“Vốn nhỏ” phủ sóng “rừng lớn”

Thật ấm lòng khi những ngày cuối đông rét mướt, thông tin về tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn đã có những bước chuyển biến tích cực. Nếu năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện khoảng 33% thì năm 2018 giảm còn 22,98%. Kết quả này có sự góp sức không nhỏ của hàng loạt các chương trình, dự án, trong đó có chính sách tín dụng ưu đãi do Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) thực hiện.

Thông, keo - mở lối thoát nghèo

Theo chia sẻ của Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Đình Lập Vi Văn Phúc, trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, huyện xác định phát triển kinh tế đồi rừng là thế mạnh chủ đạo với 2 loại cây chính là thông và keo. Đối với vùng thông, huyện quy hoạch trồng tập trung tại các xã: Bắc Xa, Bính Xá, Kiên Mộc, Thái Bình, Đình Lập, thị trấn Đình Lập. Còn vùng keo, huyện quy hoạch trồng tại một số xã như Bắc Lãng, Châu Sơn.

Nhờ chủ trương này, nhiều hộ dân trong huyện đã có những bứt phá ngoạn mục. Hộ ông Nguyễn Văn Cường, thôn Còn Áng, xã Đình Lập là một ví dụ. Trước đây, ông Cường là hộ nghèo nhất nhì của Còn Áng. Sau, tham gia trồng rừng, ông Cường được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH. Nhờ chăm chỉ làm ăn, năm 2016, gia đình ông đã thoát nghèo. Cuối năm 2018, gia đình ông tiếp tục được vay 50 triệu đồng vốn từ Chương trình “Hộ mới thoát nghèo” tiếp tục đầu tư phát triển kinh tế. Theo ông Cường, “thoát nghèo rồi nhưng nếu không được tiếp tục hỗ trợ, chúng tôi khó mà ổn định bền vững”.

Trở lại Bắc Xa - một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện Đình Lập sẽ thấy dấu ấn đậm nét của vốn tín dụng chính sách bao phủ khắp núi rừng miền biên viễn này. Toàn xã hiện có hơn 11.000ha thông, trong đó có khoảng 25% diện tích đang khai thác. Mỗi năm, người dân Bắc Xa thu hoạch khoảng 300 tấn nhựa thông. Với giá nhựa tại thời điểm hiện tại là 30 nghìn đồng/kg, trung bình mỗi hộ trồng thông có thu nhập từ 150 - 200 triệu đồng/năm.

Phó Chủ tịch UBND huyện Đình Lập Nông Văn Cát cho hay, diện tích rừng thông, keo của toàn huyện hiện đạt 60.000ha; và có khoảng 15.000ha thông cho khai thác, mỗi năm sản lượng nhựa người dân thu hoạch được trên 7.500 tấn, thu nhập từ 210 - 230 tỷ đồng. Còn đối với gỗ keo và gỗ thông, trung bình mỗi năm khai thác trên 4.600m3 gỗ tròn cho thu nhập trên 8 tỷ đồng và trên 12 nghìn tấn gỗ băm dăm cho thu nhập trên 12 tỷ đồng. Trong thời gian tới, huyện xác định tiếp tục giữ vững và từng bước phát triển vùng thông và keo, qua đó tạo sản phẩm hàng hóa tập trung. Vì thế, hàng năm, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện luôn tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các chính sách về đất đai, cung ứng giống cây trồng, chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật cho bà con trồng rừng, đồng thời thường xuyên triển khai thực hiện các dự án trồng rừng. Phấn đấu năm 2019, tiếp tục đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm sâu.

85% nguồn vốn đầu tư phát triển thông, keo

Nhìn lại hoạt động tín dụng năm 2018, Giám đốc NHCSXH huyện Đình Lập Bùi Sỹ Ba cho biết, năm 2018, phòng giao dịch huyện được giao tăng trưởng nguồn vốn 1,76 tỷ đồng. Ngay sau khi nhận vốn, đơn vị chỉ đạo cán bộ tín dụng phụ trách xã phối hợp cùng các tổ tiết kiệm và vay vốn hướng dẫn người dân làm hồ sơ vay vốn. Cùng với nguồn thu hồi, NHCSXH huyện đã triển khai cho vay kịp thời đúng đối tượng; các hồ sơ vay vốn được xem xét, thẩm định nhanh. Trong năm, huyện giải ngân vốn đạt 100% kế hoạch giao, không để tồn vốn sau thu hồi. Đến nay, dư nợ chương trình đạt trên 5,3 tỷ đồng; các xã dư có nợ lớn như Đình Lập, Lâm Ca, Bính Xá, thị trấn Đình Lập… Đặc biệt, có tới 85% nguồn vốn tín dụng chính sách triển khai trên địa bàn được đầu tư phát triển rừng thông, keo; số còn lại đầu tư xây dựng, cải tạo, sửa chữa nhà ở, các công trình nước sạch, vệ sinh và các dịch vụ khác. Nguồn vốn cơ bản đáp ứng nhu cầu vốn của người dân và góp phần vào công cuộc cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh triển khai giải ngân vốn, NHCSXH huyện chú trọng phối hợp tuyên truyền, hướng dẫn các hộ vay sử dụng đúng mục đích, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thu nợ, thu lãi đến hạn. Nhờ đó, thu lãi trong năm 2018 đạt 99%; tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh chỉ chiếm 0,08% góp phần giúp các hộ nâng cao thu nhập. “Với kết quả này, chúng tôi sẽ có một xuân mới vui hơn” - Giám đốc Bùi Sỹ Ba nói.

Niềm vui của những người làm tín dụng chính sách huyện Đình Lập như được nhân lên, khi dịp này vị “tư lệnh” ngành Dương Quyết Thắng đã về thăm, động viên, chúc Tết bà con xã Châu Sơn và cán bộ, nhân viên Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Đình Lập. Ông Dương Quyết Thắng nhấn mạnh vị thế và trách nhiệm của NHCSXH trong công cuộc giảm nghèo của Chính phủ. Đồng thời, yêu cầu các cán bộ nhân viên Phòng Giao dịch NHCSXH Đình Lập nói riêng và Chi nhánh NHCSXH Lạng Sơn nói chung luôn đoàn kết, thống nhất thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Bằng mọi giá, không để bất cứ đối tượng nào của NHCSXH không tiếp cận được với các chính sách tín dụng ưu đãi.

Xã hội

Long An: Nâng cao chất lượng môi trường nông thôn
Môi trường

Long An: Nâng cao chất lượng môi trường nông thôn

Hoạt động thu gom, xử lý rác thải tại nông thôn được các địa phương tập trung thực hiện, từng bước giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường. Người dân ý thức hơn trong bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan nông thôn xanh, sạch, đẹp.

Sinh viên Khóa 1 Tiếng Nhật do Công ty XKLĐ hợp tác với Trường Cao đẳng Yên Bái trong buổi khai giảng.
Đời sống

Nhiều gia đình khá giả nhờ xuất khẩu lao động

Nhờ quan tâm triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác đưa người lao động (NLĐ) đi làm việc ở nước ngoài nên giai đoạn 2019-2023, tỉnh Yên Bái đã có 2.212 lao động đi làm việc tại các thị trường chủ yếu như: Trung Đông, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Nga...