Xây dụng nông thôn mới

Bí quyết của Thành Công

Thành Công vốn là xã nghèo của thị xã Phổ Yên, Thái Nguyên. Nhưng chỉ sau 3 năm, đến nay xã đã hoàn thành và về đích nông thôn mới. Kết quả đó, theo Chủ tịch UBND xã Thành Công Dương Văn Tuyên “là sự kết hợp hài hòa giữa tinh thần, ý chí của chính quyền, nhân dân trong xã và sự hỗ trợ kịp thời của các chính sách hỗ trợ, trong đó có chính sách tín dụng ưu đãi”.

Chìa khóa là ý chí

Sau thời gian ngắn, Điểm Giao dịch NHCSXH xã Thành Công đã huy động được hơn 3 tỷ đồng Quỹ Tiết kiệm; tổng dư nợ trong các hộ dân đạt hơn 60 tỷ đồng và không có nợ quá hạn.

Không chỉ con đường vào trung tâm xã được mở rộng, trải nhựa phẳng phiu, mà giao thông nội đồng của Thành Công cũng được hoàn thiện. Những ngôi nhà, cửa hàng, cửa hiệu xây dựng theo kiểu cách hiện đại, tô điểm thêm bộ mặt nông thôn đang ngày càng khởi sắc. Xa xa, cánh đồng lúa trải dài tít tắp; những đồi chè đang vụ Xuân mơn mởn lộc… tất cả những đổi thay ấy đã minh chứng vai trò lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền nơi đây cũng như ý chí chiến thắng cái nghèo của toàn dân trong xã.

Theo Chủ tịch UBND xã Thành Công Dương Văn Tuyên, khi triển khai xây dựng NTM, xuất phát điểm của xã rất thấp, cơ sở hạ tầng hầu như chưa có gì. Vì vậy, Cấp ủy, chính quyền xác định phải tự lực, dựa vào chính mình là chính. Do đó, “chúng tôi và các tổ chức đoàn thể vận động nhân dân hiến đất mở rộng đường, kênh mương, đóng góp kinh phí xây dựng các công trình. Đồng thời phát huy vai trò đầu tàu, gương mẫu của các đảng viên; phân giao nhiệm vụ cho từng đảng viên phụ trách các cụm dân cư để tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân các nhiệm vụ liên quan đến xây dựng NTM” - Chủ tịch  Dương Văn Tuyên nói.

Nguồn vốn tín dụng chính sách - điểm tựa cho người dân xã Thành Công thoát nghèo, xây dựng thành công NTM
Nguồn vốn tín dụng chính sách - điểm tựa cho người dân xã Thành Công thoát nghèo, xây dựng thành công NTM

Qua đó, trong 3 năm từ năm 2016 - 2018, Thành công đã huy động được nguồn nội lực đáng nể. Đơn cử, tại hai xóm Thượng Vụ 1 và Thượng Vụ 2, hơn 200 hộ đã hiến trên 16.000m2 đất để mở rộng hai bên tuyến đường vào trung tâm xã từ 3,5m lên 8m. Nhiều đoạn kênh mương xây mới và mở rộng, với chiều dài trên 1.000m. Các hộ dân đóng góp xây dựng hai nhà văn hóa (mỗi xóm một nhà, trị giá khoảng 400 triệu đồng/nhà). Đây cũng là những xóm dẫn đầu của xã có nhiều hộ dân hiến đất xây dựng các công trình. Những gia đình bị ảnh hưởng đã tự nguyện hiến đất, phá dỡ tường rào, cổng, công trình phụ để xây dựng các công trình. Trong đó, phải kể đến các hộ đã hiến hàng trăm mét vuông đất thổ, đất canh tác, tường rào, cổng kiên cố trị giá hàng chục triệu đồng trở lên, như gia đình ông Dương Văn Cần, Dương Văn Mưu, Lê Văn Việt, Vũ Văn Xướng, bà Chu Thị Vóc…

Ngoài việc tự nguyện đóng góp kinh phí, hiến đất làm các công trình hạ tầng, người dân Thành Công còn hưởng ứng phong trào phát huy nội lực, vươn lên làm giàu chính đáng do Chi bộ Đảng xã Thành Công phát động. Từ đó, đã có nhiều hộ tích cực đầu tư chăn nuôi cho thu nhập khá. Nếu như năm 2013 chỉ có vài hộ có thu nhập khá thì nay cả hai xóm đã có khoảng 30 hộ cho thu nhập hàng trăm triệu đồng từ chăn nuôi theo mô hình gia trại. Trong đó, điển hình có mô hình của gia đình ông Đặng Hữu Toàn chăn nuôi lợn thịt, lợn nái; gia đình ông Dương Văn Hồ chuyên nuôi cá, vịt, mở lò ấp trứng; ở xóm Thượng Vụ 2 có gia đình ông Vũ Đình Phương thường nuôi 200 đến 300 con lợn thịt… Đời sống của người dân ngày càng nâng cao, thu nhập bình quân đầu người đến cuối năm 2018 đạt 39 triệu đồng/người/năm.

