Sông suối khô cạn, đất đai nứt nẻ, hàng nghìn ha cây trồng mất mùa, chết khô, nhiều cánh đồng lúa trong cơn “khát nước”, nông dân vật lộn tìm nguồn nước tưới và sinh hoạt là tình cảnh chung mà các tỉnh Tây Nguyên đang phải chống chịu trong suốt thời gian qua với khí hậu nắng nóng, khô cằn kéo dài.
Khô hạn trên diện rộng, kéo dài
Dưới cái nóng 37 - 38 độ C, ông Vũ Văn Khiểng, ngụ tại thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai than phiền: “Suối thì hết nước, mùa mưa thì cắt sớm, người dân chúng tôi canh tác lúa thì chủ yếu dựa theo nguồn nước của suối nên mới dẫn đến tình trạng lúa cháy như thế này.”
“Cánh đồng cháy” là nhận định chung của người dân tại tỉnh Gia Lai khi nhìn về từng thước lúa đang chờ chết… Khu vực này không có nguồn thủy lợi khiến nhiều hộ dân đang đối mặt với nguy cơ mất trắng.
Tại tỉnh Đắk Lắk, trên một con kênh thuộc huyện Lắk, người nông dân cũng phải tận dụng tối đa nguồn nước quý như vàng để cứu lúa. Thế nhưng, cũng chỉ đáp ứng được phần nào so với nhiều cánh đồng khô, nứt nẻ. Anh Y Soan Niê, trú tại Buôn Dar Ju, xã Bông Krang, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk chia sẻ, năm nay cạn hết nước nhà phải dùng khoan để tìm kiếm nguồn nước ở trong luồng mạch nước ngầm, máy khoan đang gặp trục trặc nên anh vẫn chưa biết có tìm được nguồn nước để tưới cho cánh đồng nhà mình hay không?
Không chỉ Gia Lai, Đắk Lắk, tại tỉnh Đắk Nông hay Lâm Đồng cũng gặp tình trạng tương tự. Hàng loạt con kênh, dòng sông, suối, hồ và hàng chục công trình thuỷ lợi đứng trước tình trạng trơ đáy, mực nước giảm sâu. Thậm chí, con Suối Đắk Sôr - suối lớn nhất huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông chỉ còn là vũng nước. Trước thực trạng trên, các hộ dân ở những địa phương này phải hút bùn để cứu cây cà phê.
Ngoài lo nước cho cây trồng, người dân tại tỉnh Lâm Đồng còn phải chống chọi việc thiếu nước sinh hoạt. Bà Nguyễn Hoà Ái, xã Đại Lào, thành phố Bảo Lộc, Lâm Đồng chia sẻ: “Từ tháng 12 năm ngoái, người dân đã phải đi mua nước, 120 nghìn một khối, buộc chúng tôi tiết kiệm nước từng tý một”.
“Diện tích cây công nghiệp dài ngày cần nước tưới là trên 20.000ha. Trên thực tế, tổng diện tích cây trồng cần nước rất lớn trong khi Công ty Khai thác công trình thuỷ lợi đáp ứng chỉ chưa đến 20%”, Ông Doãn Gia Lộc, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông cho hay.
Cần biện pháp “giải cứu”
Hiện các tỉnh Tây Nguyên đang chủ động triển khai các giải pháp đồng bộ để chống hạn, song đây chỉ là những giải pháp mang tính ngắn hạn. Tây Nguyên cần nguồn lực lớn hơn cho chiến lược dài hơi về chống hạn. Bởi theo dự báo mới nhất của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, khả năng từ tháng 6 trở đi, El Nino mới suy yếu và chuyển dần sang pha La Nina với xác suất khoảng 55 - 60%.
Cụ thể, hồ chứa nước Vụ Bổn, xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk có nước hay không đều phụ thuộc hoàn toàn vào nước mưa. Theo nhiều ý kiến, để tạo thêm trữ lượng nước thì việc nạo vét lòng hồ, kênh mương cũng cần phải được chú trọng hay đầu tư, xây dựng thêm nhiều công trình thuỷ lợi là biện pháp cần nhanh chóng triển khai.
Theo ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, có khoảng 22% diện tích được tưới từ công trình thủy lợi, thấp nhất cả nước. Do đó, mong muốn Trung ương đầu tư thêm các công trình thủy lợi, để ngành nông nghiệp có cơ hội phát triển bền vững.
ĐBQH Trần Thị Thu Hằng (Đắk Nông) kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng công trình thủy lợi phục vụ cho tưới tiêu, điều tiết khi mưa lũ. Đồng thời, phát triển các rừng phòng hộ đầu nguồn để giữ nước và tăng độ che phủ. Đặc biệt, ĐBQH Trần Thị Thu Hằng mong muốn Quốc hội quan tâm xây dựng và sớm thông qua cơ chế đặc thù cho vùng Tây Nguyên để tạo đà phát triển.