Tiếp tục Kỳ họp thứ Bảy, sáng nay, 24.6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi).
Tăng cường hiệu lực, hiệu quả phòng, chống mua bán người
Các ĐBQH nhất trí cao với việc sửa đổi Luật Phòng, chống mua bán người để khắc phục những bất cập của luật hiện hành; đồng thời sửa đổi, bổ sung thêm các quy định để công tác phòng, chống mua bán người được thực hiện hiệu quả hơn trước diễn biến phức tạp, ngày càng tinh vi của các hành vi mua, bán người.
"Mua bán người được Liên Hợp Quốc xác định là 1 trong 4 loại tội phạm nguy hiểm nhất thế giới". Nhấn mạnh điều này, ĐBQH Trần Khánh Thu (Thái Bình) nêu thực tế, ngày nay công nghệ phát triển, các đối tượng chỉ cần ngồi tại một vị trí sử dụng mạng zalo, facebook để kết nối dụ dỗ đưa người ra nước ngoài hoặc trao đổi mua bán người ngay trong nội địa. Chính vì vậy, đại biểu cho rằng, để tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người, việc sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống mua bán người là cần thiết.
Dẫn báo cáo của Bộ Công an, đại biểu Trần Khánh Thu cho biết, số vụ phạm tội mua bán người có chiều hướng gia tăng hằng năm, đặc biệt thời gian qua đã xuất hiện tình trạng mua bán thai nhi, mua bán nam giới để cưỡng bức lao động trên tàu cá.
Đề cập hành vi mới xuất hiện là mua bán thai nhi trong bụng mẹ, đại biểu Trần Khánh Thu cũng chỉ rõ, việc mua bán thai nhi bắt đầu diễn ra từ thời điểm đang mang thai đến khi đứa trẻ chưa chào đời nên chưa có hậu quả xảy ra dẫn tới khó khăn cho công tác xử lý. Theo pháp luật hình sự nước ta hiện nay, chỉ được coi là con người và có quyền công dân khi đứa trẻ được sinh ra; còn khi vẫn còn là bào thai trong bụng mẹ thì chưa thể coi là con người, chưa là đối tượng hành vi phạm tội. Vì vậy, cơ quan chức năng không có căn cứ để pháp lý để xử lý hình phạt hành vi mua bán thai nhi.
"Pháp luật hình sự nước ta hiện chưa quy định đối với trường hợp mua bán thai nhi, vì thai nhi không phải là trẻ em được sinh ra. Tuy nhiên, thực tiễn hiện nay cho thấy tình trạng mua bán thai nhi đã xảy ra tại nhiều địa phương. Đây là hành vi nguy hiểm cho xã hội, vi phạm đạo đức, thuần phong mỹ tục và chưa có quy định pháp luật điều chỉnh vấn đề này". Nhấn mạnh điều này, đại biểu Trần Khánh Thu đề nghị cần bổ sung truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp mua bán thai nhi.
Cùng quan điểm trên, các ĐBQH Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa – Vũng Tàu), Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương), Thạch Phước Bình (Trà Vinh)... cũng đề nghị dự thảo luật cân nhắc điều chỉnh hành vi mới phát sinh này. Đại biểu Huỳnh Thị Phúc phân tích, hành vi của người mẹ có con rồi bán cũng phải quy định là hành vi buôn bán người và có dấu hiệu phạm tội của mua bán người. Trước tình hình mua bán thai nhi đang diễn ra ngày càng phức tạp và tinh vi hiện nay, đại biểu đề nghị, sửa đổi luật lần này cần cân nhắc, xem xét có giải pháp phù hợp đối với hành vi mua bán thai nhi đang trong bụng mẹ.
Cần ưu tiên bố trí ngân sách cho khu vực biên giới
Để công tác phòng, chống mua bán người được thực hiện hiệu quả, ĐBQH Chamaléa Thị Thủy (Ninh Thuận) đề nghị cần rà soát lại các quy định về các chính sách của dự thảo luật này cho phù hợp với thực tế và các quy định pháp luật khác.
Đối với chính sách về trợ cấp khó khăn ban đầu, hỗ trợ vay vốn cho nạn nhân, khoản 2 Điều 43 quy định “Nạn nhân khi về nơi cư trú có nhu cầu vay vốn để sản xuất, kinh doanh được xem xét cho vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội với các chính sách tín dụng ưu đãi theo quy định của pháp luật”. Đại biểu cho rằng, cần phải rà soát xem có bảo đảm tính thống nhất về đối tượng cho vay của Ngân hàng chính sách hiện nay không, tránh trường hợp luật này quy định nhưng không phù hợp với đối tượng cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội.
Tại khoản 4 Điều 5 dự thảo luật quy định: “Hằng năm, Nhà nước bố trí ngân sách cho công tác phòng, chống mua bán người, ưu tiên vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn”. Tuy nhiên, theo đại biểu Chamaléa Thị Thủy, khu vực biên giới tình hình mua bán người cũng xảy ra nghiêm trọng, diễn biến rất phức tạp nên nghiên cứu bổ sung khu vực này vào khu vực được ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước hằng năm.
Tán thành quan điểm này, ĐBQH Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đắk Lắk) đề nghị bổ sung thêm khu vực biên giới được hưởng chế độ ưu tiên, bố trí ngân sách hàng năm cho công tác phòng, chống mua bán người. Bởi lẽ, ở khu vực này có nhiều xã, thôn, buôn vẫn không phải là địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn để thụ hưởng chính sách. Mặt khác, nhiều nơi trình độ dân trí còn thấp, tình trạng dân di cư trái pháp luật chiếm tỷ lệ khá cao làm cho công tác quản lý nhà nước gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, tình trạng vượt biên trái phép, vấn đề môi giới và tìm kiếm việc làm ở khu vực biên giới trong thời gian qua diễn ra khá phức tạp.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt cũng nêu rõ, cần làm rõ việc ưu tiên bố trí ngân sách cho công tác này được thực hiện như thế nào; có thể quy định thêm nội dung Chính phủ quy định chi tiết trong việc bố trí nguồn kinh phí để bảo đảm thuận lợi trong thực thi khi luật có hiệu lực.