Chèo 48h được nhóm học sinh, sinh viên National Cheo Ographics phát triển từ ý tưởng giành giải nhất cuộc thi Ý tưởng Tôi 20 do Tôi 20 - The twenties tổ chức. Theo cuộc khảo sát của National Cheo Ographics với đối tượng là học sinh, sinh viên, 89% cho rằng giáo dục văn hóa nghệ thuật dân gian, sân khấu dân gian tại Việt Nam chưa phát triển; 11% muốn tìm hiểu, học thêm về chèo dân gian nhưng không biết tìm hiểu ở đâu... Trước thực trạng đó, National Cheo Ographics đã triển khai dự án Chèo 48h, dành tặng những bạn trẻ yêu chèo, yêu nghệ thuật và cả các bạn... không biết gì về chèo, nhằm cung cấp thông tin về chèo, tạo cơ hội khám phá và trải nghiệm chèo, từ đó có các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị loại hình sân khấu dân gian này. Học viên được trực tiếp tham gia trích đoạn Xã trưởng, Mẹ Đốp trong vở chèo dân gian Quan Âm Thị Kính, khám phá những chuyện đằng sau sân khấu chèo, ghé thăm cái nôi của chèo... Cố vấn dự án - nhà nghiên cứu dân tộc nhạc học Khương Cường (Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy âm nhạc dân tộc Việt Nam) đánh giá cao dự án của National Cheo Ographics, vì các bạn trẻ đã biến mong muốn tìm hiểu chèo thành một dự án, thành lớp học chèo cho học sinh, sinh viên, giúp người trẻ quay về với những giá trị văn hóa truyền thống.
Nguồn: cheo48h |
Khó khăn nhất của dự án là vấn đề truyền thông, nhưng buổi học đầu tiên đã thu hút khoảng 30 bạn trẻ từ 14 - 23 tuổi, là học sinh, sinh viên tại Hà Nội tham gia. Mỗi người đến với chương trình vì lý do, động lực khác nhau. Nguyễn Ngọc Minh, 14 tuổi, học viên nhỏ tuổi nhất cho biết: Em chưa từng biết và tìm hiểu về chèo. Do vậy, khi nghe tin về Chèo 48h, mẹ em đã đăng ký cho em theo học.Qua buổi học đầu tiên, em biết thêm nhiều kiến thức mới về nguồn gốc của chèo, được giới thiệu các vai diễn trong chèo… Phương Thảo, 19 tuổi, tâm sự: Do chưa biết gì về chèo và vì tò mò nên em đã đăng ký tham dự. Em thấy rất thú vị vì chèo có sự kết hợp giữa hát, múa, biểu diễn… Nguyễn Ngọc Ánh - thành viên sáng lập Chèo 48h cho biết, ban tổ chức không có tham vọng quá lớn mà chỉ hy vọng sau khi tham gia dự án, các bạn trẻ sẽ có niềm đam mê, ý thức tìm hiểu về chèo, thường xuyên xem chèo và truyền niềm đam mê ấy cho những người xung quanh, từ đó có ý thức gìn giữ, phát huy giá trị của chèo nói riêng, nghệ thuật truyền thống của dân tộc nói chung. Hiện dự án cũng đã đào tạo được đội ngũ tình nguyện viên có kiến thức cơ bản về chèo, sẵn sàng phụ trợ giảng viên và giúp đỡ học viên trong các buổi học.