Nguy hiểm hơn, các đối tượng chiếm quyền điều khiển điện thoại di động, máy tính của người dùng từ xa để thực hiện các thao tác: Soạn, gửi tin nhắn SMS; mở khóa thiết bị di động; bật tắt mạng Internet, truy cập wifi; đọc, ghi danh bạ; đọc, ghi lịch sử cuộc gọi, thực hiện cuộc gọi, tự thực hiện khôi phục mật khẩu tài khoản, tự đăng ký các dịch vụ Internet Banking, Smart Banking, thay đổi hạn mức giao dịch của tài khoản, sau đó truy cập vào tài khoản, chuyển tiền của bị hại. Đặc biệt, các tin nhắn xác thực mã OTP, việc truy cập, chuyển tiền đều bị phần mềm gián điệp ẩn (không hỗ trợ cho người dùng) chuyển cho các đối tượng lừa đảo mà chủ điện thoại không hề hay biết.
Gần đây nhất, ngày 25.7, Công an phường Sài Đồng, quận Long Biên tiếp nhận đơn trình báo của chị V (sinh năm 1973; ở quận Long Biên, Hà Nội) về việc bị một đối tượng giả danh là cán bộ chi cục thuế gọi điện. Đối tượng có gửi một đường link và hướng dẫn chị V truy cập để cài đặt phần mềm nộp thuế. Sau khi truy cập vào đường link để cài đặt phần mềm, chị V phát hiện tài khoản ngân hàng bị mất hơn 400 triệu đồng. Lúc này, chị mới biết mình bị lừa đảo và đến cơ quan công an trình báo.
Công an thành phố Hà Nội đề nghị người dân tuyệt đối không tải hoặc cài đặt ứng dụng của cơ quan thuế qua các đường dẫn hoặc các hướng dẫn không chính thống, không phải do Tổng cục Thuế cung cấp. Nếu người dùng cài đặt phần mềm giả mạo có nguy cơ sẽ bị chiếm quyền điều khiển toàn bộ điện thoại. Các tin nhắn, cuộc gọi đến máy điện thoại của nạn nhân sẽ được ứng dụng kiểm soát, ngầm chuyển về máy chủ do đối tượng quản lý, không hiển thị trên điện thoại của nạn nhân.
Trường hợp nhận được các tin nhắn và cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần kịp thời trình báo cơ quan công an để ngăn chặn và xử lý theo quy định của pháp luật.