Băn khoăn cách tính
Nhận hóa đơn tiền điện tháng 2.2024, anh Trịnh Văn Kiệm (quận Long Biên) giật mình vì số tiền đội lên hơn 1,7 triệu đồng cho hơn 660kWh. Trước đó, EVN Hà Nội đã gửi thông báo cho biết sẽ thay đổi lịch ghi chỉ số công tơ, cụ thể là cộng gộp từ kỳ ghi chỉ số trước đó, tính từ 7.1 - 29.2.2024, đồng nghĩa tiền điện sẽ đội lên. Dù vậy, nếu so sánh với trung bình tiền điện các tháng trước đó, việc tiền điện tăng lên 1,7 triệu đồng khiến anh Kiệm băn khoăn.
Anh Kiệm cho biết, từ tháng 8.2023 đến nay, sản lượng điện tiêu thụ của gia đình trung bình 200 - 250kWh, tương đương số tiền 400 - 500.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, tháng 1 và 2.2024, sản lượng điện tiêu thụ tăng lên lần lượt là 343kWh và 319kWh; áp theo bậc thang luỹ tiến, mỗi tháng, gia đình anh sẽ có 50kWh cho bậc 1; 50kWh bậc 2; 100kWh bậc 3; 100kWh bậc 4. Riêng bậc 5, tháng 1 có 43kWh và tháng 2 là 19kWh, tổng là 62kWh. Tuy nhiên, theo hóa đơn ngành điện trong kỳ thanh toán tháng 2, sản lượng điện của gia đình anh Kiệm ở bậc 1 và 2 chỉ được tính gộp là 87kWh/bậc (thay vì 100kWh/bậc); bậc 3 và 4 là 174kWh/bậc (thay vì 200kWh/bậc); bậc 5 tăng lên 140kWh.
“Không rõ vì sao lại chênh lệch như vậy dù EVN Hà Nội cam kết việc thay đổi lịch ghi chỉ số công tơ “không làm ảnh hưởng tới quyền lợi khách hàng” như thông báo trước đó. Chưa kể, kỳ tháng 12.2023 có 31 ngày, gia đình tôi sử dụng hết 286kWh, trong khi tháng 2, gia đình tôi về quê nghỉ Tết 7 ngày, đồng nghĩa chỉ có 22 ngày sử dụng điện nhưng sản lượng điện tiêu thụ vẫn tăng cao, lên tới 319kWh là điều rất khó hiểu”, anh Kiệm đặt vấn đề.
Tương tự, việc phải trả số tiền điện tháng 2 tăng vọt lên 6,8 triệu đồng cho hơn 2.300kWh cũng khiến bà Kim Oanh (quận Hai Bà Trưng) nghi ngại; bà Oanh băn khoăn: theo quy định, với hai hộ sử dụng điện sẽ được áp bậc 1 và 2 trong hai tháng là 400kWh, song thực tế chỉ được áp 348kWh; từ bậc 3 - 5 là 1.200kWh/bậc song thực tế chỉ được 1.044kWh. Chính bởi điều này, số kWh của bậc 6 đã bị đội lên thành hơn 940kWh thay vì ở mức 700kWh, qua đó cũng đẩy tiền điện phải đóng tăng lên.
Trên nhiều diễn đàn mạng xã hội, việc giá điện sinh hoạt ở Hà Nội tăng vọt là chủ đề được bàn tán nhiều trong những ngày gần đây. Nhiều ý kiến nghi ngờ cách tính của EVN Hà Nội, nhất là khi việc áp các bậc giữa các hộ có sự khác nhau. Chẳng hạn, ở bậc 1, có hộ được áp 76kWh, song có hộ khác lại được áp 87kWh…
EVN Hà Nội nói gì?
Theo đại diện EVN Hà Nội, trước đây, lịch ghi chỉ số công tơ trên địa bàn Hà Nội diễn ra từ ngày 3 - 20 hàng tháng (tùy địa bàn). Khi chuyển đổi về ngày cuối tháng thì hóa đơn tiền điện sẽ cao hơn so với bình thường, do số ngày tiêu thụ điện tăng lên.
