Thảo luận về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội tán thành sự cần thiết sửa đổi nhằm kịp thời thể chế hóa các quan điểm, định hướng phát triển Thủ đô được đề ra trong các nghị quyết của Trung ương và nghị quyết của Bộ Chính trị, tạo cơ chế đột phá, huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô, đưa Thủ đô tiếp tục phát triển nhanh, bền vững.
Một số đại biểu đề nghị, dự thảo Luật cần tập trung quy định các cơ chế, chính sách đặc thù đối với Thủ đô trên những lĩnh vực quan trọng để cụ thể hóa chủ trương của Đảng về xây dựng và phát triển Thủ đô xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, hội nhập quốc tế, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới…
Trong đó, một nội dung nhận được nhiều sự quan tâm là các quy định về thu hút nhân tài. Nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là mục tiêu lớn của cả nước, đã được thể hiện trong Nghị quyết 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19.5.2018), trong Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Vì vậy, quy định tại dự thảo Luật cần thể hiện tinh thần của các chính sách, định hướng đề ra, đồng thời tạo được cơ sở pháp lý rõ ràng.
ĐBQH Trần Thị Thu Đông (Bạc Liêu) cho rằng, nội dung của Điều 17 dự thảo Luật chưa thể hiện được tính phân hóa trong nhu cầu thu hút nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ở các khu vực khác nhau (công - tư) hay ở các lĩnh vực khác nhau (khoa học tự nhiên, khoa học xã hội; khoa học cơ bản và khoa học ứng dụng,…); vẫn chủ yếu dựa vào những mô tả trừu tượng như “có tài năng đặc biệt”, có “phẩm chất, trình độ, năng lực vượt trội”... “Rất khó để đánh giá các mô tả này ngoài việc dựa chủ yếu vào bằng cấp của ứng viên thuộc diện xem xét”, đại biểu nhấn mạnh.
Ngoài ra, đại biểu Trần Thị Thu Đông đánh giá các nội dung của dự thảo Luật mới chỉ đề cập sơ lược về tuyển dụng, thu hút nhân tài mà chưa quy định về các cách thức sử dụng nhân tài sau khi được tuyển dụng; chưa thể hiện rõ chế độ thù lao dành cho ứng viên tài năng, chất lượng cao; chưa thể hiện được tính tự chủ của chính quyền Thủ đô nói chung và về thu hút nhân tài nói riêng...
Cùng quan điểm, ĐBQH Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) lưu ý, cần nghiên cứu lại quy định tại khoản 2, Điều 17 mặc dù có quy định 4 điểm liên quan đến phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Thủ đô, tuy nhiên nội dung còn chung chung, không định hình được tiêu chí làm cơ sở áp dụng trong thực tiễn. Theo đại biểu, trong thực tế, triển khai thực hiện chính sách đặc thù nếu không có định hình cụ thể, cho dù Quốc hội đã giao thẩm quyền cho HĐND quyết định nhưng HĐND cũng phải thận trọng tham khảo, xin ý kiến các bộ, ngành chuyên môn thì mới có thể ban hành và thực hiện.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thu hút và phát triển nhân tài, ĐBQH Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) cho rằng, trong dự thảo Luật, bên cạnh việc chú trọng các chính sách, cơ chế đặc thù, cũng cần quan tâm làm rõ quy định về thu hút nhân tài phục vụ sự phát triển chung của Thủ đô. Ngoài ra, đại biểu cũng đề xuất cần có Quỹ phát triển nhân tài nhằm tận dụng nguồn lực chất lượng cao của cả thế hệ trẻ và đối tượng đã về hưu.
Các đại biểu cũng bày tỏ nhất trí với đề nghị trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật là nên bổ sung quy định về quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, sử dụng, bổ nhiệm nhân tài sau khi đã vào làm việc trong hệ thống. Ngoài việc ban hành các chính sách thu hút nhân tài thì chính quyền thành phố Hà Nội cũng cần quan tâm, có biện pháp chủ động tìm kiếm nhân tài hoặc đào tạo, bồi dưỡng phát triển nhân tài từ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hiện có để đáp ứng nhu cầu của địa phương.