Khuôn khổ quốc tế
"Nghị định thư về ngăn ngừa, phòng chống và trừng trị hành vi buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em" (năm 2000), hay còn gọi là Nghị định thư Palermo được coi là nền tảng của các nỗ lực chống buôn người quốc tế. Nghị định thư của Liên Hợp Quốc cung cấp định nghĩa phổ quát về hành vi buôn bán người, đồng thời yêu cầu các bên ký kết thông qua luật hình sự hóa nạn buôn người, bảo vệ nạn nhân và thúc đẩy hợp tác quốc tế.
Trong khi đó, Công ước số 29 năm 1930 và Công ước số 182 năm 1999 về lao động cưỡng bức của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cấm các hình thức lao động trẻ em cũng là những công cụ vô cùng quan trọng trong công cuộc chống buôn bán người, đặc biệt là để ngăn chặn tình trạng bóc lột sức lao động.
Ở các khu vực như: châu Âu có Công ước của Hội đồng châu Âu về hành động phòng, chống nạn buôn người năm 2005. Văn bản này nhấn mạnh đến việc bảo vệ nạn nhân và thúc đẩy cách tiếp cận dựa trên nhân quyền để chống lại nạn buôn người. Công ước thiết lập cơ chế giám sát để đánh giá việc thực thi của các quốc gia thành viên.
Ở châu Á, Công ước ASEAN về phòng, chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em năm 2015 là thỏa thuận khu vực giữa các quốc gia Đông Nam Á tập trung vào cách tiếp cận phối hợp để chống buôn người có tính chất xuyên quốc gia. Công ước tập trung vào việc phòng ngừa, bảo vệ, hợp tác thực thi pháp luật và hỗ trợ nạn nhân. Văn bản này cũng thể hiện cam kết mạnh mẽ và quyết tâm chung chưa từng có của các quốc gia thành viên trong cuộc đấu tranh chống nạn mua bán người.
Bên cạnh đó, Công ước của Hiệp hội Hợp tác khu vực Nam Á (SAARC) về phòng, chống buôn bán phụ nữ và trẻ em vì mục đích mại dâm năm 2002, nhằm thúc đẩy hợp tác khu vực ngăn chặn vấn nạn trên, trong đó tập trung vào các biện pháp bảo vệ và phục hồi cho nạn nhân.
Ngoài ra, ở châu Mỹ, Công ước liên Mỹ của Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS) về buôn bán trẻ vị thành niên quốc tế năm 1994 cũng là công cụ quan trọng để ngăn chặn và trừng phạt nạn buôn bán trẻ vị thành niên, bảo vệ trẻ em, cũng như thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia thành viên ngăn chặn loại tội phạm này.
Nhìn sang lục địa đen, Kế hoạch hành động Ouagadougou của Liên minh châu Phi chống nạn buôn người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em năm 2006 cũng trở thành văn bản quan trọng trong việc đưa ra ra các chiến lược ngăn chặn nạn buôn người, bảo vệ nạn nhân và truy tố những kẻ buôn người, nhấn mạnh sự cần thiết phải hợp tác khu vực giữa các quốc gia trong châu lục…
Khuôn khổ quốc gia
Ở Mỹ, Luật Bảo vệ nạn nhân buôn người năm 2000 và những lần sửa đổi tiếp theo đã tạo thành xương sống cho pháp luật về phòng, chống buôn người ở xứ sở cờ hoa. Luật này thiết lập các biện pháp truy tố, bảo vệ, ngăn ngừa, trong đó bao gồm cả việc thành lập một văn phòng giám sát và trấn áp nạn buôn bán người thuộc Bộ Ngoại giao. Cơ quan này hợp tác với các Chính phủ nước ngoài và xã hội dân sự để phát triển và thực hiện các chiến lược hiệu quả nhằm đối phó với chế độ nô lệ hiện đại.
Tại Anh, Luật Chống nô lệ hiện đại năm 2015 tổng hợp các loại tội phạm liên quan đến buôn bán người và nô lệ, tăng hình phạt và thiết lập vai trò của Ủy viên chống nạn nô lệ độc lập. Văn bản pháp lý trên đưa ra các biện pháp bảo vệ nạn nhân, yêu cầu các doanh nghiệp phải công khai các bước thực hiện để ngăn chặn nạn nô lệ trong chuỗi cung ứng của họ. Trong khi đó, Bộ luật Hình sự của Đức cũng bao gồm các điều khoản cụ thể chống lại nạn buôn người ở Mục 232, 233 và 233a. Thêm vào đó, Luật Cải thiện hành động chống lại nạn buôn người và Luật Đăng ký hình sự trung ương liên bang sửa đổi năm 2016 tăng cường các biện pháp truy tố kẻ buôn người và bảo vệ nạn nhân. Tương tự, Bộ luật Hình sự Hà Lan hình sự hóa hành vi buôn người theo Điều 273f. Xứ sở hoa tulip còn có Báo cáo viên quốc gia về vấn đề liên quan đến buôn bán người và bạo lực tình dục đối với trẻ em, chịu trách nhiệm theo dõi và báo cáo về các vấn đề buôn người.
Ở châu Phi, Nigeria có Luật Quản lý và thực thi chống lại nạn buôn người (2015) để giải quyết toàn diện nạn buôn người vì cả mục đích bóc lột sức lao động và tình dục. Cơ quan quốc gia về cấm buôn bán người có nhiệm vụ thực thi pháp luật và hỗ trợ nạn nhân. Nam Phi có Luật Phòng, chống buôn bán người (2013), Ghana có Luật Chống buôn người (2005), sửa đổi năm 2009, hình sự hóa mọi hình thức buôn người, thiết lập các biện pháp hỗ trợ, phục hồi cho nạn nhân. Kenya cũng có Luật Chống buôn bán người (2010) và thành lập Ủy ban Tư vấn chống nạn buôn bán người để giám sát việc thực thi luật. Cơ quan này cung cấp hỗ trợ cho nạn nhân, bao gồm các chương trình phục hồi và tái hòa nhập.
Tại châu Á, Ấn Độ có Luật Phòng, chống buôn bán trái đạo đức, tập trung xử lý hoạt động buôn bán người liên quan đến mại dâm. Năm 2018, nước này giới thiệu Dự luật Phòng chống buôn bán người, tìm cách giải quyết các hình thức buôn người khác nhau, trong đó tập trung vào công tác phòng ngừa, bảo vệ và phục hồi cho nạn nhân. Nhật Bản có Bộ luật Hình sự và Luật Trừng phạt tội phạm có tổ chức bao gồm nhiều điều khoản chống buôn người. Bên cạnh đó, Luật Quy định và trừng phạt các hành vi liên quan đến mại dâm, khiêu dâm trẻ em và bảo vệ trẻ em (1999) đề cập đến vấn đề buôn bán trẻ vị thành niên.
Các nước Trung Đông cũng có nhiều luật riêng về chống buôn bán người, như Israel có Luật Cấm buôn bán người sửa đổi năm 2006, Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất có Luật Liên bang số 51 (2006), được sửa đổi thành Luật Liên bang số 1 (2015), Lebanon có Luật số 164 (2011). Tương tự, tại khu vực Mỹ Latin, Argentina có Luật số 26.364 (2008), Luật số 26.842 (2012), Comlombia có Luật 985 (2005) hay Peru có Luật 28959 (2007)…