Hoạt động khuyến công ngày càng đa dạng
Trong những năm qua, chương trình khuyến công tỉnh Lâm Đồng đã hướng vào những nội dung trọng tâm, trọng điểm của hoạt động khuyến công, tập trung hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất thuộc các ngành công nghiệp chế biến nông sản chủ lực của địa phương như: Chế biến chè, cà phê, rau củ quả, ươm tơ dệt lụa... Đồng thời, hỗ trợ để phát triển sản xuất hàng công nghiệp phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu, sản xuất sản phẩm phụ tùng và sửa chữa máy móc cơ khí phục vụ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của địa phương, sản xuất vật liệu xây dựng không nung và hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất vào các khu, cụm công nghiệp của tỉnh. Hỗ trợ và tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất công nghiệp mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, đổi mới công nghệ - thiết bị, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho lao động của địa phương.

Theo Sở Công Thương Lâm Đồng, năm 2024 kế hoạch kinh phí khuyến công địa phương hơn 10 tỷ đồng. Nguồn: ITN
Giai đoạn 2012-2023, tổng kinh phí khuyến công địa phương hơn 96 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh cấp hàng năm là hơn 39 tỷ đồng (chiếm 41%), kinh phí thu hồi từ các đề án hỗ trợ có thu hồi hơn 56 tỷ đồng (59%).
Theo Sở Công Thương Lâm Đồng, năm 2024 kế hoạch kinh phí khuyến công địa phương hơn 10 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách tỉnh cấp là 3,15 tỷ đồng; kinh phí thu hồi của những năm trước là 5,93 tỷ đồng; kinh phí năm 2023 chuyển sang là 1,578 tỷ đồng. Kế hoạch hỗ trợ 6 đề án có thu hồi kinh phí 3,8 tỷ đồng, chiếm 75,8% kinh phí phân bổ đợt 1. Hỗ trợ 16 đề án không thu hồi kinh phí trên 1,2 tỷ đồng, chiếm 24,2% kinh phí phân bổ đợt 1.
Đợt 1 2024, toàn tỉnh đã phân bổ hơn 5 tỷ đồng kinh phí khuyến công trên địa bàn, trong đó hỗ trợ 3,8 tỷ đồng có thu hồi kinh phí và hơn 1,2 tỷ đồng không thu hồi kinh phí.
Cụ thể, hỗ trợ có thu hồi kinh phí cho các Đề án: Xây dựng nhà xưởng may công nghiệp, sản xuất tơ lụa tại TP. Bảo Lộc; đầu tư máy móc thiết bị sản xuất, chế biến nông sản xuất khẩu tại huyện Đức Trọng; chế biến cà phê tại huyện Lâm Hà; chế biến mắc ca tại huyện Di Linh; sản xuất, chế biến trà Ô long tại TP Bảo Lộc.
Hỗ trợ không thu hồi kinh phí gồm các Đề án: Máy móc thiết bị tiên tiến chế biến cà phê tại xã Nam Hà, xã Phú Sơn (huyện Lâm Hà); xã Hiệp Thạnh, xã Bình Thạnh (huyện Đức Trọng); chế biến mắc ca, tinh dầu dược liệu tại huyện Đam Rông; chế biến nông sản rang xay tại huyện Cát Tiên.
Có thể thấy, thời gian qua, nội dung hoạt động khuyến công ngày càng đa dạng, nhiều hoạt động mới được triển khai thực hiện, phù hợp với nhu cầu của các cơ sở sản xuất công nghiệp. Quy mô, chất lượng đề án khuyến công từng bước được nâng cao; công tác tổ chức, đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến công trên địa bàn tỉnh có kinh nghiệm khi thực hiện các đề án từ đó nâng cao chất lượng hoạt động của chương trình khuyến công.
Hỗ trợ kinh phí khuyến công có thu hồi hoàn trả theo đúng tiến độ
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được vẫn còn tồn tại những hạn chế như cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn hoạt động cầm chừng, không đầu tư mở rộng vì không có đơn hàng.

Hệ thống doanh nghiệp công nghiệp của tỉnh chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí ít doanh nghiệp (không có doanh nghiệp mới) nên khó khăn trong việc khảo sát tìm kiếm doanh nghiệp mới để hỗ trợ. Một vài cơ sở thực hiện đề án nhưng kinh phí đầu tư máy móc, thiết bị giảm, do đó giải ngân không hết kinh phí. Một vài doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, nên việc thu hồi kinh phí khuyến công hỗ trợ có thu hồi còn chậm trễ và kéo dài….
Trước thực tiễn đó, để hoàn thành kế hoạch năm 2024 và những năm tiếp theo, Sở Công Thương Lâm Đồng sẽ tập trung triển khai một số giải pháp trọng tâm như: Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tổ chức các hội nghị kết nối giao thương, kết nối cung cầu; mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm ở các thị trường tiềm năng cho các doanh nghiệp trong tỉnh...
Bên cạnh đó, Sở sẽ tiếp tục phối hợp với các cấp, các ngành, các tổ chức hiệp hội, hội ngành nghề, tổ chức đoàn thể - xã hội, các tổ chức hỗ trợ phát triển để hỗ trợ và thực hiện hoạt động khuyến công. Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách khuyến công trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Trên cơ sở đó, Sở thường xuyên tăng cường, phối hợp với các đơn vị có liên quan theo dõi, kiểm tra việc thực hiện các đề án được hỗ trợ để kịp thời tham mưu, tháo gỡ giúp doanh nghiệp hoàn thành và giải ngân kinh phí theo đúng quy định. Tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ thủ tục của đề án khuyến công theo quy định; tích cực phối hợp với các doanh nghiệp trong việc triển khai thực hiện để sớm hoàn thành các đề án khuyến công được phê duyệt...
Tổ chức nghiệm thu và thanh quyết toán kinh phí kịp thời đối với các đề án khuyến công cho các doanh nghiệp khi đã thực hiện hoàn thành. Theo dõi, đôn đốc doanh nghiệp được hỗ trợ kinh phí khuyến công có thu hồi hoàn trả theo đúng tiến độ và thời gian theo cam kết...