Khắc phục bất cập, tháo gỡ vướng mắc
Theo Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) của Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách, bên cạnh các kết quả đạt được, các quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp qua thời gian dài thực hiện đã bộc lộ những hạn chế, nhiều quy định đã bất cập so với thực tiễn, cần phải được sửa đổi, bổ sung để tháo gỡ các vướng mắc cho khu vực doanh nghiệp như: quy định liên quan đến thu nhập miễn thuế, thu nhập chịu thuế, nguyên tắc xác định các khoản chi phí được trừ và không được trừ…
Đặc biệt, trong bối cảnh phát triển nhanh của nền kinh tế trong nước cũng như khu vực và thế giới, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành đã bộc lộ những bất cập về chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư đối với các loại hình kinh doanh mới và xu thế phát triển. Tác động của chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với phân bổ nguồn lực và thu hút đầu tư có chọn lọc gắn với quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng thời gian qua còn tương đối hạn chế. Các vấn đề thuế mới phát sinh trên thế giới như quy định về thuế tối thiểu toàn cầu đã ảnh hưởng tới hiệu quả của các chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các nhà đầu tư có quy mô toàn cầu, vấn đề về đánh thuế đối với thương mại điện tử chưa được điều chỉnh trong luật... Đây là những vấn đề đặt ra yêu cầu cần xem xét sửa đổi Luật hiện hành để phù hợp với bối cảnh và xu hướng cải cách thuế trên thế giới.
Vì vậy, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp nhằm khắc phục các vướng mắc, bất cập của Luật hiện hành để phù hợp với quá trình phát triển của nền kinh tế trong nước và thế giới.
Trong đó, cần tập trung giải quyết một số mục tiêu lớn của việc sửa đổi lần này là: khắc phục, tháo gỡ các bất cập, vướng mắc cho khu vực doanh nghiệp để tạo môi trường thuận lợi cho người nộp thuế tuân thủ pháp luật về thuế; giải quyết các hạn chế, bất cập về ưu đãi thuế như đã được đánh giá để thể chế hoá các chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước và khuyến khích, cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước, chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, thu hút các nhà đầu tư quốc tế phù hợp với xu hướng quốc tế.
Ngoài ra, việc sửa đổi Luật lần này cần hướng tới mục tiêu tạo ra môi trường pháp lý thống nhất và ổn định, các ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đang được quy định ở các luật khác nhau cần được quy định thống nhất tại Luật này để bảo đảm tính nhất quán và rõ ràng, thuận lợi trong thực hiện.
Tính toán thận trọng, chặt chẽ
Nhất trí với Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng, nội dung chính sách mới trong dự thảo Luật không thật sự đáng kể. Cụ thể, nhiều nội dung sửa đổi được luật hoá từ các quy định của văn bản dưới luật; các chính sách ưu đãi thuế đang kế thừa về cơ bản các quy định hiện hành của các văn bản pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp và một số luật chuyên ngành; một số nội dung quy định chưa đầy đủ và vẫn đang có những khoảng trống về pháp luật; các nội dung liên quan đến việc áp dụng thuế Tối thiểu toàn cầu chưa được đưa vào dự thảo Luật mà sẽ tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết số 107/2023/QH15...
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu quan điểm, không thể sửa đổi Luật mà vẫn còn khoảng trống, nhất là các nội dung liên quan đến thuế tối thiểu toàn cầu. Phó Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ rõ, dự thảo Luật chưa giải quyết được những hạn chế hiện nay của chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, thu hút đầu tư có chọn lọc để đạt được các mục tiêu đề ra và chưa có những bước đi thật rõ ràng về chính sách ưu đãi thuế trong bối cảnh mới, ví dụ như là hậu thuế tối thiểu toàn cầu.
