Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Năm, chiều nay, 8.6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh.
Cân nhắc mở rộng thêm nhóm cơ chế, chính sách
Đa số đại biểu Quốc hội tán thành sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP. Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thực, thực hiện quy định tại Nghị quyết số 76/2022/QH15 của Quốc hội “Giao Chính phủ nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh, trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 trong thời gian sớm nhất”.
Bên cạnh đó, một số ý kiến chỉ rõ, qua tổng kết Nghị quyết số 54/2014/QH14 cho thấy, phạm vi, quy mô, tính chất của các chính sách đặc thù mà TP. Hồ Chí Minh được áp dụng theo Nghị quyết này còn chừng mực, chưa đủ sức tạo đột phá cho thành phố, nhất là trong bối cảnh hiện nay đang có những vướng mắc về thể chế cản trở sự phát triển nhanh, bền vững của thành phố. Do đó, việc ban hành Nghị quyết mới của Quốc hội với những chính sách vượt trội là cần thiết không chỉ đối với TP. Hồ Chí Minh mà còn cho cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả đất nước.
Tuy nhiên, có ý kiến còn băn khoăn về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Nghị quyết. Theo ĐBQH Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị), phạm vi điều chỉnh của dự thảo Nghị quyết chỉ đề cập đến 7 nội dung. Nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của Nghị quyết này là phải làm cho TP. Hồ Chí Minh phát triển, trở thành hình mẫu cho cả nước, đại biểu đề nghị, cân nhắc mở rộng thêm một số lĩnh vực khác như vấn đề quy hoạch để thành phố có không gian xây dựng đô thị văn minh, hiện đại. Cần phân cấp, ủy quyền mạnh mẽ hơn nữa giữa Chính phủ với Thành phố; giữa Thành phố với các thành phố, quận, huyện trực thuộc thành phố không chỉ trong tổ chức bộ máy chính quyền địa phương, công chức, viên chức mà còn trong các lĩnh vực khác như: thẩm quyền quy hoạch, xây dựng, đất đai, khoa học công nghệ, văn hóa, xã hội và quản lý dân cư trên địa bàn...
Tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của TP. Hồ Chí Minh
Cùng quan điểm nêu trên, ĐBQH Đoàn Thị Lê An (Cao Bằng) cho rằng, việc thực hiện phân cấp, ủy quyền quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực một cách khoa học, hợp lý, có ý nghĩa quan trọng đối với việc nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước. Do đó, để tạo điều kiện cho TP. Hồ Chí Minh khơi thông nguồn lực, tạo đà phát triển, khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của mình, đại biểu cho rằng, cần tiếp tục mở rộng cơ chế phân cấp, ủy quyền một số lĩnh vực quản lý nhà nước cho TP. Hồ Chí Minh như: quản lý quy hoạch, kế hoạch đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội, quản lý nhà đất và hạ tầng kỹ thuật xã hội đô thị, quản lý ngân sách nhà nước, tổ chức bộ máy và quản lý cán bộ, công chức… Qua đó, tạo sự chủ động, sáng tạo, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của thành phố, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thành phố phát triển.
Theo ĐBQH Nguyễn Phương Thủy (TP. Hà Nội), để thực hiện chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phát huy tinh thần năng động, sáng tạo vì lợi ích chung của thành phố, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới như đã được nêu tại Nghị quyết số 31 của Bộ Chính trị, Quốc hội cần xem xét, phân quyền mạnh hơn cho chính quyền TP. Hồ Chí Minh trong công tác tổ chức bộ máy và quản lý cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn thay vì trình Quốc hội hay Chính phủ quy định hay cho phép thành lập từng cơ quan chuyên môn cụ thể.