Thực hiện vai trò mang vốn tín dụng chính sách đến với người dân, 10 năm qua, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Cát Hải tích cực, chủ động tạo vốn vay cho bà con nhân dân huyện đảo một cách chu đáo và thuận lợi nhất để bà con có vốn đầu tư phát triển kinh tế, từng bước vươn lên xóa đói giảm nghèo.
Chỉ với 7 cán bộ, nhân viên, địa bàn huyện đảo lại rộng, đi lại khó khăn do dân cư phân bố tại 2 đảo Cát Hải, Cát Bà và xã đảo Việt Hải, song cán bộ, nhân viên của ngân hàng luôn bám sát kế hoạch, triển khai vốn quay vòng, vốn mới bổ sung một cách nhanh chóng, chặt chẽ đến tay hộ nghèo, bảo đảm quyền lợi của nhân dân. Phòng giao dịch huyện thành lập phòng giao dịch tại 12/12 xã, thị trấn trong huyện và thực hiện nghiêm túc lịch giao dịch hàng tháng để giải quyết những phát sinh, đồng thời thực hiện phương thức cấp tín dụng với việc giải ngân, thu nợ, thu lãi trực tiếp với khách hàng có sự chứng kiến của lãnh đạo địa phương và lãnh đạo các tổ chức đoàn thể chính trị. Tín chấp được bảo đảm công khai, dân chủ và chặt chẽ trong việc cho vay và thu hồi vốn, nhờ đó đã hạn chế thời gian đi lại và chi phí giao dịch vay vốn cho khách hàng và cũng hạn chế tình trạng thất thu, nợ đọng.
Điển hình như, cách đây gần chục năm gia đình anh Bùi Minh Ngọc ở xã Phù Long thuộc hộ nghèo. Nghề nuôi thủy sản bấp bênh, lại ít vốn đầu tư, nguồn thu chính từ diện tích đầm vẫn là sản phẩm tự nhiên. Những sau khi có được nguồn vốn tín dụng chính sách, gia đình anh Bùi Minh Ngọc đã đầu tư mua giống nuôi thả, từ đó có nguồn thu ổn định. Với hơn 4 ha đầm và 2 ha bãi triều, mỗi năm đã mang lại cho gia đình anh nguồn thu trên 100 triệu đồng tiền lãi.
Bằng hình thức cho vay chủ yếu là ủy thác qua tổ tín dụng, các đoàn thể xã hội, phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội đã kết hợp với các tổ chức chính trị xã hội như: Hội Nông dân, Phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội Cựu chiến binh và chính quyền cơ sở hình thành mạng lưới sổ tiết kiệm vay vốn ở các khu dân cư, tổ dân phố. Đây là mạng lưới có vai trò quan trọng trong việc đưa vốn đến đúng đối tượng một cách chính xác, thuận lợi nhất. Chính vì thế mà 10 năm qua, thông qua 138 tổ tiết kiệm và vay vốn, ngân hàng đã giải quyết cho hàng nghìn lượt hộ nghèo, hộ chính sách vay vốn đầu tư sản xuất với số dư nợ trên 100 tỷ đồng. Ngân hàng cũng đã triển khai có hiệu quả dự án vay vốn đầu tư sửa chữa, xây mới công trình nước sạch, vệ sinh môi trường. Mỗi gia đình được vay từ 4 đến 7 triệu đồng để xây mới và sửa chữa bể nước mưa và công trình vệ sinh, khắc phục khó khăn về nước ngọt sinh hoạt cho nhân dân trên đảo. Đây là nguồn vốn có ý nghĩa quan trọng và thiết thực với điều kiện ở huyện đảo, nơi đang gặp nhiều khó khăn về nước ngọt. Điều đáng ghi nhận là tỷ lệ nợ quá hạn giảm theo từng năm. Nếu như năm 2010 tỷ lệ nợ quá hạn ở mức cao nhất thành phố là 1,3% thì đến năm 2014 tỷ lệ nợ quá hạn giảm còn 0,45% và đến tháng 3.2015 còn 0,41%.
Đến thăm mô hình kinh tế của gia đình chị Nguyễn Thị Thoa, anh Nguyễn Văn Dũng ở xã Phù Long, mới thoạt nhìn ít ai nghĩ rằng đây là nguồn thu nhập chính nuôi sống cả gia đình chị từ nhiều năm nay và giúp gia đình chị thoát khỏi cái nghèo. Cách đây hơn chục năm, gia đình chị Thoa thuộc diện hộ nghèo tại xã Phù Long, được hội Phụ nữ xã đứng ra tín chấp vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện giúp chị có vốn đầu tư phát triển kinh tế. Lúc đầu là 2 triệu, rồi 5 triệu, 10 triệu đồng. Vợ chồng chị mạnh dạn đầu tư cải tạo hơn 1.000m2 trồng các loại rau xanh quanh năm và xây dựng chuồng trại nuôi lợn. Kinh tế phát triển, cái nghèo, cái khó không còn đeo đẳng nên vợ chồng chị tiếp tục mở rộng mô hình nuôi thủy sản. Hiện nay anh chị còn phát triển nghề nuôi hàu sú tại bãi triều. Ngoài nguồn vốn tự có, anh chị còn được ngân hàng chính sách hỗ trợ 25 triệu đồng tiền vốn vay với lãi suất thấp.
Không chỉ riêng gia đình chị Thoa anh Ngọc ở Phù Long mà còn rất nhiều gia đình khác trên địa bàn huyện Cát Hải cũng tương tự như vậy. Hơn chục năm nay, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự tạo điều kiện của địa phương hỗ trợ vay vốn ngân hàng chính sách xã hội huyện, các hộ nghèo có vốn đầu tư phát triển đa dạng các ngành nghề như chăn nuôi, trồng trọt, làm muối, khai thác thủy sản và làm dịch vụ. Có những gia đình không chỉ nâng cao cuộc sống mà còn trở thành những điển hình làm kinh tế giỏi với mức thu nhập hàng trăm triệu đồng trở lên/ 1 năm như anh Vũ Thanh Bình ở thị trấn Cát Bà, Chị Vũ Thị Sen ở xã Hiền Hào, anh Vũ Hữu Dũng ở xã Gia Luận,…
Có thể nói, nhờ nguồn tín dụng chính sách đã giúp cho những người dân huyện đảo thực hiện được ước mơ làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương mình, cơ cấu kinh tế vùng nông thôn được chuyển đổi mạnh mẽ, góp phần vào mục tiêu xóa nghèo tại địa phương.
Hành trình kiến tạo cuộc sống mới
Không chỉ nỗ lực thực hiện ủy thác vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng, quản lý và bảo toàn tốt nguồn vốn Nhà nước, 17 năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã cùng Chính phủ kiến tạo những giá trị mới cho chính sách tín dụng từ hoàn thiện hệ thống chính sách, khơi dậy nguồn lực mới đến hướng dòng vốn vào các mô hình phát triển kinh tế, giúp người nghèo đi nhanh hơn để không chỉ không bị lùi lại phía sau.