Theo công văn của UBND tỉnh Cà Mau, kết quả kiểm tra đã cho thấy những khó khăn, vướng mắc đối với tình hình cung ứng xăng dầu trên địa bàn tỉnh. Các cửa hàng xăng dầu chỉ được thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu cung ứng số lượng hạn chế để hoạt động cầm chừng. Điều này dẫn đến tình trạng hết xăng dầu cục bộ tại một số cửa hàng bán lẻ xăng dầu, chưa đảm bảo nhu cầu nhiên liệu phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, nhất là nguồn cung dầu diesel chưa đảm bảo để phục vụ cho gần 4.000 tàu thuyền đánh bắt thủy sản, phương tiện giao thông vận tải, sản xuất nông nghiệp, thi công công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh. Nhiều phương tiện không có nhiên liệu hoạt động, công trình xây dựng phải tạm dừng thi công, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, trước biến động của giá xăng dầu thế giới, mặc dù Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua 2 Nghị quyết về giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn, nhưng giá dầu diesel trong nước hiện nay vẫn rất cao, ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí sản xuất của người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Trước tình hình này, UBND tỉnh Cà Mau đề nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo có giải pháp điều hành giảm giá dầu diesel, tạo điều kiện thuận lợi để người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hạ chi phí sản xuất. Nếu giá dầu tăng cao thì người dân, doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn, tàu thuyền không thể duy trì hoạt động đánh bắt, khai thác biển phải nằm bờ, hoạt động thu hoạch lúa bị đình trệ, các công trình, dự án xây dựng phải tạm dừng thi công...
Song song đó, chỉ đạo các thương nhân đầu mối có giải pháp kịp thời đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho hệ thống phân phối, cũng như cung ứng cho các thương nhân phân phối xăng dầu, đảm bảo hoạt động kinh doanh xăng dầu thị trường nội địa ổn định, thông suốt.
Trường hợp giá dầu diesel tiếp tục tăng cao trong các kỳ điều hành giá tiếp theo, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nghiên cứu, đề xuất ban hành các chính sách hỗ trợ các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng trực tiếp của giá xăng dầu tăng cao như ngư dân, nông dân... và các đối tượng chịu tác động trực tiếp khác.