Chưa thể hiện rõ đối tượng áp dụng
Các quy định về hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung tại Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đã có những thay đổi đáng kể so với Luật hiện hành. Cụ thể dự thảo không còn quy định về khái niệm hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung mà sẽ áp dụng khái niệm trong Bộ luật Dân sự năm 2015 để bảo đảm tính thống nhất, tránh chồng chéo.
Về khái niệm hợp đồng theo mẫu, Điều 405, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định “Hợp đồng theo mẫu là hợp đồng gồm những điều khoản do một bên đưa ra theo mẫu để bên kia trả lời trong một thời gian hợp lý; nếu bên được đề nghị trả lời chấp nhận thì coi như chấp nhận toàn bộ nội dung hợp đồng theo mẫu mà bên đề nghị đã đưa ra”. Còn Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 định nghĩa: “Hợp đồng theo mẫu là hợp đồng do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ soạn thảo để giao dịch với người tiêu dùng”.
Như vậy, có thể thấy quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thể hiện rõ hơn đối tượng áp dụng của hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung là người tiêu dùng, và bên đơn phương đưa ra hợp đồng hay điều kiện là tổ chức, cá nhân kinh doanh chứ không chỉ quy định chung chung áp dụng cho tất cả các giao dịch dân sự như định nghĩa của Bộ luật Dân sự.
Do đó, việc sửa đổi như Dự thảo không thể hiện được đặc điểm của loại hợp đồng hay điều kiện này là chỉ áp dụng cho người tiêu dùng. Theo nhiều chuyên gia, nên chỉnh sửa lại thành “Hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung áp dụng với người tiêu dùng” trong các điều khoản có liên quan để quy định chính xác hơn. Theo đó, chỉ khi hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung được áp dụng với người tiêu dùng thì mới chịu sự điều chỉnh của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Cơ quan giải quyết tranh chấp là cơ quan nào?
Kế thừa quy định của Luật hiện hành về việc liệt kê các điều khoản của hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung không có hiệu lực, Dự thảo đã sửa đổi, bổ sung thêm một số trường hợp. Bên cạnh đó, để dự trù trường hợp phát sinh mới, dự thảo có điều khoản mở theo hướng các trường hợp khác do cơ quan giải quyết tranh chấp xác định dựa trên nguyên tắc “điều khoản của hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung không có hiệu lực nếu trái với nguyên tắc thiện chí theo quy định của pháp luật dân sự, dẫn đến mất cân bằng về quyền và nghĩa vụ của các bên theo hướng bất lợi cho người tiêu dùng”.
Ths. Nguyễn Ngọc Quyên, Đại học Luật Hà Nội cho rằng, việc quy định mở là hợp lý nhưng cơ quan nào xác định điều khoản không có hiệu lực lại là một vấn đề cần lưu tâm vì thiết kế như Dự thảo thì chưa rõ cơ quan giải quyết tranh chấp là cơ quan nào. Trong các phương thức giải quyết tranh chấp được quy định hiện nay gồm thương lượng, hoà giải, trọng tài, toà án thì tổ chức hoà giải, trọng tài hay toà án sẽ được coi là cơ quan giải quyết tranh chấp có quyền quyết định điều khoản nào của hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung không có hiệu lực? Cần quy định rõ thẩm quyền này thuộc về chủ thể nào, tránh quy định chung chung và có khả năng mâu thuẫn với Bộ luật Dân sự năm 2015.
Về hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung, dự thảo quy định ngôn ngữ sử dụng là tiếng Việt và tiếng nước ngoài do các bên thỏa thuận lựa chọn. Cũng theo Ths. Nguyễn Ngọc Quyên, điều này sẽ góp phần bảo vệ tối đa người tiêu dùng Việt Nam cũng như người tiêu dùng nước ngoài không biết tiếng Việt, khắc phục được hạn chế của Nghị định 99/2011/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 khi quy định ngôn ngữ bắt buộc phải là tiếng Việt.
Đồng thời, để dự phòng trường hợp xảy ra khi có sự khác biệt giữa bản hợp đồng hay điều kiện bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài, dự thảo quy định “bản tiếng Việt được ưu tiên áp dụng”. Tuy nhiên, dựa trên tinh thần bảo vệ tốt nhất cho người tiêu dùng, cái gì có lợi cho người tiêu dùng hơn sẽ được ưu tiên thì nên sửa lại thành “bản nào có lợi hơn cho người tiêu dùng được ưu tiên áp dụng”. Như vậy sẽ đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng một cách tối đa, tránh trường hợp có những điều khoản bằng tiếng Việt lại không có lợi cho người tiêu dùng bằng bản tiếng nước ngoài.