Bền bỉ đồng hành với người nghèo
Cuốn Sổ vay vốn NHCSXH của bà Nguyễn Thị Kim ở phường Đức Thuận, TX Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) chỉ còn trống trang cuối. Hơn 10 năm vay vốn chính sách, sổ vay đã kín đặc các chương trình từ hộ nghèo, hộ cận nghèo, giải quyết việc làm, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn. Riêng chương trình cho vay học sinh, sinh viên có tới 3 lần vay cho 3 con học đại học với số tiền lên tới hơn 100 triệu đồng. Hình ảnh ấy phần nào nói lên chặng đường chật vật thoát khỏi nghèo khó của gia đình bà Kim. Thế nhưng, nó cũng minh chứng rõ nét cho sự bền bỉ, đồng hành của cán bộ tín dụng chính sách; sự nỗ lực vượt qua đói nghèo, vươn tới cuộc sống sung túc của người nghèo, người yếu thế.
Bà Kim khẳng định, nếu không có nguồn vốn vay giúp sức thì may chăng chỉ 1 trong số 4 người con được học đại học; số còn lại chắc chắn phải phụ giúp cha mẹ lo cuộc sống hàng ngày rồi đi lấy chồng. Nay, dù “chưa tới hồi thái lai”, nhưng 3 người con lớn đã lần lượt ra trường và có việc làm ổn định, giúp bà Kim trả nợ dần ngân hàng, nuôi em gái út đang học đại học và sửa sang lại căn nhà khang trang hơn.
Có thể thấy, 17 năm hoạt động, tín dụng chính sách xã hội phát triển theo cả chiều rộng và chiều sâu với hơn 20 chương trình đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên toàn quốc. Trong đó, tập trung ưu tiên cho vay khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới. Chỉ tính riêng giai đoạn sau khi áp dụng chuẩn nghèo mới từ 2016 đến nay đã có gần 7,7 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ NHCSXH, với doanh số cho vay đạt 211.744 tỷ đồng; góp phần giúp trên 1 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho trên 745 nghìn lao động (trên 16 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài); gần 200 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 4,6 triệu công trình cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; trên 105 nghìn căn nhà ở cho hộ nghèo,...
9 tháng năm 2019, doanh số cho vay của NHCSXH đạt 54.983 tỷ đồng |
9 tháng năm 2019, doanh số cho vay của NHCSXH đạt 54.983 tỷ đồng, tăng 6.156 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước, với hơn 1.620 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Tổng dư nợ đạt 200.813 tỷ đồng, tăng 13.021 tỷ đồng (+6,9%) so với cuối năm 2018, với hơn 6,5 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ. |
Hứa hẹn những bứt phá mới
Hiệu quả của các chương trình tín dụng chính sách không chỉ tỷ lệ thuận theo con số tăng trưởng tín dụng mà hứa hẹn những bứt phá mới và lan tỏa rộng hơn nữa từ tư duy và cách làm của NHCSXH, chính quyền, tổ chức hội, đoàn thể các cấp và của chính người nghèo.
Đơn cử như vấn đề tạo nguồn vốn cho vay hộ nghèo và tín dụng chính sách giờ đã có sự tham gia tích cực của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp ủy thác vốn qua NHCSXH để cho vay hộ nghèo và đối tượng chính sách, hoặc cho vay theo dự án riêng của địa phương. Tính đến 30.9, tổng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH đạt 14.618 tỷ đồng. Thậm chí, chính quyền cấp xã cũng quan tâm chuyển nguồn vốn ủy thác qua NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn. Đơn cử như xã Bình Thanh Chung, huyện Lấp Vò (Đồng Tháp), tỷ lệ hộ nghèo năm 2012 là 553/4100 hộ, xã đã phối hợp với diễn viên Minh Luân tổ chức thành công đêm văn nghệ gây quỹ vì người nghèo được 368 triệu đồng. Số quỹ tưởng chừng nhỏ bé này qua 6 năm đã cho vay 42 lượt hộ và đã giúp 26 hộ thoát nghèo, góp phần cùng nguồn vốn khác của NHCSXH đưa tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2018 còn 3,5%.
Bên cạnh đó, các nguồn vốn khác của Chính phủ cũng được lồng ghép với các dự án phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi của địa phương, tạo ra những giá trị lớn, lan tỏa mạnh mẽ đối với các hộ nghèo và đối tượng chính sách; giúp họ tăng tốc giảm nghèo, rút ngắn khoảng cách thu nhập và hội nhập kinh tế giữa các địa phương vùng miền. Ví như ở Ninh Thuận, nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm được tỉnh định hướng cho vay vào các dự án trọng điểm như duy trì phát triển nghề dệt, làm gốm truyền thống, giúp hộ nghèo từng bước tạo nên các mô hình sản xuất quy mô lớn, giải quyết việc làm cho địa phương.
Gia đình chị Hán Thị Trung ở khu phố Mỹ Nghiệp, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước là một ví dụ. Năm 2010, nhờ nguồn vốn vay của NHCSXH để phát triển cơ sở dệt thổ cẩm, gia đình chị đã thoát nghèo. Đến 2013, chị Trung lại tiếp tục vay 70 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm do Sở Công thương quản lý ủy thác qua NHCSXH để đầu tư máy móc dệt thay vì dệt thủ công; đầu năm 2018 chị lại tiếp tục vay 200 triệu đồng nguồn do UBND tỉnh quản lý ủy thác qua NHCSXH để mở rộng, nâng cấp quy mô xưởng dệt, tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động.
Những mô hình kinh tế năng động mà NHCSXH đang truyền dẫn, thắp lửa trong cộng đồng đã và đang góp phần kết nối hộ nghèo và các đối tượng chính sách vào các chuỗi sản xuất lớn có giá trị gia tăng cao hơn. Đây cũng là hướng đi mà NHCSXH cùng các địa phương đang xây dựng để nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất từ nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội trong những năm tới. Tuy nhiên, định hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn tiến tới thâm nhập các chuỗi giá trị cũng đặt ra bài toán nâng cao bình quân mức vốn cho vay, để hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác không chỉ được vay đúng mà còn vay đủ để cùng NHCSXH kiến tạo cuộc sống mới cho chính mình một cách hiệu quả nhất.