22.400 người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH
Theo số liệu thống kê của BHXH tỉnh Đồng Nai, hiện nay, có trên 22.400 người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH trên địa bàn tỉnh cần phải cập nhật, bổ sung thông tin căn cước công dân hoặc mã định danh cá nhân. Thời gian triển khai thực hiện bắt đầu kể từ kỳ chi trả tháng 11.2022 và hoàn thành trước ngày 31.12.2022.
Để thực hiện có hiệu quả Đề án 06, cơ quan BHXH sẽ xuất dữ liệu và cung cấp cho Bưu điện 2 mẫu là danh sách người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH đã được cơ quan BHXH đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và sử dụng thẻ căn cước công dân khi đi khám, chữa bệnh, thay thế thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) (mẫu 01, trên 30.900 người); danh sách người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH chưa khớp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và người hưởng chưa có số định danh cá nhân/căn cước công dân (mẫu 02, trên 22.400 người).
Trên cơ sở đó, Bưu điện sẽ in Mẫu 01, yêu cầu người hưởng kiểm tra toàn bộ thông tin và xác nhận, trường hợp sai thông tin thì lập hồ sơ điều chỉnh thông tin sai theo đúng quy định gửi hồ sơ điều chỉnh về cơ quan BHXH. Đồng thời, thông báo cho người hưởng có tên trong danh sách biết về việc “Thông tin cá nhân đã được đồng bộ giữa dữ liệu của cơ quan BHXH đang quản lý và cơ dữ liệu quốc gia về dân cư, người hưởng có thể sử dụng thẻ căn cước công dân đi khám, chữa bệnh BHYT thay thế thẻ BHYT”. Đối với Mẫu 02, yêu cầu người hưởng kê khai thông tin đúng vào danh sách, Bưu điện lập mẫu D02-LT/mẫu D03-TS kèm mẫu TK1 và bản photo căn cước công dân/mã định danh cá nhân gửi đến cơ quan BHXH để cập nhật.
Bảo đảm chất lượng và tiến độ
Theo ông Nguyễn Văn Thành, Phó Giám đốc BHXH tỉnh Đồng Nai, việc cập nhật bổ sung số căn cước công dân/mã định danh cá nhân của người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH là thực hiện mục tiêu bảo đảm từng bước thay thế các giấy tờ cá nhân trên cơ sở tích hợp, xác thực các thông tin, giấy tờ cá nhân vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Khi đó, người dân không phải mang theo nhiều giấy tờ, chỉ cần sử dụng thẻ căn cước công dân, ứng dụng định danh điện tử quốc gia của Bộ Công an (VNEID)...
Cũng theo ông Nguyễn Văn Thành, đã có gần 1,5 triệu căn cước công dân/định danh cá nhân được đồng bộ với thẻ BHYT còn hiệu lực để đi khám, chữa bệnh trên địa bàn toàn tỉnh. BHXH tỉnh đã phối hợp Sở Y tế và các cơ sở khám, chữa bệnh triển khai tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng căn cước công dân gắn chip phục vụ khám, chữa bệnh BHYT từ 3.2022. Đến giữa tháng 11.2022, đã có 216/242 cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện (đạt tỷ lệ 89%) với trên 66.700 lượt tra cứu thành công.
Thực tiễn đã chứng minh việc sử dụng căn cước công dân gắn chip trong khám, chữa bệnh BHYT đem đến nhiều lợi ích đối với người dân, các cơ sở y tế và cả cơ quan quản lý. Cơ sở y tế cũng như người bệnh giảm thời gian làm thủ tục đăng ký khám, chữa bệnh; bên cạnh đó, tránh tình trạng sử dụng thẻ BHYT của người khác, thất thoát thẻ BHYT của người bệnh. Ngoài ra, cơ quan quản lý tiết kiệm được chi phí cấp phát thẻ, quản lý thẻ BHYT, chống lạm dụng, trục lợi quỹ khám, chữa bệnh BHYT.
Lãnh đạo BHXH tỉnh khẳng định, đây là nhiệm vụ rất quan trọng, đòi hỏi kết quả thực hiện phải bảo đảm chất lượng và tiến độ, do đó đề nghị Bưu điện tỉnh tập trung chỉ đạo, bố trí nguồn lực để tổ chức thực hiện, phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả với ngành BHXH để hoàn thành tốt nhiệm vụ.