Bà Tô Lan Phương, Trưởng ban Kinh doanh EVN Hà Nội, cho biết: “việc thay đổi lịch ghi chỉ số công tơ về ngày cuối tháng có thể được giải thích như sau: bình thường, khách hàng sử dụng điện sẽ ghi chỉ số từ ngày mùng 3 và có thể là đến ngày 20. Thay vì việc khách hàng sẽ thanh toán tiền điện cho 30 ngày thì số ngày sử dụng điện thực tế có thể là từ 41 đến 58 ngày. Quyền lợi của khách hàng sẽ được bảo đảm do căn cứ theo điều chỉnh số lượng ngày sử dụng điện thực tế.
Sở dĩ có cách tính khác nhau giữa các hộ dân về từng bậc là dựa theo ngày sử dụng điện thực tế. Chẳng hạn, với hộ gia đình anh Trịnh Văn Kiệm, thực tế sử dụng điện trong tháng 1 và 2 là 54 ngày, song với nhà khác lại là 57 ngày… Với các hộ gia đình có 54 ngày sử dụng điện, để tính sản lượng điện cho bậc 1 và 2, EVN Hà Nội áp dụng công thức 54 (ngày) x 50 (kWh)/31 (ngày) = 87 kWh/bậc; tương tự với bậc 3 - 5 sẽ áp dụng công thức 54x100/31= 174 kWh/bậc.
EVN Hà Nội cũng cho biết, việc dịch chuyển lịch ghi chỉ số tiêu thụ điện năng về ngày 29.2.2024 nhằm thực hiện Nghị định số 137/2013/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Điện lực, trong đó quy định đối với việc mua bán điện sử dụng cho mục đích sinh hoạt, bên bán điện ghi chỉ số công tơ điện mỗi tháng một lần vào ngày ấn định.
Trong tháng 1.2024, EVN Hà Nội đã chốt chỉ số công tơ điện từ ngày 7.12 - 6.1, do đó không thể tiếp tục chốt vào ngày 31.1 sẽ trái quy định. Để thực hiện yêu cầu của Sở Công thương Hà Nội về việc thống nhất trong quản lý, giảm thiểu sai sót trong quá trình ghi chỉ số và thanh quyết toán hóa đơn, EVN Hà Nội điều chỉnh lịch ghi chỉ số công tơ điện vào ngày cuối tháng, bắt đầu từ 29.2 nên buộc phải gộp hai tháng 1 và 2, từ tháng 3.2024 sẽ không còn tình trạng này.
Lợi cho ngành điện?
Trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân ngày 5.3, chuyên gia năng lượng Ngô Đức Lâm cho biết không tán thành cách làm của EVN Hà Nội; ông chỉ rõ, nguyên tắc tính giá điện là phải dựa theo sản lượng và bậc luỹ tiến (6 bậc). “Trong trường hợp gộp 2 tháng vẫn phải dựa vào nguyên tắc sản lượng và không được tính theo số bậc tăng lên. Đáng tiếc, cách tính hiện nay của EVN Hà Nội đang có sự nhập nhằng, theo hướng có lợi cho ngành điện nhưng người dân lại chịu thiệt”, ông Lâm nói.
Cũng theo chuyên gia này, mặc dù EVN Hà Nội đã có thông báo về việc thay đổi lịch ghi chỉ số công tơ điện, song khi triển khai lại gây băn khoăn, nghi ngại trong nhân dân. Điều này đòi hỏi Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng như Bộ Công thương phải vào cuộc làm rõ cách tính của EVN Hà Nội có phù hợp, có được chấp thuận không? Chỉ khi làm rõ được mới tạo sự minh bạch cho ngành điện.
Chia sẻ với nhiều khách hàng sử dụng điện tại Hà Nội, chuyên gia thẩm định giá Nguyễn Tiến Thỏa cho biết, chính ông cũng băn khoăn với hóa đơn tiền điện sinh hoạt tháng 2 lên tới 3,6 triệu đồng. Mặc dù biết là cộng gộp tháng 1 và 2.2024, song ông Thỏa khuyến cáo khách hàng đối chiếu với quy định để có căn cứ đánh giá.
Chẳng hạn, khi cộng gộp hai tháng thì sản lượng điện tiêu thụ tính ở bậc 1 và 2 đạt 100kWh/bậc/hộ sử dụng điện là bình thường, song nếu dưới con số này và tăng số kWh ở các bậc cao hơn “là vô lý”. Trong trường hợp này, EVN Hà Nội cần tính toán lại để bảo đảm quyền lợi cho người dân đúng như cam kết, phải giải trình rõ để tạo sự minh bạch và đồng thuận trong nhân dân, ông Thỏa đề xuất.