"Đối với những vấn đề cần thiết nhưng không đủ chín, không đủ rõ, chưa được thực tiễn kiểm nghiệm, đánh giá chưa hết thực tiễn và còn có ý kiến khác nhau thì ta cứ bình tĩnh, làm chậm rãi nhưng hiệu quả”. Nhấn mạnh tinh thần này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đồng tình với đề xuất của Ủy ban Tài chính - Ngân sách nên lùi thời điểm sửa đổi luật này để có những sửa đổi toàn diện hơn trên cơ sở đánh giá tổng thể các sắc thuế, phát hiện, chỉ ra các bất cập và từ đó sửa tổng thể, sắc thuế nào thì quy định vấn đề gì cho cụ thể.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng nhận thấy, có rất nhiều quy định trong dự thảo Luật được luật hóa từ các nghị định và thông tư hiện hành liên quan đến quy định về thuế thu nhập doanh nghiệp. “Khi chúng ta luật hóa vào trong dự thảo Luật này có những quy định sẽ rất sớm lỗi thời hoặc là vừa thừa, vừa thiếu”. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nêu ví dụ, đối với quy định về người nộp thuế, điểm a, khoản 1, Điều 2 của dự thảo Luật quy định cụ thể về doanh nghiệp được thành lập theo quy định của luật Việt Nam, trên cơ sở luật hóa những quy định có liên quan của Nghị định 218 của Chính phủ năm 2013, trong đó liệt kê rất nhiều luật. Cách quy định như vậy “vừa thiếu vì không thể nào liệt kê đủ hết được, vừa thừa bởi vì trùng lặp”. Đối với những nội dung như vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị cân nhắc hết sức kỹ lưỡng có luật hóa hay không; mục đích luật hóa như thế này để làm gì?
Đối với việc luật hóa nội dung quy định tại Nghị quyết số 107/2023/QH15 về áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, theo Tờ trình của Chính phủ, qua nghiên cứu, rà soát cho thấy mặc dù Nghị quyết số 107/2023/QH15 có hiệu lực từ kỳ tính thuế năm 2024 song việc kê khai, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung có thời hạn từ 12 - 18 tháng sau khi kết thúc năm tài chính 2024. Theo đó, trên thực tế, tới năm 2026 doanh nghiệp mới đến thời hạn áp dụng quy định tại Nghị quyết số 107/2023/QH15 và chưa thể đánh giá được hiệu quả và những vấn đề phát sinh trong thực tiễn thực hiện. Do vậy, tại dự thảo Luật chưa bổ sung nội dung luật hóa các quy định tại Nghị quyết số 107/2023/QH15 nêu trên để đảm bảo nguyên tắc, quan điểm xây dựng Luật là “Luật hoá những vấn đề đã rõ, đã được thực tế kiểm nghiệm là phù hợp, bao gồm cả những nội dung đã được thực hiện ổn định tại các văn bản dưới Luật”.
Quan tâm đến vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, ngoài hai nội dung hiện nay đang được điều chỉnh trong Nghị quyết số 107/2023/QH15 thì còn hai nội dung theo thuế tối thiểu toàn cầu chưa giải quyết, đó là liên quan đến quy định lợi nhuận chịu thuế dưới mức tối thiểu và quy định thuế khấu trừ tại nguồn tối thiểu. "Vậy, sẽ xử lý vấn đề này như thế nào để đảm bảo các quy định về thuế tối thiểu toàn cầu được thực hiện một cách đồng bộ, thống nhất và cũng không bị ảnh hưởng đến việc thu thuế do chưa quy định hai nội dung này?". Đặt câu hỏi này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ báo cáo, giải trình làm rõ thêm để có cơ sở báo cáo với Quốc hội.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị, việc luật hóa các quy định dưới luật cần phải được cân nhắc, tính toán một cách thận trọng, chặt chẽ, cân đối. Dự thảo Luật chỉ quy định các vấn đề thuộc thẩm quyền Quốc hội; chỉ luật hóa các vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội; không đưa vào luật các vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ, của các bộ và cơ quan không phải là Quốc hội. Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, các vấn đề tuy thuộc thẩm quyền của Quốc hội nhưng chưa ổn định thì Quốc hội giao cho Chính phủ quy định.