Thành ngữ Việt có câu: “Cháy nhà ra mặt chuột”, với hàm ý chỉ trích những kẻ xấu khi bị rơi mặt nạ. Nhưng trong đời sống hiện đại, “cháy nhà (đôi khi lại) ra mặt... người nghèo”. Vì người nghèo (ở thành phố) gần như không có lựa chọn về nhà ở, ngoài lựa chọn khả dĩ nhất là nhà ở xã hội (hoặc ở ta còn có thêm từ “nhà thu nhập thấp”). Những tòa chung cư được bán, hoặc cho thuê với giá rẻ, cũng đồng nghĩa với “tiền nào của nấy”: Được xây bằng những vật liệu rẻ tiền, được đầu tư không đồng bộ (thiếu hoặc yếu hệ thống phòng cháy chữa cháy, báo động...), khâu bảo dưỡng bảo trì bị xem nhẹ... Nói tóm lại, là những mạng người trong đó bị coi rẻ, như chính những đồng tiền ít ỏi họ đã bỏ ra để mưu cầu một chỗ chui ra chui vào nơi đất chật người đông.
Những điều đó tưởng chỉ xảy ra ở ta hay các nước nghèo, đang phát triển. Dè đâu, lại xảy ra tại Anh, lại còn ngay chính tại Thủ đô London, hôm 14.6 vừa qua. Dĩ nhiên là trong một tòa nhà ở xã hội, dành cho người nghèo. Trong đó, có người là dân tị nạn, tìm đến vùng đất mới chỉ để mong thoát ra khỏi được cuộc nội chiến ở quê nhà, không ngờ lại chết vì hỏa hoạn ở Anh. Số người chết cho đến giờ này đã được xác định vượt ngưỡng 3 con số. Trong đó, nhiều nạn nhân thậm chí còn bị cho là vĩnh viễn không có cơ hội được xác minh danh tính...
Trong đám cháy lớn vừa xảy ra tại Anh, nhiều người bố người mẹ đã chọn cách vứt con từ trên tầng cao và hét lớn: “Hãy cứu nó!”. Đó cũng là một lựa chọn. Nhưng là lựa chọn của lòng yêu thương, không liên quan đến những túi tiền, và sự vô tâm, vô cảm. |
Nguyên nhân ban đầu của vụ cháy được cho là liên quan đến lớp phủ vật liệu mới gắn bên ngoài tòa nhà trong lần tu sửa năm ngoái. Vật liệu này giá rẻ và bắt lửa mạnh nên chỉ trong 15 phút, toàn bộ tòa nhà hơn 20 tầng đã bị lửa nuốt trọn và thiêu cháy. Ở Việt Nam, không ít vụ hỏa hoạn chung cư (may sao chưa đến mức khủng khiếp như ở Anh) cũng thường xảy ra tại những chung cư giá rẻ, dành cho người thu nhập thấp. Điển hình như vụ cháy tại chung cư CT4A - Khu đô thị Xa La hồi cuối năm 2015, làm hư hại gần 300 xe máy, một số ô tô, khiến hàng trăm hộ dân phải sơ tán. Vụ việc đã khiến thành phố Hà Nội phải ra văn bản chấp thuận kiến nghị của Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy về việc không cấp phép đầu tư các dự án mới cho doanh nghiệp xây dựng tư nhân này. Không ít “cuộc chiến” giữa cư dân tòa nhà và chủ đầu tư xảy ra như cơm bữa hiện nay cũng là liên quan nhiều đến việc chủ đầu tư ép dân nhận bàn giao nhà trong khi chưa được nghiệm thu phòng cháy chữa cháy, “đánh bạc” với tính mạng của người dân.
Thế hệ 7X chúng tôi đã từng phải chứng kiến có những cuộc tình không đi được đến “chung kết”, hoặc những gia đình trẻ “xô bát xô đũa” vì giấc mơ “an cư lạc nghiệp” quá xa vời đối với những cô cậu cử nhân xuất thân từ tỉnh lẻ, muốn bám trụ lại Hà Nội. Thế hệ 8X, 9X có phần may mắn hơn khi có thể mua nhà trả góp giá rẻ để đến với nhau mạnh dạn hơn trong những ngày đầu nhen nhóm tổ ấm. Nhưng cùng đó, là nỗi bất an phải sống trong những tòa chung cư không bảo đảm về chất lượng xây dựng, nguy cơ cháy nổ...
Người nghèo thường không có nhiều lựa chọn. Vì cuộc sống thường làm khó họ. Cả lúc họ đang sống và cả lúc họ phải đứng trước lằn ranh sinh tử. Trong đám cháy lớn vừa xảy ra tại Anh, nhiều người bố, người mẹ đã chọn cách vứt con từ trên tầng cao và hét lớn: “Hãy cứu nó!”. Đó cũng là một lựa chọn. Nhưng là lựa chọn của lòng yêu thương, không liên quan đến những túi tiền, và sự vô tâm, vô cảm.