Kết nối cung - cầu
Theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP Hồ Chí Minh, chức năng chủ yếu ngành nông nghiệp là quản lý, giám sát và chuyển giao quy trình kỹ thuật sản xuất tạo ra sản phẩm tốt và an toàn; việc phân phối đến người tiêu dùng thì có bộ phận khác đảm trách. Trước thực tế bà con nông dân vất vả tìm đầu ra cho các sản phẩm an toàn - đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; người tiêu dùng lại phải loay hoay tìm chỗ mua sản phẩm thật sự an toàn, ngành nông nghiệp cần phải tổ chức những mô hình, làm cầu nối giữa nhà sản xuất và người mua. Chợ phiên nông sản là mô hình thí điểm mà ngành nông nghiệp thành phố tổ chức để chung tay giải quyết bớt áp lực về đầu ra cho sản phẩm an toàn, giúp người tiêu dùng nhận biết và an tâm sử dụng.
Theo đơn vị tổ chức là Trung tâm Tư vấn và hỗ trợ nông nghiệp, thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh, các mặt hàng nông sản vào chợ phiên phải có giấy xác nhận VietGAP, GlobalGAP và tham gia chuỗi thực phẩm an toàn TP Hồ Chí Minh; các sản phẩm tại chợ đều được Ban Quản lý an toàn thực phẩm thành phố kiểm tra thường xuyên.
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc phải kiểm tra tại nguồn và lấy mẫu kiểm soát tại chợ là nhằm bảo đảm tính an toàn và minh bạch. Ngay từ đầu, ban tổ chức đã xác định, các đơn vị tham gia không phải nhằm kiếm lợi trước mắt, mà để thông qua chợ phiên khẳng định với người tiêu dùng là sản phẩm sản xuất an toàn, để dần dần sản phẩm đó được lan truyền.
Được biết, chợ phiên đầu tiên được tổ chức vào tháng 8.2016 ở khuôn viên nhà hàng Đông Hồ (đường Cao Thắng, quận 10, mở cửa hàng tuần); đến tháng 10.2017, chợ phiên thứ 2 đã được khai trương tại Công viên Lê Thị Riêng (quận 10); chợ phiên thứ 3 mở ra tại Công viên Lê Văn Tám (quận 1).
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp Nguyễn Văn Đức Tiến, sau hơn 2 năm mở mô hình chợ phiên nhằm phát triển kênh sản xuất, phân phối, tiêu thụ nông sản VietGAP, GlobabGAP đến nay, đã có 10 chợ phiên nông sản an toàn tại quận 1, 2, 3, 5, 6, 10, 11 và Bình Tân, Tân Bình. Mỗi phiên có trung bình 22 đơn vị tham gia, doanh thu trung bình 195 triệu đồng/phiên, các chợ phiên được mở mỗi tuần một ngày (thứ bảy hoặc chủ nhật), từ 6 giờ - 12 giờ trưa.
![]() | |
Chợ phiên ở Công viên Lê Thị Riêng | Nguồn: ITN |
Chuyển giao theo hướng xã hội hóa
3 chợ phiên nông sản an toàn mới nhất được tổ chức tại Trung tâm Văn hóa Quận 5 (số 105 Trần Hưng Đạo), Trung tâm Văn hóa Quận 11 (Bình Thới) và Nhà Thiếu nhi Quận 3 (số 185 Cách Mạng Tháng Tám). |
Sáng kiến mở chợ phiên nông sản an toàn trong bối cảnh vệ sinh thực phẩm trở thành vấn đề bức xúc đã đáp ứng đúng nhu cầu và được đông đảo người dân ủng hộ. Nhiều quận, huyện đã chuyển nguyện vọng của người dân đến Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đề nghị tổ chức thêm chợ phiên ở các địa phương còn lại.
Tuy nhiên, theo đại diện Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp, với cách làm như hiện nay thì sẽ không thể có đủ người của các đơn vị tham gia bán ở tất cả chợ phiên. Để giải quyết vấn đề trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang trong quá trình chuyển giao dần việc tổ chức các chợ phiên thông qua xã hội hóa, sẽ có đơn vị (công ty cổ phần) đảm trách kết nối từ khâu sản xuất, vận chuyển đến hoạt động của các chợ phiên.
Theo đó, thời gian tới, sẽ khuyến khích các đơn vị, hợp tác xã tham gia chợ phiên làm cổ đông của công ty, nhằm gắn kết thành chuỗi “sản xuất, vận chuyển, phân phối”, tạo điều kiện để các công ty có thể hoạt động dễ dàng hơn. Khi đó, công ty cổ phần đứng ra tổ chức vận hành các chợ phiên một cách chuyên nghiệp theo đúng khả năng và chuyên môn. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP Hồ Chí Minh vẫn có vai trò quan trọng trong việc tư vấn, giám sát để hoạt động của chợ phiên bảo đảm đúng yêu cầu an toàn thực phẩm, minh bạch nguồn gốc.
Nếu các chợ phiên được tổ chức phủ kín trên địa bàn và hoạt động tốt, ngành nông nghiệp thành phố sẽ giải quyết được bài toán nhà sản xuất bán cho ai và người tiêu dùng mua sản phẩm bảo đảm an toàn ở đâu. Dù được tổ chức theo phương thức nào thì các đơn vị sản xuất, kinh doanh cũng cần bảo đảm an toàn chất lượng, tham khảo và thăm dò, tìm hiểu nhu cầu thị trường; đưa ra những sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn, quảng bá đến người tiêu dùng, kết nối tiêu thụ sản phẩm.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP Hồ Chí Minh, nếu có đủ nguồn lực, chợ phiên sẽ mở rộng tại 24 quận, huyện và mở ra các cửa hàng như là kho trung chuyển, kỳ vọng sẽ đạt doanh số cả nghìn tỷ đồng mỗi năm và có thể tiến đến việc xuất khẩu.