bị; bảo đảm rằng tương lai số không chỉ nhanh và thông minh - mà còn công bằng và dành cho tất cả mọi người.
Hơn nữa, hãy cùng nhau đón nhận một văn hóa nơi đổi mới và sáng tạo trở thành lối sống của các cá nhân và tổ chức. Điều này có nghĩa là tạo ra môi trường nơi các ý tưởng mới được khuyến khích, sự sáng tạo được tôn vinh, và tư duy đổi mới được tích hợp vào các thực hành hàng ngày. Bằng cách làm như vậy, chúng ta có thể đảm bảo rằng tinh thần đổi mới thấm nhuần mọi khía cạnh của cuộc sống, thúc đẩy tiến bộ và làm phong phú cộng đồng của chúng ta…
Trong bối cảnh cả nước đang tập trung, quyết liệt triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số (KHCN, ĐMST và CĐS) quốc gia, để phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học và nhân dân trong việc thúc đầy hoạt động ĐMST phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, việc tổ chức Lễ hưởng ứng Ngày Sáng tạo và Đổi mới sáng tạo thế giới có ý nghĩa lớn.

Năm 2025 là năm thứ tư Bộ KH và CN tổ chức Lễ hướng ứng Ngày Sáng tạo và Đổi mới sáng tạo thế giới, với mục tiêu: Tuyên truyền, phổ biến trong cộng đồng và toàn xã hội cùng chung tay thúc đầy hoạt động ĐMST; tạo dựng văn hoá ĐMST trong toàn xã hội; nâng cao nhận thức về vai trò của KHCN, ĐMST và CĐS trong phát triển kinh tế - xã hội bền vững và thúc đẩy sự phát triển mọi mặt của con người; thúc đẩy phát triển KHCN, ĐMST và CĐS, để KH và CN trở thành lực kéo của nền kinh tế, ĐMST là động lực chính của tăng trưởng, CĐS là công cụ chiến lược nâng cao năng lực ĐMST quốc gia; thúc đẩy phát triển hệ thống ĐMST quốc gia, tăng cường kết nối giữa khu vực doanh nghiệp - nhà nước - viện/trường - startup - nhà đầu tư - cộng đồng với vai trò của các nền tảng số kết nối cung - cầu công nghệ, chuyên gia - ý tưởng.
Chủ đề hưởng ứng Ngày Sáng tạo và Đổi mới sáng tạo thế giới năm 2025: "Đồi mới sáng tạo - Nghĩ khác, Làm khác để tốt hơn", "Đổi mới sáng tạo - Doanh nghiệp tiên phong - Quốc gia thịnh vượng", "Đổi mới sáng tạo toàn dân - Chuyển đổi số toàn diện - Vì cuộc sống tốt đẹp hơn".
Trong khuôn khổ buổi Lễ, các câu chuyện về đối mới sáng tạo sẽ được chia sẻ đến từ đại diện các doanh nghiệp và thông qua phóng sự về đối mới sáng tạo; các cơ quan, đơn vị sẽ phát động chuỗi các nhiệm vụ, hoạt động cần triển khai trong thời gian tới nhằm thúc đấy mạnh mẽ ĐMST trong mọi cơ quan, tổ chức và nhân dân.

Mỗi người dân một ý tưởng cải tiến, mỗi cán bộ công viên chức đổi mới từ việc nhỏ nhất
Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Năm 2017, Liên Hợp Quốc (LHQ) chọn ngày 21.4 là Ngày Creativity and Innovation - Ngày Sáng tạo và Đổi mới, nhằm nâng cao nhận thức về vai trò của sáng tạo và đổi mới trong việc giải quyết các vấn đề phát triển bền vững và thúc đẩy tăng trưởng toàn diện ở mọi quốc gia, mọi tầng lớp xã hội.
Với Việt Nam, "Ngày Sáng tạo và Đổi mới sáng tạo thế giới" không chỉ là ngày của nhà khoa học hay doanh nghiệp công nghệ, mà là ngày để tôn vinh tư duy sáng tạo của mọi người trong mọi ngành, mọi lĩnh vực (nông dân cải tiến máy móc nông nghiệp, học sinh tạo ra sản phẩm học tập), khuyến khích tinh thần "dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới" trong toàn xã hội, kết nối sáng tạo và đổi mới với phát triển bền vững.
Các nghiên cứu quốc tế đã chỉ ra, ĐMST là chìa khoá để các nước đang phát triển thoát bẫy thu nhập trung bình. ĐMST là cửa ngách mang tính chiến lược để các nước đang phát triển rút ngắn khoảng cách, tối ưu các nguồn lực hạn chế, và tạo ra giá trị thực tiễn từ những gì sẵn có để phát triển nhanh.

“Chúng ta cần tạo ra một hệ sinh thái ĐMST mà ở đó, doanh nghiệp có thể cải tiến sản phẩm phù hợp với thị trường trong nước, người dân có thể sáng tạo trong điều kiện thực tế của mình, nhà nước hỗ trợ môi trường, thể chế và động lực để đổi mới sáng tạo không bị cản trở, mà được khơi thông và lan toả. Văn hoá đổi mới là văn hoá không ngừng học hỏi, thử nghiệm, cải tiến và thích ứng.” Bộ trưởng Bộ KH và CN nhấn mạnh.
Bộ Chính trị đã giao Bộ KH và CN viết đề án Quốc gia khởi nghiệp, nội dung chính của nó là hình thành tinh thần ĐMST trong toàn dân, đưa ĐMST trở thành lối sống, phong cách sống của mọi người dân, mọi tổ chức. Xây dựng văn hoá ĐMST, khuyến khích khám phá, khoan dung thất bại.
Muốn sáng tạo và đổi mới có thể trở thành toàn dân thì phải CĐS toàn diện, số hoá toàn bộ thế giới thực, đưa mọi hoạt động lên môi trường số. Môi trường số là môi trường lý tưởng cho mọi ý tưởng có thể hiện thực hoá nhanh nhất, vì nó phi vật lý, phi khoảng cách và phi tiếp xúc. ĐMST Việt Nam phải đặt trong ngữ cảnh CĐS quốc gia.

Ngày 21.4 vừa là Ngày Sáng tạo và Đổi mới toàn cầu vừa cũng là Ngày Văn hoá ĐMST Việt Nam. Việt Nam không chỉ phát triển KHCN, mà còn nuôi dưỡng một nền văn hoá ĐMST toàn dân. Khơi dậy tinh thần sáng tạo toàn dân trong kỷ nguyên số, mở rộng ĐMST ra ngoài phòng thí nghiệm tới doanh nghiệp, trường học, công sở, cộng đồng và địa phương. Mỗi năm đến dịp này, chúng ta sẽ tổ chức Tuần lễ ĐMST, phát động phong trào "Mỗi người dân một ý tưởng cải tiến, mỗi cán bộ công viên chức đổi mới từ việc nhỏ nhất". Xây dựng văn hoá ĐMST toàn dân sẽ là cốt lõi tạo nên thành công của công cuộc đột phá phát triển.