Đại diện MRB cho biết, chứng nhận an toàn hệ thống là một trong những thủ tục quan trọng được hoàn thành sau quá trình đánh giá độc lập của Liên danh Tư vấn Apave - Bureau Veritas - Certifer. Đánh giá, chứng nhận an toàn hệ thống được thực hiện theo các tiêu chuẩn châu Âu và các quy định của Việt Nam. Tiếp đến, hồ sơ chứng nhận an toàn hệ thống cần được Cục Đường sắt Việt Nam chủ trì, phối hợp với Cục Đăng kiểm Việt Nam và Cục quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ Giao thông Vận tải) thẩm định.
Trước đó, MRB đã làm việc làm việc với các đơn vị của Bộ Giao thông Vận tải và nhận được sự phối hợp rất chặt chẽ và đã thống nhất kế hoạch hành động với mục tiêu dự kiến sẽ hoàn thành thẩm định, chấp nhận hồ sơ an toàn hệ thống trong tháng 7.2024. Dự kiến cũng trong tháng 7.2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ hoàn thành công tác thẩm định hồ sơ đề xuất cấp Giấy phép môi trường cho đoạn trên cao của dự án.
Sau khi có hồ sơ nghiệm thu dự án, hồ sơ nghiệm thu công trình chuyên biệt (phòng cháy chữa cháy, môi trường), hồ sơ thẩm định an toàn hệ thống, Hội đồng Kiểm tra nhà nước sẽ kiểm tra và chấp thuận kết quả nghiệm thu là cơ sở để đưa đoạn tuyến vào vận hành thương mại.
Dự án tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn – ga Hà Nội mang tính chiến lược trong việc giải quyết cơ bản vấn đề ùn tắc giao thông mà hệ thống đường bộ không đáp ứng được tại Hà Nội.
Tuyến đi qua 8 ga trên cao và 4 ga ngầm với tổng chiều dài là 12,5km, trong đó đoạn trên cao (Nhổn - Cầu Giấy) dài 8,5km và đoạn đi ngầm (Cầu Giấy - ga Hà Nội) dài 4km. Lộ trình của tuyến: Điểm đầu Nhổn - Quốc lộ 32 - Cầu Diễn - Mai Dịch - nút giao với đường Vành đai 3 - Cầu Giấy (nút giao với đường Vành đai 2) - Kim Mã - Cát Linh - Quốc Tử Giám - điểm cuối ga Hà Nội (trên đường Trần Hưng Đạo, trước ga Hà Nội).