Công cụ là vốn tín dụng ưu đãi

Có câu nói: “Muốn đi nhanh thì đi một mình. Muốn đi xa phải đi cùng nhau”. Bởi thế, dù vật chất khó khăn nhưng toàn xã Thành Công, trên - dưới thống nhất một lòng đã cùng nhau tiến về đích NTM một cách nhanh chóng và vững chắc.

Trong chặng đường cán đích ấy, cấp ủy, chính quyền xã Thành Công đã chọn tín dụng chính sách là người đồng hành không thể thiếu. Các tổ chức chính trị - xã hội hưởng ứng bằng việc ký hợp đồng ủy thác vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) để hội viên có vốn đầu tư. Người dân, nhất là các hộ nghèo, hộ khó khăn tự tin, mạnh dạn vay vốn để phát triển sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, ngoài việc được vay vốn, các hộ nghèo còn trích một khoản tiền, có thể là 50.000 - 100.000 đồng/hộ để tham gia tạo Quỹ Tiết kiệm, giúp nhau có thêm vốn làm ăn khi cần.

Điển hình như hộ nghèo Nguyễn Thị Kiển, dân tộc Sán Dìu. Chị Kiển là bà mẹ đơn thân, có một con trai đã đến tuổi vào lớp 1. Gia cảnh vô cùng vất vả, song nhờ nguồn vốn vay từ NHCSXH, chị Kiển đã dần tạo dựng cho mình vài sào trà cành (loại trà đặc sản của Nhật), mỗi năm thu hoạch trên hai tạ trà, trừ chi phí cũng được trên dưới 20 triệu đồng. Chị Kiển tâm sự, tham gia Hội Phụ nữ, được xét vay vốn, được học kỹ thuật trồng, chăm sóc trà và thường xuyên được cập nhật các kiến thức, thông tin mới về thị trường trà, chị và nhiều hộ nghèo trong xã thấy mình trở nên mạnh mẽ và tự tin hơn rất nhiều trong cuộc sống. Những lúc, đến kỳ đáo hạn với NHCSXH, trà chưa bán được, các hộ nghèo lại được Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và vay vốn của mình ứng trước tiền cá nhân hỗ trợ; sau, có Quỹ Tiết kiệm thì ai khó khăn lại được Tổ xét cho vay từ Quỹ. “Cứ thế, chúng tôi đi qua khó khăn một cách thuận lợi và hoàn toàn yên tâm sản xuất” - chị Kiển nói.

Chia sẻ thêm về giá trị của những đồng vốn chính sách, Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và Vay vốn Lê Công Quyên cho hay, nhờ nguồn vốn này, 22 thành viên là cựu chiến binh do ông quản đã có cuộc sống khấm khá hơn rất nhiều. Các hộ vay chủ yếu trồng trà và chăn nuôi. Hiện, Tổ chỉ còn một hộ cận nghèo là hộ bà Đỗ Thị Kim Thoa nhưng cũng vừa được hỗ trợ xây nhà; con trai của bà Thoa cũng nhờ nguồn vốn học sinh sinh viên, đã tốt nghiệp cao đẳng nghề, có việc làm ổn định và trả hết nợ cho NHCSXH.

“Quả thật, nếu không có những nguồn ưu đãi này, chúng tôi khó mà giảm được 150/150 họ nghèo trong năm 2018” - Chủ tịch Dương Văn Tuyên khẳng định.

Xã hội

Long An: Nâng cao chất lượng môi trường nông thôn
Môi trường

Long An: Nâng cao chất lượng môi trường nông thôn

Hoạt động thu gom, xử lý rác thải tại nông thôn được các địa phương tập trung thực hiện, từng bước giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường. Người dân ý thức hơn trong bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan nông thôn xanh, sạch, đẹp.

Sinh viên Khóa 1 Tiếng Nhật do Công ty XKLĐ hợp tác với Trường Cao đẳng Yên Bái trong buổi khai giảng.
Đời sống

Nhiều gia đình khá giả nhờ xuất khẩu lao động

Nhờ quan tâm triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác đưa người lao động (NLĐ) đi làm việc ở nước ngoài nên giai đoạn 2019-2023, tỉnh Yên Bái đã có 2.212 lao động đi làm việc tại các thị trường chủ yếu như: Trung Đông, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Nga...