Cho ý kiến với dự thảo Luật Dữ liệu, các đại biểu tại Tổ 12 cho rằng, đây là dự luật khó, bởi có tác động đến toàn bộ quá trình chuyển đổi số quốc gia - một trong những động lực mới của tăng trưởng kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh ở nước ta.
Do đó, cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu để thể chế đầy đủ, cụ thể quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, nhất là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Nghị quyết và Kết luận của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ phục vụ công cuộc chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số...
Cũng theo báo cáo của cơ quan soạn thảo, hiện nay có 69 luật có quy định về cơ sở dữ liệu, quản lý dữ liệu số nhưng chưa đầy đủ, toàn diện, tất cả đều không quy định cụ thể, thống nhất việc xử lý, quản trị dữ liệu cũng như chưa quy định về nền tảng phát triển, ứng dụng công nghệ cao trong xử lý dữ liệu và việc tạo lập cơ sở dữ liệu được tổng hợp từ các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ công tác chỉ đạo điều hành, hoạch định đường lối, chính sách, phát triển kinh tế - xã hội, cải cách thủ tục hành chính, dịch vụ công, bảo đảm lợi ích của tổ chức, cá nhân…
Do đó, các đại biểu cho rằng, việc xây dựng Luật Dữ liệu là cần thiết nhằm tăng cường sự thống nhất, đồng bộ, sử dụng hiệu quả dữ liệu trong phục vụ công tác quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện cho mọi người dân được thụ hưởng lợi ích từ hoạt động chuyển đổi số.
Theo Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo của Bộ Công an về rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến dự án Luật Dữ liệu, hiện nay có 157 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến dự án Luật này.
Tuy nhiên, theo ĐBQH Đoàn Thị Thanh Mai (Hưng Yên), thì vẫn chưa có đánh giá kết quả rà soát của nhiều luật có liên quan. Do đó, cơ quan soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung vào hồ sơ dự án Luật kết quả rà soát các quy của các luật có liên quan, nhất là các luật có quy định về cơ sở dữ liệu, như: Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản... để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật.
Ngoài ra, đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai cũng cho rằng, dự thảo Luật quy định hai vấn đề mới, đó là Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia quy định tại Điều 29 và Sàn giao dịch dữ liệu quy định tại Điều 53.
Trong một chừng mực, phạm vi, lĩnh vực nhất định, đặc biệt là liên quan đến dữ liệu do các cơ quan nhà nước tạo lập bằng ngân sách nhà nước, thì dữ liệu cần được xem là một tài nguyên quan trọng của quốc gia, cần được khai thác, quản lý và bảo vệ theo những cơ chế đặc thù. Lưu ý điều này, đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai đề nghị, việc xây dựng, vận hành, khai thác, sử dụng Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia và Sàn giao dịch dữ liệu cần hết sức cân nhắc, nghiên cứu thận trọng, đánh giá tác động kỹ lưỡng để có quy định phù hợp, nhất là phải bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
Đồng tình quan điểm nên có Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia, ĐBQH Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cho rằng, đây là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, được hình thành ở Trung ương từ các nguồn tài chính, như hỗ trợ, viện trợ, đóng góp tự nguyện của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong nước, ngoài nước; đóng góp từ các nguồn khác theo quy định của pháp luật để hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, công nghệ bán dẫn, chuỗi khối, internet vạn vật và các công nghệ cao khác trong xử lý dữ liệu, hỗ trợ đào tạo nhân lực làm công tác xử lý, quản trị dữ liệu tại Trung tâm dữ liệu quốc gia cũng như các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân thực hiện hoạt động nghiên cứu các giải pháp gia tăng bảo vệ dữ liệu, chuyển giao công nghệ, phát triển ứng dụng công nghệ liên quan đến dữ liệu…
Nếu quản lý tốt quỹ này thì hoạt động càng tốt hơn, chứ nếu chỉ dựa ngân sách nhà nước sẽ rất khó khăn. Chỉ rõ điều này, đại biểu Nguyễn Thị Thủy cũng nêu rõ, cần tiếp tục rà soát hoạt động chi của quỹ này để không chồng chéo với chi của ngân sách nhà nước.