Nói đến Tây Nghệ An là nói đến địa hình phức tạp, khí hậu khắc nghiệt, nhiều thiên tai, đất đai chủ yếu là núi rừng, giao thông cách trở, đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn. Quế Phong là một trong 11 huyện miền Tây Nghệ An và là một trong 3 huyện đang thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ.
Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Nguyễn Đắc Vinh cho biết, tỉnh đang tập trung chỉ đạo cơ cấu lại nền kinh tế địa phương theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh theo 5 mũi trọng điểm và 3 vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh là Nam Thanh - Bắc Nghệ, Nam Nghệ - Bắc Hà và TP Vinh. Nhiều dự án lớn đầu tư vào sản xuất đã hình thành năng lực sản xuất mới trong các lĩnh vực điện, thép, xi măng, chế biến gỗ, thực phẩm, sữa, hoa quả, thức ăn chăn nuôi, may mặc, bia… và các khu, cụm công nghiệp, đô thị đưa giá trị sản xuất công nghiệp 3 năm 2016 - 2018 tăng bình quân 17,92%/năm. Nông nghiệp cũng có những chuyển biến tích cực với diện tích cây đặc sản tăng nhanh như cam đạt 5.900ha, cây dược liệu 500ha; có 475 trang trại chăn nuôi cho 230 nghìn tấn thịt năm 2018, trong đó có những trang trại lớn, hiện đại, được đầu tư hàng nghìn tỷ đồng.
Trong 3 năm 2016 - 2018, tỉnh đã huy động tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 180 nghìn tỷ đồng, 551 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 146 nghìn tỷ đồng, thành lập mới gần 2 vạn doanh nghiệp. Tất cả thể hiện qua chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế bình quân 3 năm đạt 8%; riêng 2018 tăng 8,77% và GRDP bình quân đầu người đạt 38 triệu đồng.
Là huyện 30a nhưng Quế Phong lại có khá nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao đang được triển khai, nhân rộng tại các xã. 721ha cây dược liệu, 304ha cây ăn quả, 210ha cây chanh leo... đem lại triển vọng gia tăng thu nhập cho bà con. Với hơn 145 nghìn hecta rừng tự nhiên và hai khu bảo tồn thiên nhiên, công tác khoanh nuôi, bảo vệ, chăm sóc và trồng rừng đạt được nhiều kết quả tích cực. Nhưng theo lời Chủ tịch UBND huyện Lê Văn Giáp, “rừng thì giàu mà dân vẫn nghèo” do mức khoán bảo vệ rừng còn thấp, mới chỉ khoảng 30% diện tích rừng được cấp bìa (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp) nên diện tích còn lại chỉ được hưởng mức khoán bảo vệ rừng khoảng 150 - 200 nghìn đồng/ha. Thế nên, 36% số hộ vẫn là hộ nghèo, số hộ cận nghèo vẫn còn cao. Mới có 30% tuyến đường giao thông huyện, 21,7% đường xã được cứng hóa, đường từ xã xuống bản chủ yếu là đường đất. 36 thôn, bản chưa có điện lưới. Trình độ dân trí còn thấp nên tệ nạn buôn bán ma túy còn tiếp diễn, cả huyện có trên 800 trường hợp nhiễm HIV, hơn 500 người nghiện.
Trong khi đó, kinh phí của 2 Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững và Xây dựng nông thôn mới còn thiếu kinh phí hoặc được cấp nhỏ giọt, mới chỉ đáp ứng khoảng 10% nhu cầu. Các dự án thành phần cũng thiếu vốn, nhất là các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo sinh kế, góp phần giảm nghèo bền vững cho người dân. Tất cả những vấn đề này cần được các cấp có thẩm quyền liên quan đến 2 Chương trình mục tiêu quốc gia sớm giải quyết.
Trong muôn vàn khó khăn, Quế Phong vẫn có những điểm sáng như các dự án đầu tư vào thủy điện hay dự án chế biến lâm sản và trồng rừng công nghệ cao với tổng mức đầu tư theo hai giai đoạn là 1.100 tỷ đồng của Công ty TNHH Lâm sản Khánh Lâm ở xã Đồng Văn mà các ĐBQH đến thăm. Từ cây lung thuộc họ tre, nhà máy chế biến ra các sản phẩm như tăm hương, mành tre, đũa, than hoạt tính, viên nén nhiên liệu xuất khẩu 100%, chế phẩm vi sinh và trồng rừng, nông nghiệp công nghệ cao và dự kiến nộp ngân sách địa phương hàng năm khoảng 20 tỷ đồng.
Trên phạm vi toàn tỉnh, để tiếp tục thu hút mạnh đầu tư từ các thành phần kinh tế trong và ngoài nước, Nghệ An mong muốn Nhà nước quan tâm hỗ trợ một số các dự án kết cấu hạ tầng cấp thiết. Đó là mở rộng, nâng cấp toàn bộ 165km tuyến quốc lộ 48 kết nối giao thương 6 huyện, thị xã, từ tại ngã ba Yên Lý, huyện Quỳnh Châu đến cửa khẩu Thông Thụ, huyện Quế Phong, cùng với Quốc lộ 7 dài 219km từ thị trấn Diễn Châu đi cửa khẩu Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn, lối ra biển của các huyện Tây Nghệ An. Kế đó cần xây dựng sớm cửa khẩu Thanh Thủy để đón đầu dự án đường cao tốc nối Hà Nội với Vientiane (Lào) dài khoảng 725km đi qua cửa khẩu này.
Tỉnh cũng mong muốn đầu tư xây dựng nâng cấp cảng Cửa Lò thành cảng biển quốc tế và cảng chuyên dùng Đông Hồi thành cảng tổng hợp, nằm trong quy hoạch nhóm cảng biển số 2, nếu được đầu tư, chủ yếu là xây dựng đê chắn sóng và nạo vét luồng tàu có thể tiếp nhận các tàu có trọng tải từ 30.000 - 50.000 DWT, phục vụ cho các nhà máy nhiệt điện, thép, vật liệu xây dựng, gỗ và nông sản chế biến lân cận và công nghiệp ô tô trong tuơng lai. Sân bay Vinh, là một trong những sân bay có mức tăng trưởng cao, cũng cần được đầu tư thêm sân đỗ và đường băng số 2. Bên cạnh đó là cầu Thanh Nam bắc qua sông Lam, tuyến đường ven biển Nghi Sơn - Cửa Lò, tuyến Mường Xén - Ta Đo - Khe Kiền cũng là những dự án cấp bách để hoàn thiện hệ thống, kết nối giao thông của tỉnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và phòng chống thiên tai, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Đó cũng chính là các trục động lực cùng với các dự án sản xuất lớn trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, công nghiệp điện tử, cơ khí chế tạo, công nghiệp phục vụ nông nghiệp… tạo thành những “quả đấm thép” như gợi mở của Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển khi trao đổi với lãnh đạo địa phương. Có như vậy, không chỉ Quế Phong mà cả Nghệ An sẽ phát huy được các thế mạnh, lợi thế so sánh, vị trí địa kinh tế, trung tâm của vùng Bắc Trung Bộ, cửa ngõ ra biển của Trung Lào và Đông Bắc Thái Lan để tiếp tục phát triển nhanh và bền vững.