“Tấm vé mời” thu hút khách quốc tế
Ngày 24.6.2023, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Điểm mới nổi bật của Luật này là nâng thời hạn thị thực điện tử (E-visa) lên 90 ngày. Luật này cũng cho phép công dân của các nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực sẽ được cấp tạm trú 45 ngày (quy định trước đó là 15 ngày).
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam có hiệu lực thi hành từ ngày 15.8.2023. Từ đó đến nay, những sửa đổi trên đã mang lại nhiều thay đổi tích cực đối với việc thu hút khách du lịch quốc tế.
Tại Hanoitourist, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đã tăng rõ nét, quý IV.2023, đặc biệt là dịp đầu năm 2024 với cao điểm là dịp Tết cổ truyền vừa qua, lượng khách du lịch quốc tế tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2023. Còn tại Vietravel, quý IV.2023 đến 2 tháng đầu năm 2024, lượng khách du lịch tăng nhanh chóng, lên đến 310% so với cùng kỳ.
Nhiều đơn vị lữ hành cũng khẳng định, việc mở rộng chính sách miễn thị thực như "tấm vé mời", góp phần thu hút nhiều hơn khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Theo Tổng Giám đốc WonderTour Lê Công Năng, với chính sách này, nhà tổ chức tour cũng thỏa sức sáng tạo xây dựng các sản phẩm du lịch dài ngày với nhiều trải nghiệm khác nhau dành cho khách du lịch từ các nhóm quốc gia khác nhau. Việc mở rộng tour liên tuyến không chỉ được các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam chú tâm mà cũng là hướng đi khả thi của doanh nghiệp lữ hành các nước Đông Nam Á. WonderTour đang đề xuất Tổng cục Du lịch Thái Lan hợp tác triển khai tour chinh phục cung đường Tây bắc Việt - Lào - Thái Lan để triển khai khách quốc tế từ cả 2 đầu Thái Lan và Việt Nam.
Theo Giám đốc Công ty du lịch Hanoitourist Lê Hồng Thái, những chính sách nới lỏng về thị thực giúp ngành du lịch bước vào giai đoạn mới có tính cạnh tranh quốc gia so với các nước láng giềng như Thai Lan, Singapore… “Các đối tác thị trường xa của chúng tôi trước đây thường yêu cầu chào tour phù hợp từ 12 ngày lưu trú ở Việt Nam thì nay đã nâng lên tour 19 - 20 ngày nối với Campuchia. Đây chính là giá trị của công cụ điều tiết, nâng giá trị của du lịch Việt Nam”, ông Thái nói.
Cần linh hoạt hơn nữa
Sau 3 năm ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, đến thời điểm này, các doanh nghiệp du lịch vẫn ở giai đoạn khó khăn chồng chất; tín hiệu khởi sắc nhất là lượng khách quốc tế tăng nhưng chưa đạt như kỳ vọng.
Bà Phan Thị Thúy Dung, đại diện Tập đoàn Sungroup cho biết, tại Đà Nẵng, Khu du lịch Bà Nà của Sun Group đón khoảng 84% khách quốc tế; khu nghỉ dưỡng New World tại Phú Quốc đón khoảng 85% khách Hàn và một số thị trường mới như Nga, Kazakhstan, nhưng họ phải bay quá cảnh trước khi tới Phú Quốc. Thực tế, nhiều khách quốc tế đến Việt Nam thời điểm nay vẫn gặp rào cản về visa và đường hàng không.
“Do vậy, chúng tôi tha thiết kỳ vọng chính sách visa sẽ tiếp tục được cải thiện, nới lỏng hơn nữa để Việt Nam có thể tăng cường thu hút các thị trường khách quốc tế mới, bù đắp những thị trường truyền thống lớn đang bị hao hụt như Trung Quốc, Nga”. Bà Dung cũng cho rằng, trước mắt, chúng ta có thể cân nhắc đề xuất miễn thị thực trong thời gian ngắn hạn (từ 6 tháng đến 1 năm) cho khách du lịch từ một số thị trường tiềm năng, quy mô lớn như Trung Quốc, Ấn Độ… Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần nghiên cứu thí điểm cấp thị thực dài hạn (3 năm, 5 năm) để thu hút các phân khúc thị trường khách du lịch cao cấp, khách nghỉ hưu với một số thị trường mục tiêu như Mỹ, Australia, Hàn Quốc…
Trong quá trình Vietravel xúc tiến đến thị trường quốc tế, đối với khách du lịch tuổi trung niên trở lên, việc tự thao tác để xin visa điện tử khá khó khăn. Vì vậy, nhiều khách hàng của Vietravel chọn làm visa on arrival (cấp thị thực tại cửa khẩu). Tuy nhiên, để được cấp visa on arrival của Việt Nam, du khách cần có công văn chấp thuận nhập cảnh Việt Nam trước (Approval Letter). Điều này khiến khách du lịch khá bối rối vì đối với các quốc gia khác như Lào, Thái Lan và Cambodia, thị thực cấp tại cửa khẩu không cần xin giấy tờ gì trước.
Do đó, Chủ tịch HĐQT Công ty du lịch Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ cho rằng, chính sách visa của nước ta đã tốt hơn nhưng chưa linh hoạt. “Chúng ta nói nhiều về visa nhưng tại các nước, chính sách về visa thay đổi rất nhanh, linh hoạt, phục vụ đúng nhu cầu của khách”.
Đại diện Vietravel đề xuất đơn giản hóa việc cấp thị thực trực tiếp tại cửa khẩu (Visa on Arrival) đối với du khách có quốc tịch trong danh sách được áp dụng như cách làm của các nước Lào, Campuchia... Thêm nữa, các quốc gia cạnh tranh của Việt Nam trong khu vực hiện có chính sách miễn thị thực linh hoạt hơn nước ta. Cụ thể, Thái Lan đang miễn thị thực cho 76 quốc gia, Malaysia 156 quốc gia, Singapore 162 quốc gia, Philippines 157 quốc gia... Còn Việt Nam mới dừng ở con số 25.
Đối với những thị trường tiềm năng, công dân có mức chi tiêu cao như châu Âu và Hội đồng hợp tác các nước vùng Vịnh (GCC), đối tượng khách hưu trí... cần mở rộng chính sách miễn thị thực. Ngoài ra, đối với thị trường trọng điểm và các thị trường mới nổi, có quy mô lớn như Ấn Độ, có thể cân nhắc miễn thị thực ngắn hạn, sẽ góp phần rất lớn thúc đẩy tăng trưởng lượng khách.